Thứ Hai Tuần Thánh
(Ga 12, 1-11)
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? ” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
Ham Tiền Nên Phản Bội
Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan, chương 12, câu 1 đến 11 kể rằng: Cô Maria lấy một bình dầu thơm quý giá xức lên chân thầy Giêsu, Giuđa liền bảo: “Sao lại không bán dầu thớm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (c. 5). 300 quan là số tiền lớn gấp 10 lần số tiền Giuđa bán thầy Giêsu cho người Do Thái. Nếu làm công tác bác ái tự thiện theo như đề nghị của Giuđa là “cho người nghèo” thì chắc cũng được kha khá.
Lo cho người nghèo, sống với người nghèo chẳng lẽ không tốt? Tốt chứ, thậm chí đó còn phải là một chọn lựa mãi mãi của người Kitô hữu. Nhưng tác giả Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy rõ hơn sự thật này khi đã viết: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (c. 6). Như vậy ở đây có một vấn đề khác, chứ không phải là chuyện lo cho người nghèo.
Vậy sự thật là gì?
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe trẻ con và cả người lớn nữa nói câu này : tiền là tiên là phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng… và còn là nhiều cái cao trọng hơn nữa. Người ta đã quá ham tiền và đã đề cao giá trị đồng tiền vượt trên tình người, vượt trên giá trị làm người.
Vì chỉ chú ý đến đồng tiền, nên Giuđa thấy Maria lấy dầu thơm hảo hạng đổ lên chân Chúa Giêsu là việc làm vớ vẫn, sai trái. Trong cách nói của Yuđa còn cho thấy Giuđa không chỉ trách Maria, mà còn lên án Chúa Giêsu nữa, khi Ngài ngồi im để Maria làm cái trò ngớ ngẫn là đổ dầu quý lên chân mình. Chỉ chú ý đến đồng tiên, nên Giuđa không còn thấy được tình người dành cho nhau là cần. Lòng tri ân cảm tạ của Maria dành cho Chúa Giêsu, vì Chúa đã làm cho em cô sống lại, cũng là một thứ tình cảm cải lương rẻ tiền. Vì chỉ bận tâm đến tiền, Giuđa đã trở nên nghẹt mũi, không nhận ra «cả nhà sực mùi thơm». Maria làm việc đó cho Chúa là việc tốt đáng khen ngợi thì mọi người hãy khen ngợi đi, tôi – Giuđa – không quan tâm. Tôi chỉ mong tiền mà thôi.
Cách đây hơn một tuần, một bạn trẻ viết thư kể thế này : «Ba con bảo, nếu con không thôi việc nhà thờ thì ba con sẽ dẹp bàn thờ ở nhà, vì làm việc Chúa không sinh ra kinh tế !» Mà hình như đâu chỉ có ba cô bé ấy nghĩ như vậy, mà rất nhiều người, mà đâu chỉ có người gia hay trung niên, mà ngay giới trẻ cũng đang nghĩ như thế. Có thể nói người Việt Nam đang bị rơi vào hội chứng ham tiền. Hội chứng này khởi đi từ chủ trương «dân giàu nước mạnh». Họ khuyến khích nhau làm giàu bằng mọi cách, cách nào nhanh giàu thì hãy làm. Thế là đã có những nơi giáo viên tổ chức đường dây buôn bán ma túy cho học sinh ngay trong học đường, thế là đua nhau phá thai, vì thêm một miệng ăn thì ta sẽ bớt giàu. Khi thấy tình trạng nguy cập, họ sửa lại cách nói một chút là được làm giàu những không được vi phạm pháp luật, nhưng có phải thế đâu, mà thật chất là làm sao thì làm đừng để ai bắt tận tay, nên để ra đại bệnh cho quốc gia là tham những. Trong một hội nghị tổ chức tại Hà Nội, có cán bộ đã phải thừa nhận : «nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội phát sinh, phát triển một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện xa dân, vô cảm với dân, sách nhiễu dân, cửa quyền,…”
Cách của Giuđa đối xử với đồng môn và cũng là cách đối xử với Chúa Giêsu là đặt đồng tiền trên hết có vẻ như không xa lạ lắm với nhiều người trong chúng ta. Và chắc sẽ có nhiều người đang hiện diện ở đây nghĩ thầm rằng lý tưởng như thế thì tuyệt, nhưng phải «có thực mới vực được đạo».
