Vai trò người chồng (1/2)

 

Vai trò người chồng

 

Vai trò người chồng (1/2)Lẽ thường, người ta sinh ra, lớn lên, đến tuổi trưởng thành khó ai thoát được “Lưới Tình” :

Đã mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình lại buộc mình vào trong.

Yêu nhau dẫn đến việc lập gia đình là chuyện tự nhiên (normal)

  • Không lấy vợ ư ?

Người ta chồng trước vợ sau,

Anh kia không vợ như cau không buồng.

  • Chẳng lấy chồng chăng? ? ?

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi,

Không chồng buồn lắm chị em ơi!

  • Góa bụa, mồ côi, cũng than trách!

Người ta như đũa có đôi,

Tôi nay đi biển mồ côi một mình!

            Và cuộc sống lứa đôi phải hiểu là một thời gian lâu dài, cần sinh con đẻ cái, rồi giáo dục con nên người hữu ích cho đời :

Sinh con mới ra thân người,

Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Các bạn thân mến,

            Các bạn sẽ lập gia đình, và mong muốn có tổ ấm hạnh phúc, một số vấn nạn được đặt ra : Lấy vợ lấy chồng dễ hay khó ? Khó khăn và thử thách là do đâu ? ? Những đam mê nào nên tránh xa ? Nền tảng đạo đức nào là ắt có và đủ để tổ uyên ương được xây đắp tốt. Cụ thể là người chồng phải làm gì để hạnh phúc lứa đôi bền lâu ?

  1. Lấy vợ chồng dễ hay khó ?

            Muốn làm một người chồng thật đơn giản vì : lấy nhau là bản năng sinh tồn của mọi loài trên trái đất từ xưa và chỉ cần hai người đưa nhau lên tòa thị chính làm giá thú, hợp thức hóa trước luật pháp “Hôn nhân”.

            Nhưng tại sao có “những cặp nam nữ”, sau một thời gian chung sống lại xảy ra lục đục, cãi cọ, thậm chí đánh lộn, rồi có ngày bão tố lớn nổi dậy, vợ chồng đành não lòng nấc lên bản biệt ly :

Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!!

            Lại nữa, trong cuộc sống thường nhật, các bạn còn gặp thấy nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc đầy tràn, con cái đông ngoan, cùng tổ chức mừng 25 năm, 50 năm cưới nhau.

            Qua 3 cái nhìn trên, chúng ta thấy có thể tạo dựng được một tổ ấm hạnh phúc bền chặt vì gia đình được đặt nền móng trên ba trụ cột vững chắc “như kiềng ba chân” là :

            Nền luân lý cổ truyền khổng mạnh Á đông : theo đó, người con gái phải trau dồi Công Dung Ngôn Hạnh, chàng trai cần học lấy các đức tính Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, và cả hai phải biết hòa mình vào xã hội theo định chế Tam Cương – Tam Tòng!

            Hai là được đảm bảo bởi dân luật Pháp quốc “một vợ một chồng”. Nhất là được tôn giáo bảo vệ theo “Hôn nhân Công giáo với đặc tính một vợ một chồng không thể phân ly” (Le sacrement).

            Nhưng hạnh phúc gia đình có thể bị lung lay đổ vỡ bởi một trong những đam mê sau : (đổ một trong bốn vách của một căn nhà y tứ đổ tường) là nhà sập.

            Đam mê cờ bạc sẽ làm tan cửa nát nhà. Vì “Tiền bạc đen đỏ” này nếu kiếm được (ăn bạc) là của phù vân, tiêu xài phung phí, không là mồ hôi nước mắt nên không xót xa. Ngược lại khi bị thua bạc là phải gỡ gạc, nhưng cái vòng lẩn quẩn ấy không bao giờ có lối thoát ra được mà còn lậm sâu vô :

Cờ bạc là bác thằng bần,

Cửa nhà bán hết chôn chân vào cùm.

            Đam mê trai gái, trai gái lén lút là xác thịt luôn chống đối với lẽ phải của thần trí, là cái “bùa mê” cái bả “rủ rê vào con đường xa gia đình”. Chả thế mà người ta thường nói đến chuyện “bỏ nhà theo trai”, hoặc dí dỏm nhắc “bồ cũ không rủ cũng lại”.

            Đam mê hút sách : thuốc lào, thuốc lá rồi xì ke ma túy để tìm cảm giác lâng lâng sảng khoái (phi – hallucinations). Lâu ngày thành nghiện ngập mà sự cai thuốc (Sevrage) thường đem đến cơn đau đớn, châm chích hành hạ thân xác, nhất là không chừa bỏ được :

            Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

            Hết chôn điếu xuống, lại đào điếu lên!

            Đam mê rượu chè : để quên đời, quên người, tìm sảng khoái đi mây về gió, uống rượu nhiều thì phải nói nhiều để thải bớt nồng độ rượu trong máu như một phản ứng sinh lý học tự nhiên – “rượu vào lời ra” không tự kiềm chế được, nói nhiều không kịp suy nghĩ thành ra nói bậy, gây mất lòng. Vấn đề cai rượu cũng cần một thiện chí lớn lao, một encadrement đặc biệt (milieu spécialisé) gây khổ cực thể xác, tinh thần, oái oăm thay!

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa,

Hay ưa nên nỗi không chừa được.

Chừa được nhưng mà vẫn chẳng chừa!

            Muốn cho tổ ấm gia đình khỏi đổ vỡ, ngoài việc tránh xa các đam mê XÁC THỊT, các bạn cần tìm hiểu, học hỏi và tạo cho mình một căn bản đạo đức, để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sau này (CBHN – GXVN khóa 9). Như một chất xúc tác cho phản ứng hóa học được thành tựu, như một động lực chủ yếu (đàn ông : phái mạnh) kéo con thuyền lênh đênh trên biển đời, người CHỒNG cũng đóng vai trò chủ động trong việc bảo toàn hạnh phúc lứa đôi bằng 3 điểm chính sau : VỢ CHỒNG.

            a. Cần phải biết dung hòa những khác biệt giữa nam nữ trong cuộc chung sống (cohabitation) để có hòa thuận.

            Vợ chồng là nghĩa tào khang

            Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.

            b. Phải biết yêu nhau bằng một tình yêu chân thành (Tình yêu chân thành)

            c. Và biến tình yêu ấy thành 4 hành động cụ thể (c’est l’acte qui compte) qua việc chăm sóc (prendre soin) – Chia sẻ (partager – communication) – Chịu đựng (supporter) – Thủy chung (fidélité).

  1. KHÁC BIỆT:

            Thật vậy, có nhiều khác biệt giữa nam nữ về thể xác, về sinh lý từ đó người nam và nữ cũng rất khác biệt về tính tình, cách suy luận và hành sự, nhất là về bản chất và tâm lý của nhau.

            Đàn ông khỏe mạnh hơn, sống bằng suy luận, thích lãnh đạo, chinh phục, ngược lại phái yếu (femme) sống bằng con tim, tình cảm, thích được yên ổn, được che chở hơn là “đứng mũi chịu sào” – Tính tình các ông nóng nảy, dễ thay đổi năng động, mấy bà thì thích sự hiền hòa, êm dịu, âm ỉ, nhưng nhẹ dạ. Trong tình yêu, các anh “yêu” kẻ yếu đuối, cần được che chở, có sắc đẹp (trai tài, gái sắc); đổi lại các chị mến phục kẻ hào hiệp, anh hùng tính. Tình cảm của phái nữ là kín đáo, chậm đến và chậm đi, còn phái nam thì dễ giận, mau nguôi, mau phai nhạt. Khác biệt nhất là trong đời sống công việc :

            Các bà sống vì tình cảm, chỉ biết một chuyện khi được yêu là được săn sóc và được chiều chuộng nhất.

            Các đấng nam nhi, ngoài việc yêu đương họ còn mải mê với 5 chuyện khác nữa là : danh vọng + sự nghiệp + tiền tài + giải trí + ước vọng!

            Vấn đề được đặt ra là vợ chồng phải tìm học hỏi biết kiên nhẫn chấp nhận khác biệt của nhau, để đi đến “hòa đồng” hợp nhất :

            “Mình với ta tuy hai mà một” – là một tình yêu (Amour fidèle) một cuộc sống, một hạnh phúc và một trách nhiệm.

Mà vẫn tôn trọng cái khác biệt của nhau (droit de différence). “Ta với mình tuy một mà hai”.

Câu chuyện 1 :

            Khác biệt nam nữ – Hai vợ chồng nọ được mời đi ăn đám cưới ở Chinagora lúc 19h30. Từ 17h chiều, chị vợ đã chễm chệ ngồi trước bàn đánh phấn, tô son, sơn móng tay, chải đầu tóc, rồi mặc thử, ngắm nghía và thay đổi nhiều bộ áo quần. Đức ông chồng thì ngồi chờ nhấp nhỏm, lâu lâu ngó đồng hồ đeo tay. Nóng ruột chờ đợi và quá bực dọc chịu hết nổi, bèn gắt um lên : “19h30 khai mạc, mà 20h chưa ra khỏi cửa, bôi gì mà bôi lắm thế!” Thế là “Bão nổi lên rồi”! bên tiếng sắt, bên tiếng chì, không ai nhịn ai! Kết quả là tới nhà hàng vừa trễ tiệc vừa mặt người nào người ấy hết còn tươi tỉnh mà méo xẹo như đưa đám!

            Trang điểm và làm đẹp là nghề của nàng

            “Là Hoa cho người ta hái

            Làm Gái cho người ta nhìn”.

            Nhưng bắt chồng đợi 4 tiếng đồng hồ dài đăng đẳng thì thật quá!

            Nóng nảy là tính tình của chàng, nhưng nên kiềm bớt lại, với cái thời gian tâm lý dài chờ chực ấy anh nên đọc sách hoặc xem tivi thì đỡ sốt ruột biết bao!

Câu chuyện 2 :

            Khác về địa vị xã hội – vì ham tiền.

            Anh Nam hiền như bụt, không có bằng cấp địa vị, nhưng biết làm ăn, là chủ tiệm, tiền vào hàng tháng nhiều hơn lương một kỹ sư chính ngạch, anh lấy được cô Hoa dược sĩ, nhìn thật đẹp đôi! Nhưng chỉ ít tháng sau đã thấy mỗi người một ngã! Chàng tự thấy mình thua kém vợ, không được trọng vọng thành ra mặc cảm sinh ra mặt cau mày có, hay kiếm chuyện “vợ nói ngay cũng bẻ ra queo”. Còn nàng thì thơm như múi mít, ăn mặc thời trang đi đâu cũng được kẻ đón người đưa, bạn bè tâng bốc, chị mặc cảm chồng mình ngu dốt và mình ham tiền.

            Ham giàu mà lấy đứa ngu,

            Của ăn thì hết đứa ngu còn hoài.

            Thêm vào đó, người chồng phải chân thành yêu mến vợ mình.


(còn tiếp)

Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Đĩnh, Paris

 

Để lại một bình luận