Chúa lên trời A : Lạy Chúa đến bao giờ ? Sắp rồi.

 

Chúa lên trời A :

Lạy Chúa đến bao giờ ? Sắp rồi.
Mt 28: 16-20

Lm. Jude Siciliano, OP
Anh Em Nhà Học Đaminh chuyển ngữ.

Chúa lên trời A : Lạy Chúa đến bao giờ ? Sắp rồi.Thưa quý vị,

Tôi từng nghe người ta cầu nguyện lớn tiếng với Đức Giêsu. Tất cả chúng ta khi tham dự các nghi thức phụng vụ hay tụ họp cùng nhau cầu nguyện thì ai cũng có những nhu cầu đặc biệt – bình an, những người bệnh, và những ai túng thiếu,… Tôi không có ý nói đến những khi chúng ta cầu nguyện trong cộng đoàn, nhưng là những lời cầu nguyện mà người ta thốt lên trong những giây phút cụ thể trong cuộc sống; lời nguyện khi bị áp bức, và trong lúc bị thử thách. Dì của tôi phải chấp nhận cái chết rất chậm chạp và đau đớn vì bị khí thũng. Nhiều lần dì tôi cầu nguyện thảm thiết khi thở hắt ra: “Lạy Chúa tôi, còn đến bao giờ nữa?”

Cách đây vài tuần một chiếc tàu chở những người tị nạn Lybi bị lật úp trong cơn bão ngoài Địa Trung Hải và 600 người bị nhận chìm. Nhiều người cảm động khi xem thấy trên tivi cảnh tượng này, “Ôi lạy Chúa, còn đến bao giờ nữa?” Một báo cáo khác về tình trạng lạm dụng tình dục và những che đậy khác trong Giáo hội, và tôi phải lớn tiếng cầu xin khi nghe bản tin trên rađiô: “Lạy Chúa, còn đến bao giờ nữa?”Chúng ta thốt lên lời cầu xin đó vì chúng ta đang bị kẹt cứng giữa buổi giao thời:  giữa khoảng thời gian Đức Giêsu rời khỏi các Môn đệ và thời mà Người hứa sẽ quay trở lại. Chúng ta muốn Người đến thật nhanh, nhất là khi cuộc sống đè nặng trên chúng ta hay những người xung quanh.

Các môn đệ quy tụ quanh Đức Giêsu ngay trước lúc Người chuẩn bị rời khỏi. Các ngài cũng cầu nguyện bằng một cách khác: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” Ai dám khiển trách các ông vì sự nôn nóng mà các ông bộc lộ trong câu hỏi của mình?Các ông muốn Đức Giêsu kết thúc mọi chuyện cho xong. Nhưng rồi, các ông lại chẳng được Người ở cùng như trước nữa, nhất là trong khoảng thời gian 40 ngày sau khi Người phục sinh. Các ông và cả chúng ta nữa sẽ phải chờ ngày Người trở lại để hoàn tất những gì Người đã mạc khải cho chúng ta.

Nói thì dễ hơn là làm. Chính việc chờ đợi trong “buổi giao thời” kiểm chứng niềm tin, niềm hy vọng và tình yêu của các môn đệ cũng như chúng ta, hậu duệ của các ngài trong niềm tin. Giáo hội cho đến nay, vẫn cầu nguyện trong suốt thời gian khó khăn với cũng một lời nguyện giống như thế, “Ôi lạy Chúa, còn đến bao giờ nữa?” Chúng ta còn phải chịu đựng thời gian thử thách niềm tin của chúng ta với những bách hại từ chính những thành viên của chúng ta và cả chúng ta đến bao giờ nữa?

Đức Giêsu khởi xướng lên một thời đại mới, nhưng chúng ta thường không cảm thấy sự tồn tại của nó khi chúng ta chờ đợi, băn khoăn và cầu nguyện. Người môn đệ đặt câu hỏi với Đức Giêsu có phải “đây là lúc” người “khôi phục vương quốc It-ra-en không” thì không thấy được nhắc tên. Có vẻ như không phải là một người cụ thể nào. Công vụ Tông đồ nói: “Họ hỏi Người” – đó là câu hỏi của Giáo hội. Cộng đoàn tín hữu đã đặt câu hỏi và rồi cho đến nay vẫn tiếp tục thắc mắc “Khi nào Ngài sẽ hoàn tất công trình của mình? Chúng ta còn phải đợi Ngài bao lâu nữa để Ngài hoàn tất công trình đó?”

