Ba Người Bạn Không Tên

 

 

BA NGƯỜI BẠN KHÔNG TÊN

Ba Người Bạn Không Tên

Họ là ba người, nói là bạn cũng được, mà không là bạn cũng không sao. Là vì mỗi ngày họ chỉ gặp nhau vào lúc tối trời không mưa, trong một góc tối không nhìn rõ mặt nhau của một cái quán xép bán cơm bình dân không tên trong một ngõ hẻm vắng vẻ chẳng có gì đáng để chú ý. Họ không ở trong quán, chỉ mượn một cái bàn, ba cái ghế, ngồi bên ngoài quán. Trên bàn có một xị rượu và một đĩa mồi. Trước khi bắt đầu, họ mua chủ quán một đĩa mồi khiêm nhượng là thức ăn còn lại cuối ngày không bán hết. Chủ quán thường không lấy tiền nếu trong ngày đã đủ sở hụi: nửa con cá, vài miếng thịt kho, một nhúm dưa giá, một tô canh rau. Một người trong bọn không xa lạ gì với chủ quán, vì là khách thường xuyên ngày hai bữa ăn cơm ở quán, hoặc ít nữa là bữa tối nếu bữa trưa đi làm xa không đến được. Thứ bảy Chúa nhật lẽ ra quán không bán vì không mấy người ăn nhưng vẫn phải có cơm cho người khách thường xuyên đó. Trường hợp quán không còn gì làm mồi, họ mua quấy quá đâu đó khi miếng khô đuối, khi con khô khoai, khi vài trái cóc trái ổi, khi một miếng bưởi miếng khóm, thứ gì cũng được, nhưng không thể thiếu thứ để làm say. Bia bọt quá cao cấp, biết đến mấy lon mấy chai mới say, tiền đâu chịu thấu. Đế là hợp nhất vừa túi tiền, một xị đã thấy lơ lững, hai xị coi trời bằng vung, ba xị thì đảng bác gì cũng chửi. Điều đó rõ ràng cho thấy họ sợ bác sợ đảng hơn sợ trời. Dễ hiểu thôi, trời thì ở xa, có phạt cũng khó thấy và chậm, còn đảng và bác thì ở ngay đó, trong sắc phục công an khu vực nên làm quá là bị “chộp” ngay cho vào “cũi.” Thế nhưng khi đã đến xị thứ ba thì cái thứ sắc phục đó cũng không còn làm cho ba người sợ, hoặc đã quên là phải sợ. Lí do là dù có bị chộp, cùng lắm họ chỉ bị vất vào “cũi” làm thức ăn cho muỗi một đêm, sáng sau thả ra, vì họ có gì ngoài bộ xương để chịu phạt. Thì giờ phạt họ thà để “làm chuyện khác” kiếm chác được hơn. Nếu cứ theo dẹp “mấy thằng này” thì làm sao một công an khu vực chỉ trong vài năm đã có tiền mua đất cất nhà lầu sắm xe tay ga. Họ chưa dám sắm xe hơi không phải vì không đủ tiền mua mà vì sợ thắc mắc, không phải cấp trên thắc mắc vì cấp trên ai cũng biết tiền do đâu mà có, mà “nhân dân” trong xóm, cho dẫu “nhân dân” có thắc mắc cũng chẳng “ăn cái giải” gì.

 Họ là bạn cũng được mà không là bạn cũng được vì ban ngày chẳng bao giờ họ gặp mặt nhau, cũng chẳng có “di động” để hẹn hò gặp mặt. Họ chỉ theo một qui ước nhất định: không mưa là đến, mưa lâm râm cũng đến, không đến khi mưa “như thác đổ.” Qui ước đó áp dụng hàng ngày vào lúc đúng 8 giờ đến 8 giờ 30 tối, nói theo cách bây giờ là từ hai mươi đến hai mươi giờ ba mươi. Đồng hồ không ai trong ba người có, nhưng có thể “coi ké” không mất tiền. Có lẽ coi giờ là thứ duy nhất coi ké người khác mà không phải trả tiền “dịch vụ,” ngoài ra thứ gì cũng phải trả tiền, dù chỉ là cân xem nặng nhẹ bao nhiêu hoặc một phát … tiểu tiện! Trước giờ, không tính, sau giờ cũng không tính. Họ gọi giờ đó là “giờ gờ” tức là “giờ G” kiểu nói nhà binh trước 75. Chữ G hiện được đọc là gờ, ví như thẻ ba gờ mà người nước ngoài về mới nghe cứ tưởng là nói tiếng Tây từ ba-gờ thay cho baguette, mà  ra không phải, chỉ là cách đọc con số 3 và chữ G in bên ngoài thẻ không biết do từ ngữ nào để chỉ loại thẻ nhớ di động dùng nối kết Internet thay vì dùng dịch vụ cố định.

Họ là bạn vì thường gặp nhau như thế, mà không là bạn vì chẳng hề biết tên nhau, chỉ tự đặt tên anh Hai, thằng Ba, và thằng Tư để gọi nhau. Nói cho đúng, chẳng ai trong ba người còn nhớ hoặc cố tình không muốn nhớ đến tên thực của họ. Trước khi có tên theo thứ tự đó, hai người trong họ được gọi theo công việc đang làm, một là “Thằng Phụ hồ” và một là “Thằng Vé số.” Người còn lại được gọi theo tính chất con người là “Thằng Con gái” vì có nhiều phần giống con gái hơn giống con trai. Một điều giống nhau là cả ba người đều đã bị hốt đi kinh tế mới lúc còn nhỏ sống lang thang. Vài năm sau 1975, người thành phố lí lịch không rõ ràngđều bị hốt đi kinh tế mới:

“Đồng bào lên đó sẽ có cuộc sống mới, được giúp đỡ để làm ăn.”

Các vùng kinh tế mới đều ở các địa điểm khác nhau nhưng giống nhau chỗ nơi nào cùng ở giữa rừng không mông quạnh. Người lên đó được chia thành từng tổ, mỗi người được cấp một cái rựa, một con dao, một cái cuốc. Mỗi tổ được cấp một cái búa. Cả tổ xúm giúp nhau chặt cây chặt tre, đánh tranh chẻ lạt để dựng lều cho nhau. Cả đời họ chưa hề làm công việc như vậy, hỏi làm sao họ biết cách dựng lều dựng chòi? Không đèn đuốc. Không mùng màn chống lũ muỗi bay nườm nượp hàng đàn kêu như ri nhiều như trấu đập chỉ mỏi tay, liều lĩnh đến độ đốt khói mờ mịt vẫn không tản đi nơi khác. Mà khói thì cũng đến độ nào thôi, vì nhiều quá muỗi không chết mà chắc người chết trước muỗi vì khí độc. Chán nản, họ cất cho nhau những túp lều đạp dùng cành cây lớn hơn làm cột, nhỏ hơn ghép lại làm vách, mái lợp tranh quơ quào, mỗi bề chừng bốn năm thước vuông vức, nền nhà đất nện sơ sài không buồn đào xới hết cỏ. Gọi là nhà đạp vì họ chỉ chờ cấp phát gạo muối hoặc tiền bạc trợ cấp là đạp túp lều về lại Sài Gòn sống lang thang, làm đủ mọi nghề kiếm cơm ăn.

Thực tình ngay cả chuyện bị hốt đi kinh tế mới và hình dạng kinh tế mới như thế nào, thằng phụ hồ cũng chỉ mang máng không nhớ rõ nét. Lúc bị hốt đi, nó còn nhỏ quá, đâu chỉ chừng trên dưới mười tuổi, bị ghép vào một gia đình nào đó nó chẳng còn chút kí ức. Từ khi mất gia đình ruột thịt, nó chẳng có một nơi nào có thể gọi được là gia đình, lúc nào cũng chỉ cu ki một mình. Nó còn mường tượng gia đình ba má nó trước năm 1975, đâu đó ở miền Trung. Trong kí ức quá khứ mờ mịt, nó nhận ra trước đây nó cũng đã có một gia đình êm ấm. Ba của nó là lính vì nó nhớ “nhà” của ba má nó nằm chung với nhiều nhà khác gọi là trại gia binh, chung quanh có nhiều trẻ em lớn nhỏ như nó để cùng chơi đùa. Đùng một cái, một chuyện gì đó xẩy ra. Ba má nó và mọi người bồng bế nhau bỏ chạy. Trên đường chạy, nó còn nhớ nhiều tiếng súng lớn súng nhỏ, tiếng la hét thất thanh, nhiều người ngã gục xuống máu chảy thịt tung tóe. Nó bị sóng người vùi lên dập xuống, nằm khi người ta nằm, chạy khi người ta chạy. Cho đến khi không chạy nữa, nó không còn thấy ba má nó. Khi người chung quanh lên xe, nó cũng lên xe. Khi xe chạy đến một nơi nào đó, mọi người ai có gia đình nấy trừ nó. Nó được một gia đình nào đó cho nhập vào chung sống. Sống với gia đình xa lạ này chưa được bao lâu nó lại theo mọi người bồng bế nhau chạy. Lần này, khi về đến nơi nghe gọi tên là Sài Gòn, gia đình mà nó sống tạm đó cũng không biết lạc vào nơi đâu. Cả thành phố chộn rộn sôi sục, người chạy xuôi kẻ chạy ngược, người chạy đông kẻ chạy tây, chẳng còn ai để tâm gì đến đứa trẻ thất lạc. Thế là nó bắt đầu cuộc sống lang thang. Mọi thứ nó có lúc đó là tên nó, và tên ba má nó. Ngày tháng trôi qua, chi tiết quá khứ mờ nhạt ẩn hiện trong tâm trí, nó quên dần tên ba má nó, rồi không còn muốn nhớ đến chính tên nó.

