Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !’ Người quản gia liền nghĩ bụng : ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !’ “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ Rồi anh ta hỏi người khác : ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp : ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo : ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’ “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”
Gợi ý suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương, để trình bày bài học phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời.
Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này.
Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm.
Cũng như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông.
Qua đó, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khỏe, thời gian, tiền của… mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý: Đức Giêsu không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.
Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Đức Giêsu đã rất khéo lấy hình ảnh người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình, nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Đức Giêsu dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.
Kho tàng Nước trời của mỗi người chúng ta tuỳ thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì kho tàng Nước trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là kho tàng Nước trời của chúng ta tăng gấp bội! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa! Mọi khả năng, sức khoẻ, thời giờ, địa vị… tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.
Qua câu chuyện trên đây, Đức Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khoé, thì các môn đệ cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Kitô hữu ? Nếu mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không?
Với người môn đệ Chúa Kitô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ qua thái độ của họ đối với của cải trần thế.
Họ là những người khôn ngoan thực sự, khi họ luôn ý thức rằng: của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để đạt tới cùng đích.
Sống như thế nào để của cải trần thế không trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ.
Sống như thế nào để xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, các trang Tin Mừng thường nhắc đến tính khẩn cấp và bất ngờ của việc Chúa tái xuất hiện. Chúa sẽ đến với từng người trong các biến cố cuộc sống, nhưng nhất là Chúa sẽ đến trong giờ phút kết thúc cuộc đời tại thế.
Vâng, lạy Chúa, con sẽ phải tính sổ cuộc đời mình. Đó là việc khẩn cấp, vì con không thể biết chắc chắn, con sẽ giã từ cuộc đời vào lúc nào. Vì khẩn cấp, con phải điều chỉnh ngay thái độ sống của con đối với Chúa và đối với anh em. Vì khẩn cấp, con cần thực hiện ngay những lời Chúa dạy và thực hành ngay những điều được học biết về giáo lý của Chúa.
Vì khẩn cấp, con cần sử dụng thời gian cách hữu ích và lợi dụng từng cơ hội, từng biến cố để biến thành những cơ may gặp Chúa, gặp anh em, và để làm việc thiện chuẩn bị cho tương lai vĩnh cửu.
Lạy Chúa, hành trình về vĩnh cửu là lối đường con phải đi một mình, và những ngày chuẩn bị cũng không ai thay thế con được. Con chỉ biết cậy dựa nơi Chúa, và tìm thấy sức mạnh nơi sự trợ giúp của Chúa mà thôi. Cuộc hành trình về vĩnh cửu đã bắt đầu. Từng ngày con sống là từng phút giây hướng về Chúa. Từng ngày qua đi là từng bước con rút ngắn khoảng cách tiến về đời sống vĩnh cửu. Xin Chúa giúp con luôn đặt mình trước mặt Chúa, sống vì Chúa và cho Chúa. Amen.