Đức Giêsu không đưa ra câu trả lời cho mối quan tâm của các môn đệ về việc khi nào Người sẽ trở lại để hoàn tất niềm mong chờ của họ. Điều đó sẽ xảy ra vào một ngày nào đó; trong lúc đó thì Người rời khỏi họ. Quả là họ rất sợ hãi và cảm thấy bi đát! Người nói họ phải tiếp tục sứ mạng của Người mà không có Người ở bên giúp đỡ. Viễn cảnh phải gánh vác trách nhiệm quả thật khiến họ thấy hết sức nặng nề.

Hôm rồi, tôi xem thời sự nói về một đội leo núi chuẩn bị trèo lên đỉnh Everest. Đoạn phim cho thấy họ chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi bắt đầu xuất phát. Họ cần trang phục đặc biệt, bình ôxy, lều, dây thừng, hệ thống thông tin, bản đồ, dụng cụ kiểm tra hướng gió và dĩ nhiên cần đến một đội hướng dẫn leo núi chuyên nghiệp Sherpas để  bảo vệ cũng như dạy họ cách leo lên và xuống khỏi đỉnh Everest. Những người leo núi có lẽ đã phải chuẩn bị, hết sức có thể, cho những tình huống bất ngờ – mà chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi chắc rằng những gì quý giá nhất mà họ có được hẳn phải là những người leo núi chuyên nghiệp Sherpas. Tất cả chúng ta cũng có thể cần đến sự giúp đỡ của những người khỏe hơn, thông minh hơn, và dày dạn kinh nghiệm hơn để giúp chúng ta hoàn tất cuộc đời Kitô hữu của mình.

Đức Giêsu đã hứa trợ lực cho các Kitô hữu tiên khởi này. Người biết trách nhiệm mà Người đã trao lại cho họ. Người cũng biết những thất bại trước đây của họ, những mâu thuẫn nội bộ, và cuối cùng là cả sự phản bội của họ. Họ cần được trợ giúp để đối diện với những ngọn núi của chống đối và vấn nạn mà thế giới này đem đặt trước mặt họ. Người cũng biết rõ họ đến độ có thể thấy trước những mâu thuẫn và chia rẽ sẽ nảy sinh giữa họ. Vì thế, Người hứa sẽ sai Thánh Thần đến với họ. Thánh Thần có thể hướng dẫn, kiện cường và canh tân họ bằng nhiều cách. Họ sẽ được kêu mời làm chứng cho Đức Giêsu – “tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”.

Trình thuật về việc Đức Giêsu Thăng Thiên trong Công vụ Tông đồ là cách mà thánh Luca dùng để khép lại những lần hiện ra của Đức Giêsu với các môn đệ sau Phục sinh. Thánh Luca mô tả Đức Giêsu Phục Sinh chỉ dạy các môn đệ về Nước Chúa. Giờ đây, với sự ra đi của Người, các ông sẽ nói và hành động nhân danh Người và Nước của Người. Nhưng trước tiên họ có việc phải làm. Họ phải chờ đợi – đợi Thần Khí mà Đức Giêsu sẽ gửi đến cho họ để họ có thể ra đi và rao giảng về triều đại mới mà Đức Giêsu đã loan báo.

Chúng ta đang sống trong “buổi giao thời” – một khoảng dừng giữa hai lần ngự đến của Đức Giêsu: lần đầu tiên  và ngày Người trở lại. Đó hẳn là một quãng dừng dài! Có những nguy hiểm trong mỗi thế hệ mà Giáo hội chờ đợi sẽ mất đi niềm háo hức mong mỏi Đức Giêsu, Đấng ra như vắng bóng từ rất lâu trong quá khứ. Chúng ta có thể luyến tiếc quá khứ. Giáo hội của chúng ta không phải là nơi tưởng nhớ một vị lãnh đạo chết từ lâu. Thông điệp của Thiên Thần nói với các môn đệ đang nhìn về trời đã rất rõ ràng, rằng chúng ta không chỉ là những câu lạc bộ những người hâm mộ, gặp gỡ định kỳ để hâm nóng nỗi nhớ mong.