 

Nó đói. Lúc còn sống với gia đình tạm thời sau khi mất cha mất mẹ, dù xa lạ nhưng nó không bị bỏ đói. Giờ đây, một thân một mình, trong túi chẳng một đồng xu, nó lang thang đến các nơi bán thức ăn hi vọng tìm được chút gì còn sót lại. Khốn khổ, trong lúc lộn xộn, chẳng hàng quán nào mở cửa. Mà có mở cửa, chưa chắc sẽ có ai cho nó thứ gì. Trên đường, người đi bộ kẻ đi xe tấp nập qua lại nhưng chẳng ai quan tâm tới nó. Lúc bình thường, chưa chắc đã có ai quan tâm đến đứa trẻ quần áo bèo nhèo như nó, huống hồ lúc này. Nó lê cái bụng trống rỗng bước theo các ngã rẽ không biết đi về đâu. Tạt qua hồ nước mà về sau nó biết được tên là “Hồ Con rùa,” nó vục tay bụm nước lên uống, rồi mệt mỏi bước qua lề đường ngồi xuống một rễ cây trồi cao hơn mặt đất. Nó lơ đễnh đưa mắt nhìn quanh; chẳng có gì có thể ăn được. Nó đứng dậy, quay ngược trở lại con đường đã đi qua. Một đám đông hỗn loạn ồn ào đang chen lấn trước một ngôi nhà mà trên cổng đọc được hàng chữ “Tòa Đại sứ Hoa kì.” Đọc chữ làm nó nhớ lại, nếu không có hỗn loạn xẩy ra, sau mùa hè này nó sẽ vào lớp ba. Đồng thời, nó biết sẽ không bao giờ đến trường được nữa. Nhưng điều quan trọng nhất nó phải quan tâm lúc này không phải là chuyện đi học hay không mà là cái bụng đã vài ngày trống rỗng của nó, chẳng chứa thứ gì ngoại trừ nước óc ách.

Nhìn vào đám đông, nó thấy nhiều người đang tìm cách trèo qua hàng rào. Bên trong và ngay rào cản trước cổng ra vào, lính Mĩ mặc áo giáp cầm súng đứng canh. Hai ba lính Mĩ đang kiểm tra giấy tờ của người Việt đứng bên ngoài tìm hết cách chuồi qua các khe hở. Chốc chốc, rào cản hé một lối hẹp cho một toán người bồng bế dìu dắt nhau đi qua. Báng súng cản lại ngay những người thừa dịp tìm cách lọt vào. Những người trèo vượt hàng rào phần lớn bị gạt tay rơi xuống lại bên ngoài, họa hiếm mới có người thành công trèo qua được chạy vụt vào bên trong, thừa cơ lính canh đang bận rộn ngăn chặn người khác. Nó lơ đễnh nhìn cảnh hỗn độn chẳng liên quan gì đến nó, rồi bước đến một chỗ có bóng cây ngồi phịch xuống. Bụng nó réo dữ dội. Nó đã rã rời, không còn sức chịu đựng cơn đói kêu gào hành hạ nó đã hai ba ngày. Đột nhiên, mắt nó sáng lên. Trong vùng khuất của hốc cây, có một gói giấy báo có dạng một ổ bánh mì dài nằm ló đầu ra khỏi một túi vải nhỏ. Mừng rỡ, nó nhìn quanh dò xét. Chẳng một bóng người lảng vảng. Nó nhích dần đến cái túi, mắt không ngừng láo liên nhìn quanh. Thận trọng, chầm chậm, nó với tay ra đàng sau vươn tới cái túi tìm cách kéo về phía nó. Khi tay chạm túi, nó chộp lấy vội vàng, rồi đứng thẳng dậy quan sát lần nữa. Không thấy ai bước tới, nó vụt chạy theo hướng vắng người nhất cho đến khi thấy có cửa cổng vòng cung đề chữ “Thảo cầm viên.” Cổng bỏ ngõ. Nó thận trọng đi một đoạn vào khuất sau các hàng cây trong vườn. Ngồi xuống một gốc cây, nó mở túi ra: quả thực, gói giấy báo là một ổ bánh mì. Không suy nghĩ đắn đo, nó ngoạm ngay một miếng lớn. Răng cắn ngập vào lớp vỏ cứng, nước miếng tứa đầy trong miệng. Nó rứt bánh nhai ngấu nghiến. Mùi bánh mì thơm phức. Vị bánh mì ngọt lịm. Nó nhai thật nhanh rồi nuốt vội cho kịp nuốt hết lượng nước miếng chực tràn ra khỏi miệng. Ngon hơn bất cứ thức ăn nào bằng ấy tuổi đầu nó đã được ăn qua. Ngon hơn thịt heo thịt bò. Ngon hơn bánh kẹo. Ngon hơn cả bánh Trung Thu mỗi năm nó chỉ được ăn một lần. Ngoạm thêm mấy miếng nữa, bụng ấm dần, nó hoàn hồn kéo hết gói bánh mì ra, nhìn sâu vào trong túi. Nằm gọn khuất dưới đáy túi là một gói vải nhỏ. Thọc tay vào mở ra, nó thấy một xấp tiền mà nó không thể định được giá trị là bao nhiêu. Từ bé đến giờ  nó chỉ biết các giấy nhỏ một đồng, năm đồng, mười đồng. Thấy một số giấy có con số một trăm, nó biết số tiền có giá trị dù không thể biết giá trị đến chừng nào. Nó chép miệng:

“May quá, trời cho mình sống.”

Chộn rộn qua đi. Nó sống luẩn quẩn ăn ngủ trong Sở thú vì thấy chẳng ai quấy rầy. Nó thơ thẩn đi qua các chuồng thú dữ thú hiền: Tất cả đưa mắt buồn hiu đói khát nhìn nó vì chẳng còn ai chăm sóc chúng. Nó bảo chúng:

“Chúng mày cũng như tao thôi, chẳng ai quan tâm tới đâu.”

 Rồi, nó bỗng thấy nhiều xe tăng xe lớn xe nhỏ chở binh lính chạy vào thành phố. Hai bên đường đầy người đứng nhìn nhưng chẳng một ai reo hò hoan hô. Nó không dám đoan chắc, nhưng hình như nó nghe nhiều tiếng thở dài nhè nhẹ. Nó thắc mắc là “lính” này khác với “lính” nó đã quen nhìn thấy. Ngay sau đó, nó thấy thành phố ngợp một loại cờ lạ khác với lá quốc kì mà nó chào mỗi sáng thứ hai tại trường. Nằm trên ghế đá, dựa vào gốc cây, nó thấy nhiều người mặc đồ thường tay mang băng đỏ đi lại ngày đêm ngoài đường phố trong khi người Sài Gòn ai cũng nhìn với vẻ lấm le lấm lét. Nó thấy người ta mang loa từng chùm leo lên gắn vào ngọn cây, ngọn trụ điện, nóc nhà. Từ loa suốt ngày ồn ào phát tin tức chiến thắng nơi này nơi nọ xen kẻ với bài hát mà nó chỉ biết lời ca do bọn trẻ như nó đặt ra không biết từ lúc nào,Từ Bắc vô Nam ta lại nắm tay, Tay kia cầm ngọn rau tay dắt con cầy! Sau vài ngày, bài hát đó biến mất nhường chỗ cho các bài ca líu la líu lo mà nhiều người cho là không phải tiếng Việt mà là một thứ tiếng nước ngoài nào đó. Nó bắt đầu làm quen với các từ Liên xô, Trung quốc, Xã hội chủ nghĩa, đồng chí, hợp tác, tiến lên mà nó chẳng hiểu là gì. Rồi về sau, khi lang thang đây đó, nó lại nghe tiếp các từ còn lạ lẫm hơn như cực kì, đảm bảo, chất lượng, xử lí, tham gia, tiến bộ, bình bầu.

Số tiền “trời cho” giúp nó sống qua những ngày lộn xộn. Mỗi bữa một ổ bánh mì lấp đầy bụng nó. Khát uống nước vòi, nước ao, nước hồ, nước sông Thị Nghè. Nó mua thêm một bộ đồ để thay đổi. Khi cuộc sống trở lại, nó nghĩ đến cuộc sống lâu dài của nó. Nó đến lò bánh mì, đặt cọc để nhận bánh mì đi bán dạo. Nó tập rao:

“Bánh mì đây. Bánh mì nóng giòn đây.”

Lúc đầu, nó ngượng ngập. Rồi quen lần, nó thành chuyên nghiệp. Đến tháng chín, trường học mở cửa, nó bán được nhiều hơn vì nhiều người mua cho con ăn sáng đi học. Nó buồn rầu nhớ nhung thèm thuồng mỗi khi ngang qua trường nghe tiếng thầy cô giảng bài và tiếng học sinh trả bài. Nó ứa nước mắt vì biết từ nay không bao giờ nó còn có thể bước chân vào đó nữa. Nó không còn là một “em học sinh” mà đã là một “thằng bán bánh mì.”

Việc học hành nó phải ngưng lại nhưng thân thể nó thì không. Mấy năm sau, nó đã là một đứa con trai mạnh khỏe, có lẽ nhờ dày sương dạn gió phơi nắng dầm mưa. Càng lớn lên, nó càng đầy sức lực. Mười tám tuổi, ấy là theo nó nghĩ vì nó không có giấy khai sinh để biết chắc, nó bỏ nghề bán bánh mì, đi làm phụ hồ. Đảm đang được nhiều việc nặng nhọc nên càng ngày nó càng uy tín trong “nghề,” cai thợ nào cũng sẵn sàng có việc cho nó làm. Bảy tám năm sau, nó đã lớn trộng, mạnh như vâm. Nó đã “lên” “phụ hồ chính” và được dạy cầm bay xây các đường thẳng dễ xây. Nó tập tễnh học làm thợ hồ. Sau một ngày làm việc nặng nhọc, nó đến quán ăn cơm chiều, rồi mua một xị rượu, một mình ngồi đó nhâm nhi “giải nghễ” cho đến tối. Chủ quán để bàn ghế lại cho nó ngồi ngoài hiên. Bàn ghế chẳng có giá trị gì mấy nên chẳng sợ mất. Lúc quán bán không hết, nó hỏi mua rẻ một ít mồi. Rồi thành lệ, chủ quán có khi cho không nếu “mồi” còn lại không đáng bán, hoặc cả mồi ngon nếu trong ngày chủ quán đã kiếm đủ sở hụi. Cứ thế nó ngất ngưỡng với xị rượu rồi khệnh khạng về chiếc giường trong nhà trọ hạng bét mà nó đã mướn ở nhiều năm nay, lăn ra ngủ, mặc kệ muỗi chích muỗi đốt. Sáng dậy, một chu kì mới lại tiếp tục. Nó bất cần những gì xẩy ra chung quanh nó, thậm chí cái tên của nó, nó cũng không còn muốn nhớ tới. Mọi người gọi nó là “chú phụ hồ” khi có mặt nó, và “thằng phụ hồ” sau lưng nó. Nếu lúc túng nó phải ăn chịu ăn thiếu, chủ quán cũng chỉ ghi vào sổ khoản nợ của “Chú Phụ hồ” như thể đó là tên thực của nó. Nó chẳng cần quan tâm đến ai, và chẳng ai quan tâm đến nó. Nó tự nhủ:

“Thây kệ. Lỡ mình có chết cũng chẳng ai để thối làng thối xóm. Cũng phải đem chôn thôi.”

Đó là cách suy nghĩ tận mạng của nó. Mà nói cho cùng, nó nghĩ cũng đúng thôi. Nó quan tâm làm sao được chuyện gì xẩy ra chung quanh nó, mà ai cho nó quan tâm đến? Nó thuộc về thành phần chẳng là thành phần nào cả trong xã hội này, một xã hội mà nó nghe nhiều lần được gọi là xã hội của giai cấp bần cố nông. Nó tự nhủ, nếu đúng thế, tại sao người thuộc giai cấp bần cố nông như nó trên thực tế lại chẳng có một mảy may tiếng nói nào? Có ai bao giờ cho phép nó nói và lắng nghe tiếng nói của nó, một thằng phụ hồ? Chưa hề một ai kêu nó và những người như nó để bảo cho biết:

“Này, ông phụ hồ ơi, đất nước này là của ông đấy, tiền rừng bạc biển là của ông đấy, ông và các ông cứ việc lấy mà tiêu xài.”

Ngược lại, nó bắt đầu thấy người ta tiêu xài tiền bạc như nước trong khi nó chỉ đủ tiền ăn cơm bình dân mạt hạng, và mỗi ngày giải nghễ bằng một xị rượu đế cũng mạt hạng. Nếu nó ăn uống thứ mạt hạng thì rõ ràng đất nước này không phải là của nó, của những người vô sản như nó. Đất nước này là của những kẻ ăn uống các thứ thượng hạng mà nằm mơ nó cũng không dám thấy. Nó tự an ủi:

“Thôi, hơi sức đâu mà nghĩ. Có nghĩ cũng chẳng tới đâu!”

Nó nốc ngụm rượu cuối cùng, rồi khật khưỡng xách chai chui vào cái ổ của nó. Lật qua lăn lại, nó đập muỗi đánh chát, ngáp thật dài đến chảy nước mắt, rồi chìm ngay vào giấc ngủ. Mấy người cùng cảnh ngộ nằm quanh nó bảo nhau:

“Thằng phụ hồ này dễ ngủ thật, nằm xuống là ngáy như sấm.”

Trời chưa sáng hẵn, nó bật dậy, rửa qua loa cái mặt mà nếu chăm chú làm sạch thì cũng sáng sủa rạng rỡ như ai. Một ngày vất vả bắt đầu để lại sẽ kết thúc bằng một xị rượu đế và một giấc ngủ nuôi muỗi. Nó chép miệng:

“ĐM nó. Lao động là vinh quang cái đếch. Thằng nào muốn vinh quang thì đến lao động thay ông để ông nhường vinh quang cho.”

Một tối, khi đang khật khưỡng vì sắp hết xị rượu, nghĩa là đã khuya, hàng xóm đã đóng cửa đi ngủ, nó bỗng thấy một bóng người đổ ụp đến. Ngước đôi mắt mở không ra đỏ ngầu vì say và vì buồn ngủ lên, nó nhìn thấy một người đang thất thểu đi tới. Nó bảo:

“ĐM, đi đâu đó. Nhậu không mậy?”

Người vừa đến chẳng khách khí, ngồi ngay vào mép chậu kiểng gần đó vì chỉ có một cái ghế, kéo dịch cái bàn thằng phụ hồ đang ngồi lại một chút, rồi đợi li cạn, bê xị rượu rót vào li, nốc cái ực. Xong, nó với tay dùng đôi đũa của thằng phụ hồ gắp một miếng gì đó trên đĩa cho vào miệng nhai nhỏm nhẽm, không cần biết miếng đó là miếng gì. Thằng phụ hồ hỏi:

“Mày làm gì?”

“Bán vé số.”

“ĐM. Bán vé số sao về tối vậy?”

“Tao bị mấy thằng đầu hẻm ‘lột.’”

“ĐM. Thằng nào lột mày? Lột hết bao nhiêu?”

“Mười ngàn.”

“ĐM. Hết mẹ nó tiền lời của mày rồi. Đi theo tao.”

Không đợi trả lời, nó lôi xềnh xệch thằng vé số, chân thấp chân cao đi ngược lại con hẻm thằng vé số vừa đi tới. Đến đầu hẻm, nơi có nhiều quán ngồi xệp vệ đường bán đủ thức nhậu bình dân, ốc leng, hột vịt lộn, khô mực, khô đuối, thằng phụ hồ lớn tiếng:

“ĐM, mày chỉ tao thằng nào vừa ‘lột’ mày.”

Thằng vé số chỉ tay vào một cái bàn xếp thấp có bốn đứa đang ngật ngừ ngật ngưỡng. Thằng phụ hồ bước lại bàn, gằn giọng:

“ĐM. Thằng nào trong tụi bay ‘lột’ thằng em tao? Tụi bay không biết nó là ‘em tao’ sao?”

Nó gọi thằng vé số là em không cần biết tuổi tác. Nó cũng chẳng cần biết đến cái logic của câu hỏi về “thằng em” mà trước đó mươi lăm phút nó vẫn chưa biết nó sẽ có một “thằng em.” Một thằng trong bọn bốn đứa mắt đỏ kè, giọng lè nhè:

“ĐM, thằng nào dám hỏi ông đó? Ông cho một đá bây giờ.”

Thằng phụ hồ xấn lại:

“ĐM, mày dám đánh ông? Mày biết ông là ai không?”

Nghe giọng hùng hổ, cả bọn nhìn lên, thất kinh khi nhận ra người đang đối diện là thằng phụ hồ. Một thằng dáng chừng đầu đàn bật dậy như đít có gắn lò xo, hối hả nói:

“Chết cha, tụi em không nhận ra anh Hai. Anh Hai tha lỗi.”

Thằng phụ hồ hừ lên một tiếng rồi xẵng giọng:

“Thằng nào ‘lột’ thằng em tao? Muốn sống, trả lại gấp đôi.”

Thằng trấn lột vội móc hết túi lớn túi nhỏ, đếm đếm rồi khúm núm:

“Em xin lỗi anh. Em chỉ còn mười hai ngàn.”

“Thằng nào còn tiền, móc hết túi ra coi.”

Cả bọn bốn đứa đứng dậy móc túi trước túi sau. Tất cả đều trống không. Thằng phụ hồ chỉ thằng cầm tiền:

“Đưa cho em tao. Tụi bay liệu hồn, đến xóm này thì đừng ‘lột’ bậy, không riêng thằng em tao mà bất cứ thằng nào. ĐM, thằng nào cũng nghèo khổ như nhau. Bay ngon đi ‘lột’ mấy thằng nhà giàu, ‘lột’ đám khố rách để làm gì?”

“Dạ, tụi em nghe anh. Xin anh Hai tha cho lần này.”

“ĐM, tao tha lần này, lần tới đừng trách.”

Một thằng trong bọn đứng dậy, kính cẩn bưng li rượu mời:

“Tụi em mời anh một li, xin anh tha lỗi.”

“Li li cái đếch. Tao tha là tao tha, li liếc gì.”

Rồi nó quay qua thằng vé số, bảo:

“Đi mày.”

Thằng vé số lủi thủi theo thằng phụ hồ. Nó phục thằng phụ hồ quá sức. Nó đã nhiều lần bị trấn lột mà chẳng dám hé môi. Hôm nay may mắn nó gặp được “quới nhân,” từ nay có người che chở. Nhìn thằng phụ hồ dù chẳng thấy rõ mặt, nó muốn nói một lời gì để cám ơn nhưng chẳng biết nói ra sao. Nó không quen nói lời cám ơn, cũng chẳng quen nói lời xin lỗi. Từ bé tới lớn, chẳng ai dạy cho nó điều gì như vậy ngoại trừ la hét, bắt nạt và đánh đập. Bài học đời dạy nó là đừng bao giờ xin lỗi dù có lỗi hay không, vì xin lỗi là “thú nhận mình có lỗi!” Nó nghĩ đến thân phận nó, có lẽ còn tệ hơn con trùn. Nó nghe người ta nói có người bắt trùn đất về để bán. Trùn bán còn có tiền nhưng nó chẳng đáng một xu, tệ hơn cả con trùn.

Thằng phụ hồ lắc lắc chai rượu, nói:

“Mày ngồi đó, tao đi ‘chuốc’ xị nữa.”

Thằng vé số lại ngồi ghé xuống mép chậu kiểng. Nó gắp thêm một miếng mồi cho vào miệng. Nhoáng một cái, thằng phụ hồ lại khật khưỡng về, hất hàm bảo:

“Nhậu đi mày.”

Không khách sáo, thằng vé số rót rượu ra li, rồi kính cẩn mời:

“Em mời anh.”