«Có thực mới vực được đạo» có lẽ là một điều đang đúng với đại đa số chúng ta, và cả xã hội đang cố gắng lý luận như thế để sống qua ngày, nhưng hoàn toàn sai với sự phát triển con người trọn vẹn. Ngay từ ban đầu không có con người mà chỉ có Thiên Chúa, có đạo trước. Rồi sau đó Thiên Chúa mới tạo dựng nên muôn loài muôn vật và con người. Rồi chính Thiên Chúa trao vũ trụ và muôn loài cho con người trông coi và sử dụng. Đạo tạo ra thực ! Chúng ta đã nghe sai, đã nói sai theo và đã thành sai luôn mất rồi. Trong thực tế, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã mục kích hình ảnh tương tự thế này : Một gia đình nghèo đầu tắt mặt tối kiếm ăn, nhưng sáng tối quây quần với nhau cầu nguyện, gia đình nghèo thế, mà tiếng cười cứ giòn tan, nhưng thời gian sau thấy cảnh nghèo là nổi nhục, dồn mọi sức, thu mọi nổ lực để tìm cách làm giàu và đã khá hơn thì gia đình không còn cơ hội gặp nhau nhiều hơn nữa, rồi từ từ mạnh ai nấy sống. Nhiều người trong hoàn cảnh đó đã sa ngã, đã không còn tin Chúa nữa. Có thực không những không vực được đạo, mà còn diệt đạo nữa là khác.
Chúng ta cảm thấy lúng túng với cuộc sống thực tại khi nghe những lời chia sẻ này, nhưng nếu chúng ta nghe lại Lời Thiên Chúa nói ở khởi đầu bài đọc một hôm nay, chúng ta sẽ thấy khác : «Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và hết lòng quý mến» (Is 42, 1). Người tôi trung ở đây là Chúa Giêsu và là tất cả những ai thuộc về Chúa Giêsu. Giữa những người Do Thái đang muốn bắt Chúa Giêsu, giữa lúc Giuđa, một môn đệ thân tín, đang coi Chúa Giêsu không bằng nắm tiền hắn có trong tay thì Chúa Giêsu biết mình thuộc về Cha là Thiên Chúa và đang được Cha nâng đỡ. Sở dĩ giữa cuộc đời nhiều thử thách gian nan, nhiều áp lực đẩy chúng ta vào tình trạng phải đồng lõa với cái xấu, chúng ta cảm thấy kiệt sức là do chúng ta đã không còn thấy trong Đức Kitô Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, được Thiên Chúa hết lòng quý mến.
Khi chúng ta sống bất chấp vòng xoay của cuộc đời, tức là không chạy theo đồng tiền nữa, thì cũng đừng quá sợ người đời ức hiếp chúng ta, vì lúc ấy Chúa Giêsu sẽ lên tiếng, như người đã lên tiếng với Giuđa mà bênh vực cho Maria : «Hãy để cô ấy yên !»
Vì đồng tiền Giuđa đã phản bội thầy chí thánh của mình. Còn vì tình yêu thương, Maria đã được Chúa Giêsu bảo vệ và trân trọng. Có lẽ không ai trong chúng ta muốn là Giuđa, kẻ phản bội, nhưng để không ham tiền nữa, tự thân chúng ta cũng khó có thể cưỡng lại. Vậy chúng ta chỉ còn cách khẩn cầu Chúa đến với chúng ta, đổ đầy những khoảng trống trong cuộc đời chúng ta, để dẩu có tiền hay trắng tay, chúng ta vẫn có Chúa ; để dẩu đồng tiền có giương oai thị uy thì chúng ta biết rõ, nó chỉ là một sức mạnh bên ngoài, chóng qua, chẳng làm sao được chúng ta, bởi một sức mạnh rất lớn đã có rồi trong chúng ta là chính Giêsu, Chúa chúng ta.