Song, như Đức Giêsu hứa, chúng ta được ban tặng cũng một Thánh Thần quyền năng, Đấng làm cho Đức Giêsu sống động và tiếp tục hiện diện không chỉ qua sứ vụ rao giảng và chữa lành của Người mà còn qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người nữa. Cũng một Thần Khí ấy giúp chúng ta tránh khỏi sự tù hãm và hiếu kỳ, khỏi những hạnh tích cổ xưa trong quá khứ. Nhờ Thánh Thần người ta sẽ không còn nói với chúng ta: “Chẳng phải họ kỳ quặc sao? Chẳng phải niềm tin và những thực hành của họ quá cổ kính và hoang sơ đó sao?” Nhờ Thánh Thần, chúng ta được mời gọi và tăng thêm sức mạnh để trở thành những chứng nhân hiện đại làm chứng cho Đức Kitô sống động vẫn đang hiện hữu với chúng ta, Đấng đang rao giảng về một thời đại mới qua chúng ta, những gì Người thực hiện trong cuộc đời mình – rao giảng Tin mừng, chữa lành kẻ bệnh hoạn và đưa con người về với Thiên Chúa.

Quý vị còn nhớ những người leo núi chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào để lên đỉnh Everest chứ? Đức Giêsu quan tâm đặc biệt để trang bị cho các môn đệ những gì các ông cần cho những khi phải đối diện với những dốc núi trong cuộc đời và sứ vụ của các ông. Đến khi thích hợp Người sẽ gửi Thánh Thần của Người đến. Làm thế nào các Môn đệ và cả chúng ta nữa có thể bước vào thế giới nếu không được trang bị một Thánh Thần như thế?

Thánh Luca không cho thấy Thánh Thần đến ngay khi Đức Giêsu ra đi. Nhưng các Môn đệ phải tin tưởng vào lời của Người và chờ đợi. Đó là việc đầu tiên Đức Giêsu yêu cầu các ông thực hiện – chờ đợi. Khi người môn đệ như chúng ta đợi chờ Thiên Chúa, chúng ta cũng làm như thế trong lời nguyện của mình. Vì thế, các ông quy tụ cùng với Đức Maria và với các môn đệ nam nữ trong phòng trên lầu, chờ đợi và cầu nguyện.

Chúa Nhật tới chúng ta sẽ mừng lễ Hiện Xuống, khi Thánh Thần được đổ tràn xuống trên các môn đệ đang họp nhau. Chúng ta và giáo hội luôn cần được canh tân trong Thánh Thần như thế. Có thể chúng ta không được sai đi “khắp thế gian” để làm chứng cho Đức Giêsu; nhưng được sai đến những nơi gần hơn – đến với gia đình mình, với trường học, công sở của mình,… Cũng thế, chúng ta được kêu mời để đến với những người này và đặt niềm tin của mình cho Thánh Thần tăng sức.

Trong suốt tuần tới, chúng ta lại làm những gì Đức Giêsu hướng dẫn các môn đệ của Người – chúng ta chờ đợi. Trong khi chờ đợi, chúng ta đưa vào lời nguyện của mình những nhu cầu cá nhân để được canh tân niềm tin trong Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những ai không còn dấn thân trong cộng đoàn giáo hội, cũng như cầu nguyện cho những ai đang bị tra tấn tinh thần dưới nhiều hình thức như cô đơn, nghèo khổ, bạo hành và đau ốm…

Tuần này chúng ta cầu xin. “Lạy Chúa, còn đến bao giờ ?” Và chúng ta nghe thấy Đức Kitô, sẵn sàng đổ tràn Thánh Thần của Người để trả lời cho chúng ta, “Sẽ sớm thôi, sắp rồi !”

 

Để lại một bình luận