Chẳng cần biết tuổi tác, nó tự nhận nó là “thằng em” vì “khí phách” của thằng phụ hồ. Thằng phụ hồ cũng chẳng bộ tịch, cầm li dốc vào họng rồi đặt li xuống cái cạch, chấp nhận nó là đàn anh. Thằng vé số lại rót rồi ngữa cổ kẹp li rượu vào giữa hai môi. Nó “chíp” một cái, rượu từ từ ọc vào miệng xuống họng nó rồi tuột theo cuống họng vào bao tử. Rượu cay. Nó khà một tiếng. Hai đứa thay nhau uống hết xị rượu, ăn hết đĩa mồi. Thằng phụ hồ quá chén tối nay. Thường ngày, một mình nó chỉ một xị là đủ. Nó chỉ uống hơn một xị khi nào ngày mai không phải đi làm, nhưng hôm nay ngoại lệ. Nó bảo thằng vé số:

“Về mày, mai đi làm. Tối mai mầy muốn nhậu thì tám giờ đến đây.”

Thằng vé số muốn làm một cái gì, nói một lời gì để cám ơn người che chở nó mà chẳng biết làm gì nói gì. Thằng phụ hồ chệnh choạng đứng lên, thò tay định đẩy cái ghế nó đang ngồi sang một bên. Thằng vé số đứng bật dậy cúi người kéo cái ghế giúp thằng phụ hồ. Thấy thằng vé số thò tay kéo ghế giúp nó, thằng phụ hồ rụt lại cánh tay vừa chớm buông xuống. Chẳng nói chẳng rằng, nó khệnh khạng bước đi. Thằng vé số lủi thủi theo sau rồi đứa nào rẽ vào con hẻm về cái ổ của riêng đứa nấy, chẳng đứa nào chào đứa nào.

 

Chưa tám giờ, thằng vé số dắt theo một người nữa đã có mặt tại “điểm hẹn.” Không thấy thằng phụ hồ, nó lúng túng chưa biết phải làm gì. Quán cơm bình dân này thỉnh thoảng nó cũng ghé vào ăn khi đi ngang qua vào đúng giờ ăn mà đã bán được đủ trả tiền cơm không thâm vào vốn. Bán chưa đủ mà còn nhịn được, nó đành làm ngơ bỏ đi. Có ngày nó đành nhịn đói, hoặc kiếm tạm một ổ bánh mì không, ăn qua bữa. May quá, thằng phụ hồ quay về với một xị rượu. Nó hất hàm bảo thằng vé số:

“Mày tới rồi sao. Kiếm cái bàn mấy cái ghế đi mậy.”

Chủ quán thấy nó loay hoay dọn theo lời thằng phụ hồ nên biết là đồng bọn, không nói gì. Cơm cũng đã bán hết, thức ăn chỉ còn lại vài con tép nhỏ kho mặn và chén canh cải. Thằng phụ hồ vào hỏi mua, nhưng chủ quán cho không. Ba đứa ngồi vào bàn. Thằng phụ hồ hất hàm hỏi:

“Ai đó mậy?”

“Dạ, ‘bồ’ em anh Hai.”

Nó gọi thằng phụ hồ là anh Hai như tối qua đã nghe đám trấn lột gọi. Anh Hai trố mắt ngạc nhiên:

“Mầy nói nó là ‘bồ’ mầy? Bộ nó là con gái?”

“Dạ không, con trai.”

Anh Hai “hừ” một tiếng, hỏi:

“Con trai mà sao ‘bồ’ mày được? Nó làm gì có cái l.. để cho mầy bồ?”

“Dạ, tụi em ‘bê đê’ mà, anh Hai.”

“‘Bê đê’ là cái mẹ gì?”

“Là như tụi em đó, hai thằng con trai hay hai đứa con gái ‘cặp’ nhau.”

“Tầm bậy.”

“Dạ, bậy chi đâu anh Hai. Tụi em không thích con gái.”

Anh Hai ngước mắt nhìn thằng con trai ngồi xeo xéo đối diện. Thằng này mặt mũi xinh xắn trắng trẻo, môi hồng má phính như con gái. Thằng “con gái” e thẹn nhìn anh Hai, rồi lên tiếng chào:

“Em chào anh Hai.”

Nếu chỉ nghe tiếng không nhìn thấy người, không ai nghĩ đó là tiếng nói của một đứa con trai. Giọng thằng “con gái” chỉ đục hơn giọng con gái bình thường một chút, trong hơn đám con gái có giọng đục. Anh Hai lúng túng chẳng biết phải chào lại bằng gì, bằng mày hay bằng cô, đành ừ hử nói:

“Ừa, ngồi nhậu. Biết nhậu không?”

Thằng Ba trả lời thay:

“Nó chỉ nhậu chút chút. Em dẫn nó đến giới thiệu để anh Hai biết mặt.”

“Nhậu đi, rồi nói chuyện.”

Li rượu đầy rồi vơi rồi lại đầy. Thằng phụ hồ và thằng vé số nốc ực một cái là hết li. Thằng “con gái” chỉ rót một phần ba vào li rồi nhấp hai ba lần mới hết. Mặt nó hồng lên, dù ánh đèn các nhà chung quanh hắt ra không đủ soi rõ. Chủ quán đã đóng cửa như thường lệ. Hàng xóm cũng nhà đóng nhà hé mở. Nửa xị rượu vơi đi. Thằng phụ hồ hỏi:

“Tụi bay ‘như vậy’ lâu mau rồi?”

“Dạ, cũng mấy năm rồi anh Hai.”

“Tụi bay hai thằng con trai thì … ‘làm’ làm sao?”

“Thì cũng ‘làm’ vậy anh Hai.”

“Nhưng thằng ‘bồ’ mày đâu có cái của con gái mà ‘làm’?”

Thằng vé số ngập ngừng, còn thằng “con gái” cúi đầu ra vẻ e thẹn. Nếu trời sáng tỏ, không biết có thấy mặt nó đỏ bừng hay không.

“Dạ, thì ‘làm’ ‘chỗ’ khác.”

Thằng phụ hồ “hừ” lên một tiếng, tự tay rót li rượu cuối cùng trong xị ra nốc cạn. Thằng vé số vội nói:

“Hôm nay anh Hai cho em đãi anh Hai xị tiếp.”

“Cũng được, nếu mày có tiền. Nhưng mày biết chỗ nào mà mua?”

“Dạ, mấy bà bán rượu ngõ này em đều biết. Anh Hai mua bà nào?”

“Bà Tư vịt lộn. Mà mầy cầm tiền đây mua thêm ba hột vịt lộn, tao đãi. Bảo bả lựa trứng già.”

“Em biết. Anh Hai cho phép?”

Không đợi trả lời, nó đứng dậy cầm chai rượu ra đi. Thằng phụ hồ chưa đủ “đô” nên còn tỉnh táo, quan sát thằng “con gái” một lần nữa. Quả thực thằng này có dáng dấp con gái nhiều hơn con trai. Nó hỏi trống không:

“Mày làm gì?”

Thằng “con gái” chớp chớp hai mắt nhìn anh Hai, trả lời:

“Anh Hai gọi em bằng em cũng được. Em đánh giày.”

“Kiếm đủ ăn không?”

“Thời này khó quá, không mấy người đi giày, toàn đi dép gì không à.”

Anh Hai cười xòa:

“Dép râu phải không?”

“Dạ. Dép đó thì đánh đấm cái gì được để có tiền.”

“Vậy mày … à, em sống làm sao?”

“Thì kiếm được chừng nào hay chừng đó, còn không thì ảnh giúp em.”

“Ảnh?”

Thằng phụ hồ chưa kịp hiểu ra thằng “con gái” muốn nói đến thằng vé số. Khi hiểu được, nó nói:

“Nó bán vé số thì cũng đâu kiếm được nhiều nhặn gì.”

“Thì liệu cơm gắp mắm mà anh Hai.”

Đến lúc đó thì thằng vé số quay lại. Rượu lại rót, cổ lại nuốt. Thằng phụ hồ vừa đập đập cái hột vịt lộn, ngữa cổ hít lấy chất nước ngọt trong trứng, vừa kể chuyện lưu lạc của nó cho hai thằng bạn mới nghe, rồi kết luận:

“Thế đấy, tao cũng chẳng biết tao là ai, ba má tao là ai.”

Thằng vé số nói cho nó, và thay cho cả bạn nó:

“Tụi em cũng vậy, gần gần giống nhau. Năm 1975 em mới chừng sáu bảy tuổi gì đó, cũng đâu từ ngoài đó chạy loạn với ba má rồi lạc mất nhau. Rốt cuộc, em chỉ còn một mình tại Sài Gòn này.”

“Thế mày làm sao mà sống?”

“Lúc đầu, em nhập bọn với đám ăn xin, rồi gặp thằng này. Tụi em nhỏ con nên bị tụi nó ăn hiếp dữ lắm, hai đứa chẳng ai che chở nên khóc hoài. Đã vậy còn bị bọn lớn hơn ‘lột’ hết thứ gì xin được. Nhiều hồi bị bỏ đói.”

“Hừ….”

“Hai ba năm sau, tình cờ thằng này lượm được một cái vé số. Em biết đọc võ vẽ lúc còn đi học nên đọc thấy ngày tháng chưa xổ. Cuối ngày, em dò vé thấy trúng được chút ít. Khi đem vé đổi, tụi em lại bị người lớn chặn mất một nửa.”

“Hừ….”

“Dấu kín tụi kia, lãnh tiền xong, hai đứa dắt nhau đi thật xa bọn nó. Em lúc đó cũng chừng hơn mười tuổi, thằng này nhỏ hơn em hai tuổi. Tụi em đem tiền trúng số đặt cọc nhận vé số đi bán, dành dụm mua đồ nghề đánh giày cho thằng này, rồi vất vưỡng sống qua ngày cho đến khi lớn, hai đứa ‘bồ’ nhau.”

“Hừ….”

Thằng phụ hồ nghe chuyện chỉ hừ hừ mấy tiếng, chẳng nhận xét gì. Nó thấm thía ý tưởng mà nó đã có lần suy nghĩ về xã hội chủ nghĩa của giai cấp bần cố nông. Ai bần cố nông hơn ba đứa nó giờ này tại đây trên đất nước này  để nhận lấy đất nước này là của họ? Nó lại hừ lên một tiếng, ngữa cổ nốc cạn li rượu rồi đẩy li qua cho thằng vé số. Thằng “con gái” chỉ ngồi nhìn, thỉnh thoảng gắp một lá rau cho đỡ buồn miệng. Xị rượu hết. Thằng phụ hồ nói trống không:

“Về ngủ. Mai gặp.”

 

Từ đó ba đứa hầu như ngày nào cũng gặp nhau trừ lúc mưa “chỉnh đổ.” Hai đứa cặp bồ không ngủ “nhà trọ” như thằng phụ hồ. Chúng nó “cất” một cái chòi bên cạnh bãi rác. Chòi làm bằng mấy cành cây khô bẻ từ mấy cây lớn chung quanh, vì hai đứa chẳng có dao rựa gì để chặt. Cây buộc chằng chéo lại với nhau bằng dây nhợ lượm được từ bãi rác thành một cái khung trông giống cái rọ nhốt gà lớn. Nhặt nhạnh các thùng các tông còn dùng được, hai đứa hì hục dựng lên chung quanh làm vách và phủ mái, rồi dùng dây buộc vào khung, chừa một khoảng trống làm “cửa” chui ra chui vào, đóng lại bằng một tấm ván ép. Mấy tấm nhựa ni lông chưa thủng lỗ đắp lên trên mái để chống mưa. Nền “nhà” lót một tấm ván ép đã cũ và nhiều lớp các tông rách nát làm chỗ ngủ. Đó là cái chòi của chúng nó, tròn tròn méo méo.

Bãi rác có nhiều chòi như vậy, từ xa nhìn vào trông giống nhiều rọ gà bị bỏ phế vây ba phía đống rác chình ình bốc mùi thối tha nồng nặc. Nhiều người sống trong các chòi đó kiếm ăn nhờ đào xới bãi rác này. Nhiều trẻ em được sinh ra trong các chòi đó, mà thế giới với chúng không có gì xa hơn bãi rác. Đó là sân chơi, là nơi kiếm đồ chơi, là nơi cha mẹ chúng kiếm thức ăn nuôi chúng, và là tương lai của chúng. Đứa nào đứa nấy gầy tong ốm teo suốt ngày trần trùng trục. Gặp ngày trời đang nắng giáng xuống một cơn mưa mau, hơi từ bãi rác ngùn ngụt bốc lên như khói như sương thộc mùi hôi hám đến tận lồng ngực từng người đến ngạt thở. Thế nhưng, chẳng một ai lớn nhỏ sống trong các chòi đó lấy làm điều, hoặc có lấy làm điều cũng chẳng còn lối thoát. Họ là những người thực sự vô sản, đúng nghĩa không một miếng đất cắm dùi. Gia tài của họ là tấm thân gầy còm gói trong manh áo tả tơi bạc phếch, không đáng giá một con trùn như thằng vé số đã có lần so sánh. Tài sản đó càng nghèo nàn thêm nếu tính luôn đám con cái khẳng khiu của họ. Nếu đất nước này thuộc về giai cấp vô sản, thuộc về những người như họ, thì thứ đất nước mà họ làm chủ quả thực tồi tệ không còn chỗ nào để so sánh. Còn nếu không phải thuộc về họ, những người đúng nghĩa vô sản, thì ai mới quả thực là giai cấp vô sản để làm chủ đất nước này?

Riêng họ, họ chẳng có suy nghĩ nào sâu, và xa, hơn cái bụng của họ. Băn khoăn mỗi ngày của họ là tìm đâu ra cái gì để lấp đầy cái bụng trống rỗng réo đói của họ và những người họ phải nuôi nấng. Thế giới này của giai cấp nào, đất nước này thuộc về ai, chính phủ nào đang ngự trị, quốc gia nào đang bá chủ thế giới, tất tất đều không phải là chuyện của họ. Không ai có gì cho họ và họ cũng chẳng có gì để cho ai. Cả đến cái thứ mà ở đất nước này ai cũng phải có nhưng họ thì không, đó là cái giấy chứng minh và hộ khẩu. Chẳng ai tra vấn gì họ mấy thứ giấy tờ đó, vì được “cái giải gì”? Con cái họ sinh ra cũng chẳng có một chữ nào chứng thực sự hiện diện của chúng trên đất nước này. Chúng chẳng có một cái tên chính thức để cho biết dòng dõi của chúng, vì dòng dõi chúng có gì đáng để lưu danh? Những thằng Tèo, thằng Cu, thằng C.., con Hĩm, con Gái, con L.. đó cũng sẽ nối tiếp dòng dõi không dòng dõi của cha mẹ chúng, trừ phi một ông tiên bà tiên nào đó sẽ phù phép biến cái chòi tồi tệ tàn mạt của cha mẹ chúng thành tòa lâu đài.

 

Thằng “con gái” vặn mình rên lên ư ử, rồi quay qua ôm lấy “chồng nó.” Thằng vé số cảm thấy một hơi nóng hấp từ người “vợ” nó lên nó. Nó hỏi:

“Mầy làm sao vậy?”

Thằng “con gái” nói đứt quảng:

“Em mệt quá, nhức đầu.”

Thằng vé số đặt lưng bàn tay lên trán “vợ” nó. Trán nóng hừng hừng làm nó rụt tay lại.

“Mày bệnh rồi.”

“Dạ, em bệnh.”

Thằng vé số bước ra khỏi chòi, vươn vai. Ánh mắt trời bình minh le lói qua các rặng cây từ xa chiếu ánh sáng soi tỏ đống rác hỗn độn. Xe rác cơ giới, xe rác kéo tay đang tiến vào đổ mọi thứ dơ bẩn chồng chất thêm vào đống rác vốn đã cao nghều nghệu. Một đám người đang vây quanh chờ xe trút hết rác xuống. Những người vô sản làm chủ đất nước sinh sống nhờ vào những thứ mà thế giới những người không làm chủ đất nước vứt bỏ đi. Đám sinh vật lớn nhỏ bẩn thỉu hơn rác, hôi hám hơn rác, và còm cõi hơn que cọng trong đống rác, đang lom lom nhìn vào các thứ  đang đổ ra. Những dòng nước đen sì nhớp nháp ngoằn ngoèo từ đống rác chảy ra. Ruồi nhặng ào ào bay lên khi rác đổ xuống, rồi vội vàng chụp xuống che kín đống rác như cũng đang chen lấn giành giật nhau. Chúng cũng như lũ người đang vây quanh tìm kiếm nuôi sống từ chất thừa thãi của đống rác. Xe cơ giới, xe kéo tay vừa quay bánh trở ra, lũ người vội vàng bu vào đống rác tranh giành với lũ ruồi làm lũ ruồi tức bực bay lượn vù vù chờ cơ hội. Tay cầm móc, tay cầm bao, lớn bé già trả thi nhau bới đống rác để nhặt cho vào bao bất cứ thứ gì họ nghĩ còn có thể dùng được: lon thiếc, bao ni lông, miếng các tông, thức ăn còn có vẻ lành lặn. Mặc hơi thối, mặc nước bẩn, mặc ruồi nhặng, mặc chất bẩn tung tóe lên người, họ quần quật bới móc vì chậm tay là người khác giật mất. Các đứa nhỏ quá chưa “hành nghề” được đứng ở vòng ngoài, đợi bên trong chuyển bao bì đã đầy ra đem để vào một chỗ, sau khi đã trao tay một bao trống rỗng khác. Chúng cũng hấp háy đôi mắt “học nghề,” quan sát cách “làm việc” của đàn anh đàn chị để sớm muộn chúng cũng sẽ bắt đầu như vậy. “Con đường tương lai” của chúng đã được vạch rõ, có lẽ rõ hơn bất cứ trẻ em nào cùng lứa tuổi với chúng sống trên quả đất này.

Thằng vé số vặn người cho bớt mỏi, mắt lơ đễnh quan sát đám người bu quanh đống rác. Nó thấy nó vẫn còn “cao cấp” hơn lũ người đó một chút. Đầu nó đang nghĩ cách “trị liệu” cho “vợ” nó. Có ai đó thấy nó, lên tiếng hỏi:

“‘Vợ’ mầy đâu mầy?”

Nó ngước mắt nhìn về phía tiếng hỏi, trả lời:

“Nó bệnh.”

“Trời đất, nghèo rớt mồng tơi mà còn bày đặt bệnh với hoạn. Mày mua chai dầu gió cạo gió cho nó là xong ngay chớ lo gì.”

Thằng vé số mỉm cười. Nó nghĩ, “Chẳng lẽ nghèo thì không được phép bệnh?” rồi đi ra quán xép bên kia đường mua một chai dầu gió. Vào chòi, nó lật áo “thằng vợ” lên, dùng một cái thẻ bài rỉ sét cạo cạo nhè nhẹ lên dọc hai bên xương sống thằng “vợ.” Nó đổ một chút dầu lên lưng “thằng vợ,” dùng lòng bàn tay chà dài theo vết đỏ hồng vừa cạo nổi lên. Trong vùng bãi rác mà mùi thối tha hôi hám lúc nào cũng lẩn quẩn trong không khí, thấm vào quần áo da thịt, mùi dầu gió bỗng trở nên thơm ngát. Nó nghĩ còn thơm hơn mùi nước hoa, cho dẫu nó chưa bao giờ thực sự chạm đến “thứ giàu có” này ngoại trừ đôi khi ngửi thấy thơm phưng phức trên người mua vé số của nó. “Thằng vợ” nhăn mặt vì đau. “Thằng chồng” nói:

“Chịu khó chút, cạo xong khỏe liền.”

Thực sự, nó đâu đã từng học ai để biết phải cạo gió cách nào và tại sao lại phải cạo gió. Nó chỉ làm theo kinh nghiệm cảm nhận được khi người khác cạo gió cho nó. Nó bắt đầu nhè nhẹ, rồi mạnh dần lên, cho đến khi đường cạo kêu nghe sồn sột. Khi “thằng vợ” đau quá la oai oái, nó nhẹ tay lại, cạo ngang cạo dọc rồi nói:

“‘Gió’ nhiều lắm, đen sì.”

