Video: Giảng lễ Trao tác vụ linh mục (2014)

 

Giảng lễ Trao tác vụ linh mục (2014)

 

Tin mừng theo thánh Mat-thêu (9, 35 – 36; 10,1)

Video: Giảng lễ Trao tác vụ linh mục (2014)Hôm ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.  Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

 

[youtube]TZz6vUe9BUI[/youtube]

 

 Bản văn

1. Anh chị em rất quý mến, hôm nay chúng ta quy tụ đông đảo tại đây để cùng nhau cử hành Thánh lễ trao thừa tác vụ linh mục cho một số anh em Dòng Đaminh. Hãy để cho ánh sáng Lời Chúa soi chiếu trên chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể tham dự cách sốt sắng và ý thức hơn nghi thức phụng vụ quan trọng này.

Hôm nay cũng là lễ Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, ngài là vị linh mục mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã đặt làm Quan Thầy của mọi linh mục, không phân biệt linh mục triều hay linh mục dòng. Thật là ý nghĩa khi anh em Dòng Đaminh đã chọn ngày này.

2. Bài đọc Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh việc Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Đó chính là trọng tâm của linh đạo và công việc mục vụ của anh em Dòng thuyết giáo. Anh em là những sứ giả Tin Mừng, được sai đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Việc rao giảng của Chúa Giêsu phát xuất hoàn toàn từ Tình Thương của Người đối với quần chúng: “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,36)

3. Chúa Giêsu không đi rao giảng một mình, nhưng Người chọn 12 môn đệ hợp tác với Người. Sau này, các ông trở thành 12 thánh Tông Đồ, là những Sứ Giả chính thức được  sai đi tiếp nối Sứ Mạng của Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). Chúa cũng đã ban Chúa Thánh Thần và quyền bính cho họ, kể cả quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 10,1). Chúa còn dạy hãy xin Chủ Mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (x. Lc 10,2). Như vậy là Chúa đã trù liệu tất cả để Giáo hội có thể tiếp nối sứ mạng của Chúa, rao giảng Tình Thương của Thiên Chúa cho mọi loài thụ tạo.

4. Linh mục, trước hết và trên hết là sứ giả loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, là những môn đệ tông đồ, tuyệt đối trung thành với Chúa Giêsu, hăng hái dấn thân cho công việc của Chúa, là công việc cứu nhân độ thế. Công việc đưa dẫn mọi người đi theo đường ngay nẻo chính, điều mà Thiên Chúa đã phán với ngôn sứ Êdêkien: Người sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết (x. Ed 33,7). Linh mục là ngôn sứ, chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, và trung thành phát biểu đúng ý của Thiên Chúa, chứ không phải ý riêng của mình. Đây là một trách nhiệm hết sức quan trọng, liên hệ tới phần rỗi của người khác và cả phần rỗi của chính mình. Nhờ linh mục, mà con người có thể “tri Thiên mệnh”, biết Ý Trời, thuận theo Ý Trời và được sống.

5. Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọngChúa trao cho những con người nhỏ bé tầm thường, chứ không phải là những người quyền thế quý phái, như lời Thánh Phaolô trong thư Côrintô. Thánh Gioan Maria Vianney là một “trường hợp điển hình”. Cha thánh là một con người khiêm nhường, thấp kém, lực học rất yếu. Nếu xét trên bình diện tự nhiên, không đủ điều kiện để đáp ứng ơn gọi linh mục. Nhưng Thiên Chúa đã dùng ngài, theo như lời thư Phaolô, là con người yếu kém hèn mạt, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người (x. 1Cr 1,26-31).

6. Thiên Chúa đã chọn cha Vianney làm dụng cụ nhuần nhuyễn trong bàn tay Mục Tử nhân lành của Người. Cha Thánh đã hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã hư vô hóa chính mình, hạ mình thấp hèn, trở nên người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Tâm hồn của ngài “trong sạch”, không vướng bận một chút tham vọng cá nhân nào, không chờ đợi một chút vinh quang trần thế nào. Cha là một “đầy tớ luôn canh thức”, gìn giữ ngôi nhà và gia nhân của Thiên Chúa được sạch đẹp và sẵn sàng đón Chúa. Ngài là một con người luôn coi mình là “chót hết”, và vì thế đã trở nên “trước hết” , trở thành  con người “có khả năng biến đổi” nhiều người, làm cho nhiều người hoán cải và trở lại cùng Chúa. Chính vì thế ma quỷ rất ghét, và không ngừng bách hại ngài, quấy phá và hành hạ ngài đủ kiểu. Thiên Chúa đã cho ngài quyền năng mạnh mẽ chống lại thần dữ và làm những việc lạ lùng chưa từng thấy.

7. Anh em linh mục Dòng Thuyết Giảng muốn trở nên giống thánh Gioan Vianney, nên mới chọn ngày lễ của ngài, để tổ chức Thánh lễ trao tác vụ linh mục. Thật là một điều khích lệ, vì cả ba lời khấn của anh em, khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh, lại nổi bật nơi nếp sống của một linh mục giáo phận. Điều đó nhắc nhở các linh mục triều noi gương cha sở họ Ars, sống 3 “lời khuyên Phúc Âm” mặc dù không có khấn như các tu sĩ. Việc giảng dạy không mệt mõi và siêng năng ngồi tòa giải tội cũng nhắc nhở cho các linh mục cách thi hành sứ vụ của mình. Kết hợp cầu nguyện với giảng dạy, linh mục nào cũng có thể trở thành những tông đồ rao giảng có sức thuyết phục của Chúa Thánh Thần. Trở thành những môn đệ có khả năng mang “Niềm vui của Tin mừng” đến cho mọi người.

Nhà thờ Đaminh (Ba Chuông), thứ Hai ngày 04.08.2014

+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận