Đức Maria …người Mẹ đáng kính của chúng ta.
Phụng vụ Thánh Lễ được chia theo mùa trong năm. Ngoài những mùa đặc biệt như “Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh” kế đến là “Mùa Chay & Mùa Phục Sinh”. Phụng Vụ Thánh Lễ còn có Mùa Thường Niên.
Trong mùa-thường-niên Giáo Hội ấn định một số lễ riêng biệt để mừng các Thánh Bổn Mạng, các Thánh Tử Đạo hoặc các Thánh nam nữ. Nhưng đặc biệt hơn hết Giáo Hội đã dành riêng một số ngày để kính nhớ một cách kính trọng về Đức Maria.
Có thể nói rằng Đức Maria là nhân vật được kính trọng một cách đặc biệt của Giáo Hội Công Giáo. Vì sao Giáo Hội lại kính trọng Đức Maria như thế !!!
Hãy trở về Palestina cách đây hơn hai ngàn năm của lịch sử Kitô giáo; và hãy lược qua ba mươi ba năm cuộc đời Đức Giêsu…
Từ “thành Galilê, gọi là Nazareth”. Sứ thần của Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy được dung nhan một cô “trinh nữ tên là Maria”.
“Maria” tên nàng đã đi vào “Lịch Sử Cứu Độ”. Ba mươi ba năm nghiệt ngã; khởi đầu là cuộc gặp gỡ với Gapriel – vị sứ thần của Thiên Chúa đã loan báo rằng : “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”(Lc 1, 31). Chín tháng cưu mang với nhiều biến động trong cuộc đời. “Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” đã được sinh ra tại Belem miền Giuda”. Chính nơi đây lịch sử cứu độ được hình thành. Hình thành do bởi lòng tin và lời “xin vâng” của cô thôn nữ tên Maria. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói” (Lc 1, 38).
“Maria” nàng không còn là một nàng thôn nữ… Nàng đã trở thành Đức Maria – Mẹ Chúa của muôn dân – như lời tán dương chúc tụng của bà chị Elizabeth : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”(Lc 1,42-43).
Đức Maria – có thể nói rằng – kể từ đó đã gắn chặt cuộc đời mình với Đức Giêsu. Hãy nhìn xem những gian truân của Đức Maria từ Belem cho tới đồi máu Golgotha … Ai… ai là người duy nhất bên Đức Giêsu nếu không phải là Đức Maria !!!
Chiều Golgotha… một chiều hoàng hôn tím ! “Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu người” (Ga 19,25). Lịch sử cứu độ đã hoàn thành. Một Đức Maria chính là nhân chứng. Nhân chứng của sự “thủy chung”…
Từ lòng tin vào Thiên Chúa dẫn đến lời xin vâng và kết thúc là sự thủy chung bên Đức Giêsu; cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng… Vâng, hỏi sao Giáo Hội không kính trọng Đức Maria cho được !!!
Hơn nữa sự kính trọng Đức Maria không chỉ nằm ở những nhân đức và sự thánh thiện của Mẹ; mà còn ở chỗ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của mỗi chúng ta.
Một chút tâm tình…
“Đức Maria… Người Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ đáng kính của mỗi chúng ta”.
Nhân chứng sống động cho lời tín thác trên chính là Đức Maria và tông đồ Gioan. Thánh Gioan đã thuật lại rằng : “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng :Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi người nói với môn đệ : Đây là Mẹ anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).
Một khi chúng ta tin vào Đức Giêsu và là môn đệ của Ngài, thiết tưởng chúng ta cũng sẽ không có vấn đề gì khi gọi Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ của mỗi chúng ta.
Đừng ngần ngại mà không gọi Đức Maria là Mẹ… “Mẹ của tôi” Và cũng đừng chần chờ mà không thực thi những lời Mẹ khuyên răn…
Hãy nhìn những gia nhân trong bữa tiệc cưới ở Cana. Họ nghe lời Đức Maria dạy bảo. Nhờ thế; họ đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho đôi tân lang và tân nương.
Chuyện là thế này… Tiệc chưa tàn mà lại “thiếu rượu”. Sau một cuộc trao đổi ngắn với con mình là Đức Giêsu. Đức Maria nói với các gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo…”
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rằng; kết thúc câu chuyện này có hậu. Thật vậy, đó là một phép lạ, và cũng là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm. Sáu chum đá được các gia nhân “đổ đầy nước vào tới miệng chum”… Kết quả là “nước đã hóa thành rượu” mà lại là “rượu ngon” nữa chứ ! (Ga 2, 10)…
Một phút suy tư…
Hôm nay Đức Maria đã về trời không còn cư ngụ giữa chúng ta. Nhưng có phải vì thế mà Mẹ không thể khuyên dạy chúng ta ???
Thưa không. Đức Maria vẫn dạy dỗ chúng ta qua những gì đã được chép lại trong Kinh Thánh. Thật vậy, lòng tin cùng với sự khiêm nhường và lời xin vâng; chắc chắn là điều mà Đức Maria : “vẫn hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,…51).
Vâng, nếu Mẹ không nói ra cho các môn đệ nghe và các môn đệ không nói lại cho Luca biết; thì làm sao thánh sử có thể truyền bá lại những nhân đức của Mẹ để hậu thế noi theo !!!
Sẽ là thiếu xót nếu chúng ta không nhắc lại những điều Đức Maria trực tiếp dạy dỗ khuyên răn chúng ta qua những lần Mẹ hiện ra trong thế kỷ trước. Khi thì Mẹ hiện ra ở Lộ Đức 1858; khi ở Fatima năm 1917 và nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có La Vang Việt Nam năm 1798….
“Hãy ăn năn đền tội. Tôn sùng Mẫu tâm. Siêng năng lần hạt Mân Côi”… Đó… đó chính là những gì Đức Maria đã khuyên răn.
“Lần hạt Mân Côi”… Vâng, khi lần hạt Mân Côi; phải chăng chính là lúc chúng ta “đổ tràn đầy nước vào cái chum tâm hồn” của mình những lời ăn năn thống hối; những lời cầu nguyện xin ơn và những lời tán dương chúc tụng Thiên Chúa !!!
Thật vậy, có gì tốt hơn khi nhớ lại hình ảnh Đức Giêsu trong vườn cây dầu “lo buồn đổ mồ hôi máu”; chúng ta hãy khẩn khoản “xin cho được ăn năn tội nên”…
Có gì tốt hơn khi nhớ lại biến cố “Đức Mẹ đi viếng Bà Isave” chúng ta hãy cầu xin “cho được lòng yêu người”…
Và khi suy tư về việc “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời” có gì ngăn cản chúng ta xin “Đức Mẹ phù hộ cho chúng ta được thưởng cùng Mẹ trên nước Thiên Đàng”…
Một trăm năm mươi kinh Mân Côi có khác nào một trăm năm mươi Thánh Vịnh sám hối, xin ơn và tán tụng hồng ân Thiên Chúa…
Vâng, đừng chần chờ gì nữa; hãy thực thi lời khuyên của Mẹ Maria mà cùng nhau đồng tâm nhất trí; cất cao lời hát dâng lên Mẹ : “Một tràng hoa Mân Côi hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Từng lời kinh sốt mến xin dâng về Nữ Vương hiển vinh”. Amen.
SAIGON – 10.2010 – THÁNG MÂN CÔI.
Petrus.tran