“Gió” là các vết bầm do cạo nổi lên trên da. Da chỉ hồng lên, không bầm tím, ấy là “ít gió,” chỉ bị “trúng nắng.” Da bầm là “có gió,” càng bầm tím càng “nhiều gió,” càng cho thấy bị “trúng gió” nặng. Tám chín chục phần trăm người chết đột ngột đều vì “trúng gió,” cho dẫu vì đột quị, ung thư, hay bất cứ bệnh gì khác không có biểu lộ ra bên ngoài mà ai cũng có thể nhìn thấy, phân biệt rõ rệt được như tiêu chảy, tả lị, thương hàn, sốt rét. Chẳng ai có thể định nghĩa được “gió” là gì, tại sao lại “trúng gió,” và tại sao cạo gió lại “trục” được “gió” ra.

Nó xoay người “thằng vợ” nằm ngữa rồi cạo theo khe các xương sườn trước ngực. “Thằng vợ” nhột nhạt và đau quằn quại né tránh. “Thằng chồng” làm xong nhiệm vụ, đưa hai tay vê vê hai núm vú tịt lít của thằng vợ, mắt cười tít, rồi kéo áo lại cho “thằng vợ.”  Nó hôn chụt lên môi “thằng vợ,” nói:

“Mày ở nhà, tao đi bán.”

Không đợi trả lời, nó bước ra khỏi chòi rồi đi luôn, quên nghĩ “thằng vợ” trưa nay sẽ ăn gì vì chẳng có thức ăn nào dự trữ. Đến “đại lí” vé số, nó gửi tiền đặt cọc, nhận vé, rồi lần mò từ nơi này đến nơi khác chào vé. Thấy ai nó cũng chìa xấp vé ra mời, “Vé số không? Vé cặp ba cặp bốn?” Phần lớn người ta lắc đầu xua tay, thỉnh thoảng có người gọi lại mua một hai tấm. Gặp khách “sộp” mua cả chục tấm trở lên là nó mừng ra mặt. Thỉnh thoảng, nó “trúng mánh” gặp người mua cả mấy chục tấm. Chuyện may mắn đó ít khi xẩy ra. Gặp “đại gia” hoặc “Việt kiều” nào nổi hứng mua cho nó nửa xấp, có khi cả xấp, nó hí hửng đến “đại lí” nhận thêm bán lần thứ hai. Thường lần thứ hai này nó nhận ít hơn lần trước, vì đến chiều lỡ bán không hết không kịp trả lại cho đại lí đúng giờ qui định, nó sẽ phải “ôm sô” chết dỡ.

Hôm nay, nó gặp “vận xui.” Loanh quanh mấy tiếng đồng hồ, nó chỉ bán được đâu chừng mươi tấm. Cầm xấp vé trong tay, nó lo lắng. Trời đang cuồn cuộn mây đen vân vũ, báo hiệu một cơn mưa lớn. Mưa mà kéo dài rồi đường ngập nước, điều rất thường xẩy ra lúc này, xấp vé trong tay nó sẽ bị “ôm sô” là cái chắc. Muốn đến đại lí trả lại cũng không “lội” đi được. Cách nói “lội bộ” lúc này không phải hiểu theo nghĩa bóng mà là theo nghĩa đen thực sự. Đường ngập nước không phải đến mắt cá chân hay đầu gối mà có khi lên đến ngang bụng. Nó đã nghe “lén” một người ngồi trong quán kể chuyện hai vợ chồng ông ta ăn diện đẹp đẽ đi dự tiệc cưới. Trời bỗng đổ mưa. Đường ngập nước, ngập đến yên chiếc xe gắn máy của hai vợ chồng. Lui không được, tiến cũng không thể, hai vợ chồng chịu trận từ tám giờ tối đến một giờ khuya, nước rút, mới dắt xe lội bộ về nhà. Vừa ướt, vừa lạnh, vừa đói, vừa mệt vì phải đi bộ dẫn xe theo, hai vợ chồng lục cơm nguội ăn qua bữa, ngao ngán nghĩ đến ngày mai phải đem xe đi rửa máy vì đã bị ngập nước.

Trời đổ mưa, lắc rắc vài hạt rồi ào ào xán xuống đùng đùng trên mái tôn nhà cửa hai bên đường. Ngoài đường, nhiều xe gắn máy vội vàng tấp vào lề; người đi xe hối hả mặc áo mưa. Áo mưa thời nay làm bằng ni lông theo kiểu dáng của áo pông sô nhà binh ngày trước, chỉ trừ không bít kín hai bên hông mà có các nút bấm để tùy người mặc. Phần lớn người mặc không bấm nút lại, để hai vạt áo tự do bập bềnh khi gió thổi mạnh. Một số người mặc áo mưa xong, nhưng vẫn đứng trú mưa trên lề đường. Mưa lớn quá, chạy xe không tránh khỏi bị ướt. Số khác có lẽ có chuyện cần phải đến kịp giờ nên hối hả ra đi, tăng tốc độ xe vùn vụt để chạy đua với mưa. Thằng vé số nhìn xe gắn máy xe hơi đâm qua né lại trên đường mưa xối xả, hồi hộp như đang chứng kiến một pha đua xe đuổi bắt trong “phim truyền hình” mà nó coi ké được. Nó ngao ngán nhìn trời. Mây đen càng lúc càng che kín bầu trời. Trời tối sầm lại. Mưa càng lúc càng đổ ào ào xuống, đập lên mái tôn lên mặt đường nghe ầm ầm chan chát như tiếng bước chân đoàn quân vĩ đại đang rầm rập tiến bước. Tiếng mưa lớn đến nổi hai người đứng gần phải thét lên mới nghe được tiếng nhau.

Thằng vé số e ngại nhìn xấp vé còn nguyên trên tay nó. Kiểu này ế là cái chắc. Nó chợt nhớ tới “thằng vợ” đang bệnh nằm trong chòi. Mưa kiểu này chắc cái chòi cũng đang ngập lênh láng, không còn chỗ cho “thằng vợ” nghỉ bệnh được. Nó lo lắng. Mà rồi nếu vé số bán không được, tiền đâu để mua cái gì “bồi dưỡng” cho “vợ” nó? Bỗng, từ quán cà phê bên kia đường vọng lại tiếng gọi lọt qua tiếng mưa:

“Ê, vé số!”

Nó nhìn ngang nhìn ngữa: Chung quanh nó chỉ một mình nó là “thằng vé số.” Nó e ngại nhìn ra đường. Mưa vẫn xối xả, xe cộ vẫn giao nhau vùn vụt. Không chạy qua, làm sao bán hết xấp vé. Liều mạng chạy qua, chẳng biết bán được mấy tờ. Nó nghĩ thực nhanh:

“Thây kệ, được tờ nào hay tờ đó.”

Ngại ngùng nhìn mưa lần nữa, nó cắm đầu lao ra đường. Một chiếc xe tải đang chạy tới cùng lúc cả chục xe gắn máy đang lách qua lách lại đua mưa. Một chiếc xe gắn máy trượt ngã lăn quay ra đường, máy xe còn nổ làm bánh xe quay tít tung tóe các vòi nước lên cao. Người lái xe nằm vật sang một bên không dậy được, chắc đã bị thương. Một chiếc gắn máy khác đang “bay” nhanh không tránh kịp, đâm sầm vào chiếc đang ngã. Người lái xe tung bỗng lên rồi phóng tới đàng trước như người đang lao xuống hồ bơi, rơi sụm xuống. Chiếc xe tải cũng lao tới đụng mạnh vào hai chiếc gắn máy đang nằm trên đường; bánh xe thắng ghịt kéo lê kin kít in thành vệt trên đường nhựa, tạt nước mưa trên đường ra lề. Một trong hai chiếc gắn máy theo đà bị xe tải đụng bay lên đâm phập quật thằng vé số vừa trờ tới ngã sấp xuống. Chiếc xe tải đang đà chạy không ngừng được, lần lượt cán năm bánh xe lên thân thể thằng vé số. Vé số từ tay nó vung vãi trên đường sủng nước như đang rải truyền đơn. Hai người lái xe gắn máy hoảng hồn cố lết ra xa. Chiếc xe tải vừa thắng ngừng lại được, không hiểu tại sao chạy lùi lại cán lên thằng vé số một lần nữa. Người hai bên đường thấy máu tung tóe trên mặt đường, nghe xương gảy răng rắc. Mọi người kêu la thất thanh. Tài xế xe tải thắng kít lại, mở cửa xe rồi cắm đầu chạy mất vào ngõ hẻm gần đó, bỏ lại chiếc xe trên hiện trường. Có tiếng ai đó trong quán cà phê bình luận:

“Thằng tài xế này học thuộc bài.”

Người ngồi cùng bàn ngạc nhiên:

“Bài gì?”

“Bài chủ xe dạy nó cán chưa chết, cán lần nữa cho chết để khỏi ‘nuôi báo cô.’ Cùng lắm ‘đền bù’ cho người bị cán chết ba bốn chục triệu là xong.”

“Ba bốn chục triệu là bao nhiêu?”

“Là chừng ngàn rưởi hai ngàn đô la Mĩ.”

“Rẻ vậy sao?”

“Thế bộ cậu tưởng mạng người ở đây đắt lắm sao? Mà chưa chắc đã phải ‘đền bù’ vì ‘thằng vé số’ đâu có thân nhân giấy tờ nào chứng minh để kiện.”

“Vậy sao?”

“Không ‘vậy, vọc’ gì cả. Thế đấy.”

“Thế tài xế không bị tù?”

“Ai kiện mà ở tù? Có người kiện mới bị. Mà có kiện, ba bốn chục triệu nữa cũng có thể xong.”

