Theo lịch phụng vụ, chúng ta đang tiến dần đến tuần lễ cuối cùng của mùa vọng. Như vậy, lễ Giáng Sinh gần kề. Giáng Sinh gần kề, sự kiện này đã được báo điện tử VOA Tiếng Việt mô tả trong một bản tin đăng tải trên internet, như sau: “Cơn sốt Giáng Sinh đã bắt đầu. Từ những màn trình diễn ánh sáng huyền bí, các chợ Giáng Sinh sôi động, cho đến những ông già Noel làm bằng Lego – cả thế giới đang hòa mình vào không khí lễ hội. Ông già Noel đã ghé thăm Vườn Tivoli, một trong những công viên giải trí lâu đời nhất thế giới ở Đan Mạch, để chính thức khai mạc mùa Giáng Sinh…”
Đúng, cả thế giới đang chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Nhiều người lên kế hoạch cho bữa tiệc réveillon. Nhiều người đang quay cuồng với việc mua sắm. Vui, nói chung là niềm vui đang phủ trùm lên khắp mọi nhà. Những điều đó, không có gì lạ, vì đó là thú vui cố hữu của người đời.
Đối với người Công Giáo, thì sao! Thưa, vui thì cũng có vui, đấy! Tuy nhiên, không như người đời, họ chỉ vui với những niềm vui chóng qua, còn người Công Giáo, có vui cũng là “vui luôn trong niềm vui của Chúa.”
**
Hơn hai ngàn năm xa trước đó, người Do Thái đã cảm nghiệm được niềm vui này. Tại sông Gio-đan, họ đã gặp được một người tên là Gio-an. Ông Gio-an đã đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).
Sự kiện này khiến người Do Thái vui mừng tột độ. Họ đã hòa mình vào niềm vui đó bằng sự sám hối chân thành. Thánh sử Luca cho biết, có rất nhiều người: “lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa.”
Nhìn dòng người thập phương lũ lượt kéo đến, ông Gio-an không khỏi không kinh ngạc vì thấy có quá nhiều thành phần trong xã hội. Và, ông đã nghĩ rằng, có một ai đó trong nhóm người này chưa thật tâm. Do vậy, ông lớn tiếng nói: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” Nói xong, ông đưa ra một lời cảnh báo, lời cảnh báo, rằng: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.
Lời cảnh báo của ông đã dứt dấy tâm hồn những người đến với ông. Họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông Gio-an Tẩy Giả trả lời rằng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.
Trong nhóm người kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa, thánh sử Luca cho biết: “Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa.”
Vâng, họ không thể an tâm khi ông Gio-an nói rõ ràng, rằng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Do vậy, họ đã hỏi ông Gio-an: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Ông Gio-an bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”.
Binh lính, mấy người binh lính cũng bị tác động, họ đã hỏi, như những người thu thuế đã hỏi: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Ông Gio-an có lời khuyên: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
Nghe những lời khuyên bảo kèm với những cảnh báo của ông Gio-an, nhiều người tự hỏi: “biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!”
Để xua tan mối bận tâm của họ, ông Gio-an giải thích rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.
Cuối cùng, ông Gio-an: “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.
***
Thánh sử Luca không trực tiếp nói cho chúng ta biết nhiều-điều-khác-nữa mà ông Gio-an đã khuyên dân chúng, là những điều gì! Tuy nhiên, một cách gián tiếp, ngài Luca đã cho chúng ta nghe lại những lời đã được chép trong sách ngôn sứ I-sai-a, được cho là nói về ông Gio-an, về những gì mà ông đã khuyên nhủ dân chúng trong hoang địa.
Những lời được chép trong sách ngôn sứ I-sai-a như sau: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 4-6).
Nhắc đến lời khuyên nhủ này để làm gì? Thưa, để chúng ta nhận thức được rằng, niềm vui Giáng Sinh không hệ tại ở việc du lịch, mua sắm, tiệc tùng, dancing v.v… là những thú vui thói đời chóng qua, nhưng là hồng phúc “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải là niềm vui Giáng Sinh của chúng ta. Bởi vì, khi vui Giáng Sinh với niềm vui này, đó là chúng ta “vui luôn trong niềm vui của Chúa.”
Xưa, chính thánh Phao-lô đã khuyến khích những người tín hữu Phi-líp-phê, như thế đấy! Ngài Phao-lô đã nói rằng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.” (Pl 4, 4-5).
Sống “hiền hòa rộng rãi” chẳng phải là làm theo những gì ông Gio-an đã khuyên bảo, sao! Và, lời nhắc nhở “Chúa đã đến gần” có gì sai, khi chúng ta cũng đang mong chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết!
Nếu niềm vui Giáng Sinh của chúng ta là một niềm vui vui-luôn-trong-niềm-vui-của-
Có Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta không thể không chạnh lòng thương xót trước những kẻ thiếu ăn, thiếu mặc. Có Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ không ngần ngại cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc. Nói theo cách nói của ông Gio-an, đó là: chúng ta “sẽ chia cho người không có” những gì mình có dư thừa.
Có Chúa trong tâm hồn mình, lẽ nào chúng ta lại hà hiếp những kẻ thân cô thế cô! Có Chúa trong tâm hồn mình, lẽ nào chúng ta lại giở trò tống tiền với những kẻ sa cơ thất thế!
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng, niềm-vui-của-Chúa, chính là một thứ chất dinh dưỡng tuyệt hảo, giúp kích thích những loài hoa: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, là những loài hoa đang được vun trồng nơi vườn hoa tâm hồn của chúng ta, phát triển và nở rộ.
Được như thế, nói không sợ sai, đó là chúng ta đã “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối.”
****
Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Do vậy, hôm nay, sau khi nghe những lời khuyên bảo của ông Gio-an, chúng ta không thể không thi hành. Không thi hành, nói cách khác, không-sinh-hoa-kết-quả, chúng ta chỉ là “hạt giống lép”. Mà đã là giống lép, ông Gio-an nói rồi, Đấng, mạnh-thế-hơn-tôi: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn (giống) lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (x.Lc 3,17).
Thưa quý bạn, chắc hẳn quý bạn và tôi, không ai trong chúng ta muốn mình là “hạt giống lép”! Không muốn là hạt giống lép! Vậy thì, hãy vui Giáng Sinh trong-niềm-vui-của-Chúa.
Bởi vì, như đã nói ở trên, trong niềm vui của Chúa, chúng ta có Chúa. Có Chúa, chúng ta có được sức mạnh Thánh Thần, hầu có thể thực thi những lời khuyên bảo của ông Gio-an.
Cuối cùng, khi có Chúa, thay vì hỏi: Tôi phải làm gì đây? Chúng ta sẽ mạnh mẽ lớn tiếng nói, nói rõ ràng, rằng: Tôi biết, tôi phải làm gì.
Petrus.tran