Kính mừng Maria đầy ơn phúc

 

KÍNH MỪNG MARIA ÐẦY ƠN PHÚC
Lc 1,26-38

Lm Px. Đào Trung Hiệu op

Kính mừng Maria đầy ơn phúcKính mừng Maria đầy ơn phúc …

Lời kinh kính mừng ấy, tôi đã thuộc từ thuở mới lên năm. Nhưng ngày qua ngày, tôi có nhiều cảm nghiệm mới khác nhau về kinh Mân Côi. Nay nhìn lại, tôi cảm thấy mình trải qua một quá trình sống các mầu nhiệm Mân côi trong đời.

Từ lời cầu nguyện đơn giản…

Xin cảm ơn Mẹ Giáo hội, vì ngay từ thuở ấy, khi chưa biết chữ để đọc thánh vịnh, khi chưa biết dâng những lời nguyện tự phát, thì nhờ kinh Mân Côi tôi đã có thể tích cực tham gia cầu nguyện với cộng đoàn.

Kinh Mân Côi với tôi khi đó, như những lời cầu khẩn, vì tôi quan tâm hơn đến vế thứ hai của kinh : “Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…”. Khi chúc tụng Mẹ Maria như một Vị trung gian thần thế, tôi thân thưa với Mẹ những nhu cầu của tôi, và gửi gắm cho Mẹ những người tôi thân yêu.

Và thông qua lời gợi ý mỗi mầu nhiệm trong mẫu kinh Mân Côi tiếng Việt, tôi xin cho mình các nhân đức liên hệ. “Ta hãy xin cho được” lòng khiêm nhường, được biết yêu người, biết sống khó nghèo, biết tuân theo Ý Cha, và biết giữ nghĩa cùng Chúa… Xin cho biết sám hối thật lòng, biết kiên nhẫn và hi sinh vác thập giá theo chân Chúa… Xin được sống lại với Chúa, biết ái mộ những sự trên trời để sống yêu thương, trên hành trình theo Mẹ về Thiên quốc. Ðôi khi trong lúc đọc kinh như vậy, tôi có những quyết tâm thể hiện các đức tính ấy bằng một hành vi cụ thể.

Qua những nỗ lực suy niệm …

Dần dà lớn lên, được tiếp cận với Phúc Âm và các sách suy niệm kinh Mân Côi, tôi đã trải qua một giai đoạn mới, với khả năng giới hạn của mình để “suy niệm và ghi nhớ trong lòng” những ý tưởng và tâm tình đa dạng chung quanh từng mầu nhiệm.

Ðến lúc này tôi hiểu ra Ðức Kitô mới là nhân vật trung tâm của 15 mầu nhiệm Mân Côi. Vâng, chính ngài thể hiện thánh ý Chúa Cha trong công cuộc cứu độ : đã hoàn toàn trở nên người phàm, đã ban ơn cứu độ cho Gioan Tẩy Giả và là hiến lễ dâng trong đền thờ.

Cũng chính ngài, Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, đã tình nguyện uống trọn chén đắng Cha trao, đón nhận mọi nhục hình và được giương cao trên thập giá để “kéo mọi sự lên với Người” (Ga 12,32). Chính Ngài là “sự sống lại và là sự sống” (Xc Ga 11,25) để những ai tin vào ngài sẽ được sống, Ngài về trời để dọn chỗ cho chúng ta (Ga 14,2), và cử Thánh Thần đến để đưa các chúng ta vào chân lý toàn vẹn (Ga 16,13). Chính ngài ngự bên hữu Chúa Cha để ân thưởng cho tất cả những ai thuộc về ngài.

Và trong hành trình cứu độ của đức Kitô, không chỉ có đức Maria, tôi đã gặp nhiều nhân vật khác, bình thường hơn, gần gũi hơn, nên dễ rút ra nhiều mẫu gương cho những ai muốn theo Chúa.

+ Khi đó tôi chiêm ngắm Gabriel kẻ loan báo tin vui, tìm gặp niềm hân hoan của bà Elisabeth, sống những tâm tình của ba vua, của các mục đồng, của các cụ Siméon và Anna tại đền thờ…

+ Trên bước đường Chúa đi rao giảng, tôi ước ao được thành Gioan tiền hô, là gia nhân trong tiệc cưới Cana, lẩn vào đám đông nghe tiếng Chúa, chiêm ngưỡng Ngài trên núi cao, hay được đồng bàn với Thày… 

+ Trong cuộc khổ nạn, tôi có dịp suy niệm về những yếu đuối của những người theo Chúa, của Giuđa, của Phêrô, về thái độ trốn tránh trách nhiệm của Philatô hay bóng dáng kiên cường của Ðức Maria dưới chân Thập Giá…

+ Tôi cũng có dịp để chung chia niềm vui của Mađalêna và 11 tông đồ khi Chúa sống lại, được nghe lời Ðức Giêsu căn dặn trước khi lên trời, sai đi làm chứng tá cho Ngài đến tận cùng trái đất ; được quây quần bên đức Maria trong ngày Ngũ tuần, và đồng hành với Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin của Giáo hội hôm nay.