Công an cảnh sát với xe Jeep, xe gắn máy, hú còi chạy đến. Dù hú còi toang toác, các xe này cũng phải vất vả luồn lách mới đến được hiện trường vì xe lớn xe nhỏ trên đường chẳng xe nào tấp vào lề nhường “ưu tiên.” Mà muốn tấp cũng không được vì đường nghẹt cứng chẳng còn chỗ nhúc nhích. Máu thằng vé số loang lổ theo nước mưa chảy ra vệ đường, rồi theo khe nước chảy lọt vào ống cống. Máu nó màu đỏ. Cũng màu đỏ như máu bất cứ ai khác. Nhưng nó không giống bất cứ ai khác vì chẳng ai biết nó là ai, cả cái tên cũng không có. Chẳng một mảnh giấy tờ nào trên thân thể nó cho biết nó là ai, ở đâu. Nó chẳng phải là công dân của đất nước này, cho dẫu sinh ra mang dòng máu Việt, nói tiếng Việt, lớn lên ăn cơm ăn mắm kiểu người Việt. Cảnh sát công an lật mấy cái túi của nó: Chẳng có gì ngoại trừ một số tiền không đáng giá và một chai dầu gió. Cảnh sát công an lật qua lật lại thi thể nó, rồi lắc đầu. Một xe cứu thương chạy đến. Ba bốn người trên xe quấn xác nó vào trong một bịch ni lông rồi đưa lên xe, đóng sầm cửa lại, hú còi len lỏi chạy đi. Trời đã tạnh. Mưa đã rửa sạch máu trên đường, chỉ còn lại các vết dầu nhớt từ hai xe gắn máy đang loang dần ra. Dầu khó rửa sạch hơn máu, và dĩ nhiên đáng tiền hơn máu! Hai người lái xe gắn máy đã đứng dậy được, nói nói chỉ chỉ gì đó với cảnh sát công an, rồi vực xe của họ dậy đẩy đi. Xe cộ qua lại thận trọng tránh vết dầu loang lổ sợ bị trượt té. Mỗi chiếc xe chạy qua mang theo bánh xe một chút dầu vương vãi. Không lâu sau đó, ngay cả vết dầu cũng không còn. Xe lớn xe nhỏ lại nườm nượp luồn lách né tránh vùn vụt chạy qua. Có lẽ, trong bữa cơm chiều, những người đã chứng kiến sẽ chậc lưỡi thuật tai nạn lại cho gia đình họ nghe. Có lẽ có ai đó sẽ nói lên lời tội nghiệp. Thế là xong.

 

Thằng “con gái” cố thu mình lại trong cái chòi tránh mưa dột. Cơn mưa lớn quá, nổ bồm bộp trên mái ni lông. Nó không sợ mưa độp xuống mái chòi, mà sợ nước ứ ngập vào nền “nhà.” Nước đâu chỉ là nước mưa trong sạch mà là nước thối hoắc thối hoang chảy từ đụn rác cao nghều nghệu. Những dòng nước đen ngòm bò ngoằn ngoèo từ chân đồi rác đến các chỗ đất thấp như những con rắn độc sẵn sàng bập vào bất cứ ai ngăn cản. May quá, chòi của nó nằm ở chỗ đất cao hơn các chòi khác, nên các “con rắn” đó không bò tới được. Nước mưa mát làm dịu không khí nồng nặc của bãi rác, và làm dịu cơn nóng sốt trong thân thể nó. Nó cảm thấy dễ chịu một chút, nhưng rồi lại lo âu. Rồi mưa sẽ tạnh. Mặt trời sẽ bắt đầu nung khô đồi rác. Hơi từ đồi rác sẽ bốc lên ngùn ngụt. Nó chậc lưỡi:

“Thây kệ, lo chi cho mệt.”

Ngồi co ro hai đầu gối quá tai để thêm chút hơi ấm cho thân thể, nó lấy làm lạ tại sao thân thể nó đang có cảm giác nóng hừng hực trong khi chính nó lại cảm thấy lạnh. Tại sao hai cảm giác này lại có thể đi chung mỗi khi nó không được khỏe, nhức đầu nóng sốt? Quờ tay tìm chai dầu gió, nó chợt nhớ ra “thằng chồng” đã quên không để lại. Nó nghĩ:

“Bậy thật. Nếu có, bôi thêm chắc mau hết bệnh.”

Những người như nó khi lâm cơn bệnh hoạn, phương thuốc bá bệnh duy nhất là “dầu gió.” Cảm sốt, đau bụng, đau nhức, tức ngực, ho hen, … tất tất đều dùng dầu gió, hoặc xoa bóp, hoặc “uống một chút.” Ngoài dầu gió, chẳng có thuốc men gì khác trừ phi vào trạm y tế. Mà không dễ gì đến trạm y tế. Dù là trạm y tế nhân dân, nhưng “nhân dân” không có nghĩa là “cho không,” cái gì cũng phải trả tiền. Không tiền, chẳng ai quan tâm đến dù nằm đó thoi thóp chờ chết. Bệnh viện còn khó khăn hơn. Bệnh sắp chết nhưng khám sơ khởi xong, cần điều trị, người bệnh phải đóng tiền trước. Vào cấp cứu cũng phải đóng tiền trước. Không có tiền đóng, mày sắp chết hay đang chết cũng kệ mày. Bác sĩ y tá đi qua dạo lại coi người bệnh đó không bằng một con chó. Con chó chết có thể làm thịt nhậu một bữa; con người chết chỉ làm thối đất. Nếu con người chết mà thân thể không làm thối tha, có lẽ cũng chẳng ai quan tâm ngó ngàng gì tới. Mà chẳng phải chỉ đóng tiền điều trị chính thức mà thôi, còn nhiều thứ khác: tiền “bồi dưỡng” cho bác sĩ và y tá, tiền “giúp đỡ” cho y công nếu muốn có tấm ra trải giường, bao gối, áo quần thay đổi mới, sạch. Không cái gì có thể mở con tim con người của toàn bộ nhân viên y tế trừ đồng tiền. Tiền là chìa khóa vạn năng. Y tá thì không ai biết gia cảnh thế nào nhưng bác sĩ, trừ người mới ra trường, sau khi đã có kinh nghiệm và được phép mở phòng mạch tư, chẳng phải mất nhiều năm để có thể mua nhà bao nhiêu tỉ bạc trả một lúc bằng tiền mặt, mua xe hơi bóng loáng. Nghĩa là bác sĩ kiếm ra được nhiều tiền. Vậy tại sao lại phải “bồi dưỡng” để bác sĩ làm nhiệm vụ “lương y từ mẫu” của mình?

Nói cho đúng, chẳng phải y tá bác sĩ ai cũng đã mất hết lương tâm nghề nghiệp. Nhiều người trong họ cũng xót xa khi phải nhắm mắt làm ngơ trước hoàn cảnh như vậy. Nhưng làm sao vượt qua được “chính sách”? “Chính sách” đã qui định bác sĩ y tá phải bị trừ vào tiền lương nếu cứu chữa một người mà về sau người đó không trả được chi phí. Nếu làm đúng lương tâm nghề nghiệp, chắc những người có lòng thương xót chẳng còn tiền để ăn cơm bình dân, nói chi đến nuôi vợ nuôi con.

Mà dù có tiền, đến các nơi điều trị cũng tốn công sức dò tìm nơi cần đến và giờ giấc có thể được khám. Các nơi công cộng đều chẳng mấy chỗ có bảng chỉ dẫn cho biết đi đâu làm gì, kể cả sân bay quốc tế, kể cả bệnh viện “nhân dân.” Chẳng có bảng chỉ dẫn cho biết bác sĩ nào làm việc phòng nào, giờ giấc nào. Hình như mọi người cố tình làm mờ rối như vậy để người lạ đến bất cứ nơi nào cũng phải hỏi thăm, như thể nếu không hỏi thăm thì những người phục vụ ở đó không được người khác chú ý đến. Hoặc để nhân viên công lực biết ngay người không biết đi đâu làm gì là người lạ mới đến, không phải người quen thuộc với cơ quan, địa điểm họ đang hỏi đường. Mà đã hỏi thăm là phải xì tiền ra. Lạ lùng nữa là người trả tiền không nhận được biên nhận đã trả đủ tiền mà phải kí tên vào giấy của cơ quan có ghi số tiền đã trả. Giấy của cơ quan thì cơ quan giữ, người đóng tiền đâu có bằng chứng gì đã trả, và đã trả bao nhiêu tiền. Vì vậy, nếu có gì kì quặc trong số tiền phải trả cũng chỉ nói miệng chẳng ai tin, khẩu chứng vô bằng. Không bao giờ nghe tiếng cảm ơn, tiếng xin lỗi, thậm chí đến tiếng chào hỏi, trên môi miệng của người có trách nhiệm, từ người “bảo vệ” đến người bán vé “đi tiêu tiểu,” người bán cơm, người hướng dẫn, bác tài xế taxi, người bán hàng trong siêu thị…. Mặt ai cũng hằm hằm như thể chỉ để sẵn sàng bắt kẻ gian vào trộm đồ hay gian lận, hoặc chờ đợi ban phát ân huệ cho người bước vào các nơi đó!

