Tiên tri Daniel đã có thể nhận ra được tội của một cá nhân ảnh hưởng đến toàn dân Israel và ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa cho dân Ngài đến mức nào. Tiên tri cũng biết rằng một người có thể sám hối nhân danh toàn dân và khẩn cầu sự can thiệp của Thiên Chúa. Trong cách thức này, lời nguyện của tiên tri Daniel đã tiên báo thánh tâm Chúa Giêsu, đấng gánh lấy trách nhiệm cho tất cả tội lỗi chúng ta và qua thập giá nên của lễ đền tội hoàn hảo cho chúng ta.
Ðức Giêsu cũng biết rằng sự thờ ơ trong việc thống hối của chúng ta là một yếu tố tán trợ cho thói tham lam, tính ích kỷ, lòng say sưa tìm kiếm quyền lực và tính hiếu chiến là những thứ ngăn cản các chương trình của Thiên Chúa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta sám hối không chỉ cho ta nhưng cho đất nước, dân tộc, và những người Kitô hữu như ta. Trong tông thư Năm Thánh 2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thúc giục mọi Kitô hữu hãy khẩn cầu ơn tha thứ cho tội lỗi họ và tội lỗi của các chi thể của Ðức Kitô: “Vì sự liên kết hiệp nhất chúng ta với nhau trong một nhiệm thể, tất cả chúng ta, dù không chịu trách nhiệm cá nhân và không có lỗi trước mặt Chúa, vẫn mang gánh nặng của những lỗi lầm và sai phạm của những người đi trước chúng ta. Cả chúng ta nữa, những con trai con gái của Giáo Hội, cũng đã phạm tội và cản trở dung nhan hiền thê của Chúa Kitô không được chiếu sáng với tất cả vẻ đẹp” (Tông huấn Mầu Nhiệm Nhập Thể).
Ta hãy sám hội cho những tội ta đã phạm và cho những tội của những người khác nữa. Chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm phạm đến ta và phạm đến nhiệm thể lớn lao hơn là Giáo Hội. Ta hãy bao gồm trong lời kinh nguyện của mình những chia rẽ và chiến tranh đang xảy ra giữa những người tuyên bố tin vào Thiên Chúa nhưng thuộc các tôn giáo khác nhau. Hận thù và thành kiến đang bao trùm thế giới.
“Lạy Cha, xin tha thứ cho những lần con đã làm tổn thương anh chị em con và cho những lần con nuôi trong lòng sự oán giận khi bị xúc phạm. Xin thương xót con”.