Ðến lời nguyện cầu cho một thế giới mới

Càng ngày tôi càng hiểu hơn về tính hiện sinh của Tin Mừng. Ðức Giêsu vẫn là một : hôm qua, hôm nay và mãi đến muôn đời. Kinh Mân Côi tạo nên cho chúng tôi một không gian cần thiết giúp chúng tôi chiêm niệm chân dung Ðức Kitô vẫn đang hiện diện trong cuộc đời. Từ đó, tôi hiểu ra tại sao : Ðức Gioan XXIII thường dành từng “chục kinh” trong chuỗi năm mươi, để cầu nguyện cho một trong năm lục địa trên địa cầu.

Và thế là mỗi chục kinh, tôi cầu nguyện đặc biệt cho một giới nào đó trong xã hội. Chẳng hạn

Mùa vui, cầu nguyện : 1. cho lương dân được đón nhận tin mừng khi suy niệm về lễ truyền tin ; 2. cho các bà mẹ qua biến cố thăm viếng ; 3. cho tuổi thơ qua biến cố giáng sinh, 4. cho người già khi suy niệm về hai cụ Simêon, Anna, và 5. cho các nhà giáo dục…

Mùa sáng, cầu nguyện cho : 1. những người đấu tranh cho công lý, 2. những gia đình gặp thử thách, 3. cho việc rao giảng tin mừng, 4. Xin ơn biến đổi canh tân mỗi ngày, và 5. được hiệp thông vào sự sống của Chúa.

Mùa thương, cầu nguyện cho 1. những người khô khan, 2. các tội nhân, 3. những nhà lãnh đạo, 4. những ai đang đau khổ, và 5. cho các linh mục.

Và mùa mừng, cầu nguyện : 1. cho các anh em vô thần, 2. cho Giáo hội, 3. cho các tu sĩ. Trong hai biến cố liên quan đến việc vinh thăng của đức Maria, tôi cầu nguyện cho 4. sự tiến bộ của nhân loại và 5. cho hòa bình thế giới.

Cho ý Cha được thể hiện

Cho đến một ngày, tôi bỗng như gặp được một luồng sáng mới, để thấy được rằng điều cần phải có khi đọc kinh Mân Côi, quan trọng hơn mọi suy niệm và ý nguyện, chính là một thái độ “xin vâng” của đức Maria và tâm tình tụng ca Tình yêu của Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ.

Vâng đúng vậy, nếu Ðức Maria, là đại diện của nhân loại mới để đón nhận lời chúc tụng “đầy ơn sủng”, để trở thành cung điện đầu tiên cho Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và “ở cùng” nhân loại, thì lời kinh kính mừng hôm nay, vẫn mãi là lời chúc tụng Thiên Chúa vẫn đang ở cùng nhân loại “mọi ngày cho đến tận thế”, và là lời tán tụng ân sủng Chúa trong cuộc đời qua đức Kitô, đã được ban “dồi dào hơn biết mấy” (Rm 5,15).

Nếu nhân loại lầm than vì sự bất tuân của Adam, thì nay nhân loại mới được khai sinh nhờ Adam mới là đức Giêsu, đấng “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2, 8). Cũng thế, nếu Eva là biểu tượng của bất tuân, thì lời Ave gửi đến Ðức Maria, Ðấng đã thưa “xin vâng”, sẽ là biểu tượng của những người Tin trong Tân ước. Ðó là ý nghĩa của hai câu thánh thi quen thuộc được giáo hội sử dụng trong phụng vụ kinh chiều lễ kính Ðức Mẹ :

“Chữ E-va Mẹ đảo vần,
Thành A-ve gửi bình an cho đời”.

Từ nay, lời kinh kính mừng “Ave Maria”, trở thành lời kinh của cả nhân loại và của từng con người, được cất lên từ cuộc sống hằng ngày của mình. Cùng với đức Maria, nhân loại đó đang hân hoan vì nhận ra tình thương cứu độ, vì khám phá ra lối thoát khỏi những nỗi tuyệt vọng để dám sống những mối phúc thật được công bố trong bài giảng trên núi.

Tâm tình “xin vâng” ấy sẽ thâu tóm tất cả mọi ý nguyện trong lời cầu xin cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tâm tình ấy sẽ đem đến cho người tín hữu nguồn sinh lực mới để cùng với đức Maria bước đến tận bên chân khổ giá, để đón nhận mọi nỗi vui buồn, âu lo và hi vọng của con người thời đại. Lời kinh ấy trở thành lời kinh của những người tin tưởng, hy vọng và yêu mến, để đảm nhận những trách vụ theo ơn gọi của mình góp phần dựng xây đất mới đang khi mong chờ trời mới.

_________

NB. Bài này viết đã lâu,
nay được bổ sung thêm vài dòng về Mùa Sáng


Trả lời