Quà sinh nhật của Mẹ
Sắp tới ngày sinh nhật Mẹ Maria, tôi rất muốn viết một bài thơ dâng tặng Mẹ, nhưng vì công việc ngập đầu ngập cổ nên trí óc tôi chẳng thể tập trung mà làm thơ cho được. Đã thế, mấy ngày nay tôi còn phải theo học một khóa ngắn ngày tại Học viện tin học trực thuộc chi nhánh Đại học Bách khoa Hà nội (ở tp.HCM). Tôi tham gia khóa học này do sự đề nghị của Hội người mù Tân Bình, để chuẩn bị cho vòng sơ khảo của cuộc thi Tin học dành cho người khiếm thị toàn quốc, được dự tính sẽ diễn ra vào Chủ nhật 14/9. Thật ra, tôi đi thi ủng hộ phong trào của Hội, chứ nào dám mơ đạt giải, bởi trong số những người sẽ dự thi, tôi là thí sinh già nhất. Không ngờ, cuối buổi học chiều hôm qua, “học viên già” tôi đã làm cho mọi người phải một phen kinh hồn bạt vía. Và cũng không ngờ, đó lại trở nên như món quà sinh nhật của Mẹ Maria đã dành tặng tôi, tôi cho là vậy! Các bạn sẽ khó hiểu, tại sao sinh nhật Mẹ mà tôi lại được quà, món quà đó ra sao, nó có liên quan gì tới việc tôi đi học?
Món quà đó chính là một phép lạ. Mẹ đã cứu tôi sau một tai nạn khủng khiếp vào chiều hôm qua. Sao mà không kinh hồn bạt vía, khi chỉ trong nháy mắt tôi chưa kịp nhận ra chuyện gì, thì thân mình tôi đã lao nhanh trong khoảng không nhiều vòng, cho tới khi cơ thể tôi liên tục nảy lên đập xuống từng nấc từng nấc, tôi mới biết mình đang rơi xuống cầu thang. Sự thể chẳng có vẻ gì đặc biệt. Cuối buổi học hôm qua, nhóm học viên khiếm thị chúng tôi được dẫn đến trước cửa thang máy từ lầu 6 của tòa nhà, họ bảo chúng tôi phải chia thành từng tốp nhỏ vì mỗi lần thang máy chỉ được phép chở 4-5 người.
Hai chân tôi đã sưng phù vì phải ngồi tại chỗ trong một thời gian dài, nên trong lúc chờ đợi, tôi xoay cổ chân cho đỡ tê. Xoay cổ chân trái xong, tôi dùng nó làm chân trụ, và chuyển sang xoay cổ chân phải. Nhưng vừa mới bắt đầu thực hiện ý định ấy thì người tôi chao đi, miệng tôi kêu lớn tiếng “Chúa ơi!”, “Chúa ơi!” theo phản xạ trong khi đầu tôi hoàn toàn vô thức. Lúc đã nhận ra mình đang rơi xuống cầu thang, tôi quơ tay với hy vọng bám được vào vật gì chăng, nhưng không có. Cho đến khi tôi dừng lại được, cũng là lúc tôi bám được tay vịn của thang bộ, và tôi biết mình đang dừng lại tại vị trí chiếu nghỉ của nó. Tôi định nhờ ai đó tìm giầy cho tôi. Té ra giầy vẫn còn nguyên ở chân, vì lúc ấy tôi đã đứng lên được và đã cảm nhận được đế giầy đang chạm trên nền gạch.
Cũng lúc ấy, hai tình nguyện viên đã chạy xuống đến bên tôi, họ giúp đưa tôi đi trở lên phía thang máy. Các bạn suýt soa hỏi thăm tôi, có người trách tôi sao lại đi lung tung làm gì cho khổ. Tôi giải thích với họ, tôi chẳng đi lung tung đâu cả, tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ, chỉ vì tôi không hề biết mình đang đứng sát mí của thang bộ. Đây hoàn toàn do sự thiếu kinh nghiệm của các tình nguyện viên, đã không cảnh báo cho người mù biết rằng bên cạnh chúng tôi có một cái cầu thang, để mà đề phòng. Có lẽ tôi là người đứng ngoài cùng của nhóm, cho nên tôi đã vô tình ở vào vị trí nguy hiểm nhất. Nhưng tôi không trách các tình nguyện viên, vì biết rằng đây là lần đầu tiên họ tham gia việc hỗ trợ người mù. Tôi chỉ nhắc đi nhắc lại một câu nói mà tôi không thể không nói trong giây phút ấy: Chúa đã thương cứu tôi. Rồi tôi nói tiếp:
– “Chúa thương, chứ không thì, hôm nay Thủy tưởng mình cầm chắc cái chết! Không chết thì cũng gẫy cột sống rồi!”
Nói tới đây, tôi chợt nghĩ, thật là một phép lạ. Mọi khi ở nhà, dù chỉ vấp ngã trên nền nhà, cũng đủ khiến tôi bò lê bò càng, phải nhờ người trợ giúp mới đứng lên được. Ờ nhỉ, bấy giờ tôi mới nhớ ra, và thắc mắc tại sao té nặng mà mình lại có thể đứng dậy đi lại ngon lành đến thế! Nói thêm để các bạn biết, phần cơ và xương của chân tôi rất yếu, bởi bệnh tiểu đường lâu năm đã gây ra và cũng do một biến chứng nguy hiểm khác nữa của bệnh tiểu đường, đó là chứng tắc nghẽn các mạch máu ở chân. Những biến chứng này đã khiến tôi đi đứng có phần khó khăn, và mỗi lần ngã thì rất đau đớn, cơ bắp ở chân tôi không thể tự bật để đứng lên được như những người bình thường. Thế mà tôi đã tự một mình đứng lên và bước đi một cách nhẹ nhõm sau cú ngã kinh hoàng đó. Không phải phép lạ thì còn gì nữa! Nhưng thực sự lúc đó tôi cũng chưa nghĩ được gì nhiều, đầu óc tôi vẫn còn lơ mơ lắm, tôi chỉ biết nói: “Thật là Chúa thương!” cho dẫu những người chung quanh tôi có tin hay không. Khi cả nhóm đã vào trong thang máy, mấy người xúm lại hỏi han xem xét những vết thương trên cánh tay tôi, một người trong số đó nói:
– “Chị thật là may mắn, té như vậy mà chỉ trầy xước sơ sơ, nghe chị té tôi hoảng quá!” Tôi lại có dịp khẳng định một lần nữa:
“Chúa thương, chứ hôm nay Thủy cầm chắc cái chết rồi, bạn ạ!”
Trên đường trở về nhà, tôi mới hoàn hồn, và thầm nghĩ, mình sẽ viết gì đó về chuyện này. Chợt trong đầu tôi lóe lên một tia sáng, chẳng lẽ là phép lạ của Mẹ Tà-pao? Thú thật, cách đây độ hơn một tuần, tôi đã nói với Ánh, một người bạn thân của tôi, rằng: “Đức Mẹ ở ngay đây, chị còn lười biếng cầu nguyện nữa là đi đâu!” Chuyện là, hôm ấy Ánh hỏi tôi: “Mấy anh chị gia đình Alleluia rủ em và chị đi viếng Mẹ Tà-pao, chị đi không?” Tôi đã bảo với Ánh là tôi không đi vì sợ say xe, sức khỏe không tốt, và cũng vì lý do lười biếng mà tôi vừa nêu trên. Chuyện tôi đi học ở Học viện tin học tôi cũng chỉ vừa mới biết và nhận lời mời đi thi cách đây có 4 ngày. Đúng là hôm nay Mẹ đã chứng tỏ quyền năng của Mẹ, mặc dầu ban nãy tôi chưa hề cầu cứu với Mẹ. Trong lòng tôi nghĩ thế, và tôi biết nói ra nhiều người sẽ cười tôi. Nhưng tôi khẳng định rằng khắp châu thân tôi lúc ấy có một cảm giác rõ ràng đang được xoa dịu. Cái đau đang rần rần ở dọc theo sống lưng và sự đau xót ở các vết trầy xước không làm tôi khó chịu cho lắm. Lúc ấy tôi mới nhận ra trên người mình còn nhiều vết trầy xước khác, có cả những chỗ bị sưng u bầm tím nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng mình quá là may mắn, đã thoát khỏi hiểm nguy. Tôi tự hỏi lòng mình nhiều lần, phải chăng Mẹ Tà-pao cứu tôi? Và tôi nhận ra mình đang mỉm cười với ý nghĩ rằng tôi chưa làm thơ tặng Đức Mẹ, Đức Mẹ đã tặng quà cho tôi. Tôi vừa về tới nhà, chuông điện thoại của tôi đã réo vang. Thì ra đó là cú điện thoại Ánh gọi về cho tôi từ Tà-pao.
Ánh hỏi thăm tôi chiều nay đi học thế nào. Tôi kể cho Ánh nghe về việc tôi bị té cầu thang, và nhờ Ánh chuyển lời tới những người bạn của tôi đang có mặt ở Tà-pao, xin họ cầu nguyện và cùng tôi tạ ơn Mẹ đã cứu tôi. Ánh nói:
– “Lễ xong, em ra đứng trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện. Em xin Đức Mẹ ban cho tất cả những người thân quen của mình được mọi sự lành, xin Mẹ ban cho chị được khỏe mạnh và bình an. Em cầu nguyện không nhiều, chỉ độ một vài phút thôi!”.
Tôi chợt hỏi:
– “Ánh có nhớ lúc Ánh cầu nguyện là khoảng mấy giờ không?”
– “Khi lễ xong, em xem đồng hồ là 4 giờ 35 phút, em bước ra đứng trước tượng đài Đức Mẹ cầu nguyện riêng một mình. Có chuyện gì không chị?”
Nhớ lại khi nghe thông báo buổi học kết thúc, tôi theo thói quen nghe đồng hồ lúc đó là 4 giờ 24phút. Người thư ký đến bên tôi, yêu cầu tôi ký tên để lãnh tiền xe, sau đó anh ta dẫn tôi ra cửa, mấy người bạn chùng chình nói chuyện phía trước, cản trở tôi mất độ vài phút, rồi chúng tôi còn phải đợi hai lượt thang máy từ lầu 6 đi lên đi xuống. Nhẩm tính lại, thời điểm mà tôi bị té rất trùng khớp với thời điểm Ánh đang cầu nguyện với Mẹ tại núi Tà-pao. Tôi kể cho Ánh nghe về điều đó, rồi hỏi:
– “Ánh có tin là nhờ lời cầu nguyện của Ánh mà Đức Mẹ đã cứu chị thoát khỏi một tai nạn khủng khiếp như vậy không?”
Đầu dây bên kia im lặng một lúc, rồi tôi nghe Ánh xác nhận:
– “Em tin! Em tin là Đức Mẹ đã cứu chị!”
Tôi nói với Ánh:
– “Chị còn nghĩ đến một điều sâu xa hơn nữa! Đức Mẹ cứu chị chỉ là chuyện nhỏ. Chủ yếu là Ánh đã tin vào quyền năng của Đức Mẹ. Việc tai nạn xảy ra cho chị hôm nay và Mẹ đã cứu chị bởi lời cầu xin của Ánh, phép lạ này là Đức Mẹ đã ban cho Ánh. Còn đối với chị, đây chính là quà sinh nhật của Mẹ tặng cho chị.”
Phải, đối với tôi, đây thực sự là một món quà vô giá, vì Mẹ đã nhậm lời nguyện cầu của bạn tôi, một người ngoại đạo, người đã song hành với tôi trong rất nhiều chuyến đi suốt mười mấy năm qua. Ánh kể cho tôi nghe về tâm trạng của Ánh trong những phút trên núi Tà-pao:
– “Bắt đầu buổi lễ cho tới giữa chừng, trời có mưa bay nhè nhẹ. Rồi gió thổi mạnh, lá cây rụng lao xao, một nhánh cây gẫy rơi xuống, đập vào mí mắt em như báo hiệu một điều gì. Trong khi đó, mọi người vẫn nghiêm trang hướng về phía bàn thờ. Một sự bình an bao trùm không gian. Cho tới khi tất cả đã xuống núi một cách an toàn, lúc đó thì mưa trở lại lớn!”
Dường như còn xúc động, người bạn chí thân của tôi nói:
– “Em cũng không ngờ mình lại có thể cõng anh Ba Ơn lên đến tận đài Đức Mẹ. Nghe nói gần bốn trăm bậc thang thì phải. Mặc dù cha Chí có thay phiên cho em hai lần, lúc em nghỉ mệt, nhưng có lẽ nhờ Đức Mẹ ban sức mạnh mới được như vậy!”
Vâng, Tôi tin chắc chắn như vậy. Bởi vì chính tôi đã rất lo ngại cho sức khỏe của bạn tôi, Một người mắt đã mờ, lại còn bệnh tim mạch, làm sao có đủ sức khỏe để cõng một người nặng 40kg lên gần 400 bậc thang, nếu không có sự phù giúp của Mẹ?
Hai chị em nói chuyện qua điện thoại xong, tôi cảm thấy sự choáng váng trong đầu tôi dường như biến mất. Chỉ còn lại trong tôi một niềm vui dâng trào, vì món quà sinh nhật của Mẹ Maria vừa mới ban tặng cho tôi.
5/9/2014
Vũ Thủy