Mà đâu phải hỏi ai cũng sẵn sàng trả lời. Hỏi không đúng người sẽ không được trả lời một tiếng, dù người hỏi xin lỗi xin phải và hạ giọng nói cho nhẹ nhàng. Hình như người bị hỏi không đúng nhiệm vụ không muốn tự hạ mình nói với người “ngu dốt” không biết hỏi cho đúng chỗ. Khổ nỗi, muốn hỏi cho đúng chỗ, chẳng biết tìm nơi đâu vì không có bảng chỉ dẫn. Mà ngay khi hỏi đúng chỗ ở bàn có treo bảng “Chỉ dẫn” hoặc “Hướng dẫn” cũng chỉ được trả lời cộc lốc, phải hỏi năm lần bảy lượt trên một đoạn đường mươi thước để đi đến đúng nơi muốn đến. Mà lỡ vì không bảng chỉ dẫn đi ra đi vào không đúng chỗ, sẽ bị “bảo vệ” hoặc ai đó gọi giật lại xẳng giọng ngay Anh kia! Đi đâu đó? Bất kể lớn bé già trẻ, bất kể người đang đi đâu đó tuổi tác bằng cha bằng ông người hỏi, danh xưng duy nhất gằn giọng gọi giật lại đều làanh kia. Tất cả đều bị gọi là anh kia lớn lối cao giọng có lẽ vì người đang đi đâu đó ngu dốt không biết đi cho đúng đường. Lịch sự hơn một chút, mọi người đàn ông đều bị gọi bằng chú, làm như trên đời này người đàn ông nào cũng dưới vai cái ông đã đẻ ra người đang nói đó. Hoặc người ta dành tiếng bác chỉ để gọi một người “bác” duy nhất? Chắc không đúng, vì sau “bác” đó vẫn còn nhiều “bác” khác được gọi. Bước vào nơi đâu, siêu thị cao cấp thấp cấp hay văn phòng công ti, tiếp viên, bảo vệ, bác sĩ, y tá, nhân viên văn phòng, tất cả đều gọi tất tật đàn ông già trẻ bằng chú. Hai cha con một già một trẻ đi với nhau, người ta gọi người con bằng chú rồi gọi người cha cũng bằng chú. Vậy là hai cha con ngang nhau! Ấy thế nhưng mọi sự đều bừng tĩnh đầy sức sống,  xoăn xoăn xoe xoe, lúm ca lúm cúm, cuống quít như sợ không được đoái hoài đến, nếu có một “đại gia” hay “xếp lớn” bước chân vào. Các bộ mặt hằm hằm đó đều bừng nở các nụ cười toe toét, quị lụy khúm núm thấy mà tội nghiệp.

Thằng “con gái” chợt tỉnh, không hiểu trời xui đất khiến gì hôm nay nó là suy nghĩ vẫn vơ nhiều đến thế. Thường thì nó chẳng quan tâm gì đến chuyện xẩy ra chung quanh, dù trong cuộc đời “hành nghề” nó đã nghe ngóng trông thấy nhiều chuyện xẩy ra như vậy. Với nó, được gọi là anh kia hay bằng chú là quá cao trọng rồi, vì ai cũng chỉ gọi nó bằng thằng, “Thằng Đánh giày.” Anh Hai gọi nó là “Thằng Con gái” hoặc bằng em, còn “thằng chồng” nó thì chỉ gọi nó bằng mày. Mưa đã tạnh. Trời đã tối. Nó không hiểu tại sao mưa tạnh, trời tối mà “thằng chồng” nó vẫn chưa “về nhà.” Suốt ngày nay nó đau đớn mệt mỏi, chẳng có gì ăn, chỉ thỉnh thoảng nhấp vài ngụm nước mưa hứng trong một cái ca nhựa. Nó muốn ngồi dậy đi kiếm thằng vé số vì không biết chuyện gì đã xẩy ra, nhưng không ngóc đầu dậy nổi. Chân nó lẩy bẩy sụm xuống khi nó cố đứng lên. Nó quay qua trở lại trằn trọc suốt đêm, chỉ mong mau sáng để đi tìm “chồng.” Nó tự nhủ:

“Bệnh hoạn gì cũng phải đi tìm. Chẳng biết ‘ảnh’ làm sao rồi.”

Tia sáng mặt trời đầu tiên vừa le lói qua các ngọn cây, nó đã ráng hết sức đứng dậy bươn bã ra đi. Nó biết khu vực “thằng chồng” nó thường bán vé số. Khởi đầu từ đại lí, người ta xác nhận thằng vé số có nhận vé đi bán nhưng không thấy đến trả vé. Nó lân la lòng vòng hỏi bà bán thuốc lá, hỏi thằng ăn mày, hỏi chị bán trá đá, ai cũng cho biết có thấy “chồng” nó ngày hôm qua. Lần mò mãi, nó đến quán cà phê bên kia đường, nơi có người trong quán hôm trước đã gọi mua vé số. Nghe kể chuyện, nó lặng người. Người ta chỉ nó lên Bệnh viện Nhân dân hỏi nhà xác xem sao. Nó rảo bước đến đó, hỏi thăm nhân viên nhà xác.

“Tên gì?”

“Dạ, em không có tên.”

“Đâu phải tên mày, tên thằng chết.”

“Dạ, em không biết tên ảnh.”

“Lạ chưa, mày nói mày là người nhà mà không biết tên thằng chết thì làm sao tao chỉ xác cho mầy? Cả đống xác chết trong đó, chẳng lẽ cái nào tao cũng cho mầy coi?”

“Dạ, dạ….”

“Dạ cái khỉ mốc. Về đi, bao giờ biết tên lên hỏi.”

Nhân viên nhà xác quày quả bước vào bên trong. Thằng “con gái” ló đầu qua cửa nhà xác rồi thụt ngay lại sợ hãi. Nó thui thủi trở ra, biết chẳng còn hi vọng tìm thấy xác. Làm sao nó biết được tên “thằng chồng” nó trong khi chính tên nó, nó cũng còn chưa chắc đã nhớ đúng. Mà cho dẫu biết tên, nó lấy giấy tờ gì chứng minh thằng đó là “chồng” nó? Nó nghĩ thực nhanh:

“Tìm thấy làm gì? Lấy tiền đâu ma chay cho ảnh?”

Thằng “con gái” chợt nhận ra trên đời này không ai nghèo tận mạng như nó, như thằng vé số, nghèo đến một cái tên cũng không có. Có lẽ khi sinh ra, cha mẹ cũng đã đặt tên cho nhưng hai đứa đã đánh mất theo trôi nổi nhọc nhằn. Nó quên hết bệnh hoạn, quên mất cái bụng trống rỗng. Nó muốn khóc mà nước mắt không thấy chảy ra. Chưa tám giờ tối như qui định, nó đã đến quán cơm bình dân. Anh Hai đang ăn cơm chiều, ngạc nhiên hỏi nó:

“Ủa, sao em đến sớm vậy? Thằng vé số đâu?”

Nước mắt nó đến lúc này bỗng nhiên từ đâu ùa đến. Nó khóc nức nở, ngồi bệt xuống ôm chân anh Hai:

“Anh Hai ơi, ‘chồng’ em xe cán chết rồi.”

Thằng phụ hồ bật dậy như có gắn lò xo, hỏi dồn:

“Mầy nói sao? Thật không?”

“Dạ, em nói thật. Bị cán hôm qua. Người trông thấy kể lại.”

“Vậy xác nó đâu?”

“Em không tìm được.”

“Sao không lên nhà xác?”

“Em lên rồi, nhưng không biết tên ảnh, người ta không chỉ.”

Thằng phụ hồ thừ người. Nó cũng chẳng biết tên thằng vé số. Cả chính tên nó, nó cũng gần như hiếm khi nhớ đến. Mà cho dẫu biết tên cũng chẳng ích gì vì chẳng thằng nào có một mẫu giấy trong người cho biết mình là ai. Không có giấy tờ, xác chết sẽ mang tên “vô danh.” Đã là “vô danh” thì biết làm sao mà tìm? Và đích điểm “vô danh” sẽ đến là một hồ chứa phóc môn nào đó trong trường dạy bác sĩ để sinh viên thực tập mổ xẻ. Rồi nó nghĩ, như  thằng “con gái” đã nghĩ, “Tìm thấy xác rồi làm sao chôn?”

Thằng phụ hồ như tỉnh cơn mơ, hỏi thằng “con gái”:

“Em ăn gì chưa?”

Thằng “con gái” nhìn anh Hai, không trả lời nhưng anh Hai đã hiểu. Nó gọi một đĩa cơm cho thằng “con gái.” Đĩa cơm trắng nhiều cơm, có một miếng thịt heo chiên tròn tròn chừng nửa tờ giấy bạc với một chén canh rau. Không đợi mời, thằng “con gái” kéo ghế ngồi đối diện anh Hai, vớ chai nước mắm chan lên cơm rồi dùng muỗng múc ăn ngấu nghiến. Nó đói đã hai ngày. Khi thấy đĩa cơm của nó đã vơi, thằng phụ hồ hỏi:

“Giờ em tính sao?”

Thằng “con gái” ngước mắt nhìn thằng phụ hồ. Tính sao? Nó có tính toán gì bao giờ đâu mà biết?

“Thằng vé số còn tiền bạc gì ở ‘nhà’ không?”

“Dạ không. Có gì ảnh mang theo trong người.”

“Nghĩa là đã mất hết?”

“Dạ.”

Thằng phụ hồ suy nghĩ thật nhanh rồi nói:

“Tối nay tạm thời về ngủ với tao. Mai về ‘bán chòi,’ thu dọn ‘đồ đạc’ rồi qua đây, tao tính.”

“Dạ.”

 

Ba người bạn giờ chỉ còn lại hai người. Thằng “con gái” đến sống với thằng phụ hồ. Thằng phụ hồ tìm một “phòng trọ” cho hai đứa ở, vì không thể ngủ trong phòng tập thể như lâu nay nó vẫn ngủ một mình. Nó không còn thường xuyên ăn cơm ở quán bình dân đó nữa, trừ khi làm việc gần quán, vì “phòng trọ” nó mướn ở khu vực khác, có các quán cơm bình dân khác tương tự. Không biết hai đứa chung sống với tính cách nào, có là “vợ chồng” hay chỉ là đôi bạn? Không biết tối tối hai đứa còn nhậu với nhau không, vì thằng “con gái” không uống được rượu?

Chỉ một điều chắc chắn là khi thằng phụ hồ rời chỗ trọ và quán cơm nó đã lui tới trong nhiều năm, chủ quán, khách trong quán, và người chung quanh mau chóng quên sự hiện diện của nó. Cả nó cả thằng “con gái” đều đã ra khỏi kí ức của mọi người.

Có gì quan trọng để nhớ đến những con người mà cả đến cái tên cũng không có?

 

(Viết xong ngày 18/9/2011 tại Thanh Đa, Sài Gòn, Việt Nam)

Trần Hữu Thuần dunglac



Trả lời