Ngày 04-07-2024, Thứ Năm Tuần XIII – Mùa Thường Niên

Ngày 04-07-2024, Thứ Năm Tuần XIII – Mùa Thường Niên
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi !” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng : “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói : “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? Trong hai điều : một là bảo : “Tội con được tha rồi”, hai là bảo : “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn ? Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà !” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

Gợi ý suy niệm

Thánh Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại. Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài chính là vị Thẩm phán tối cao sẽ nắm quyền xét xử nhân loại. Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Bất cứ ai tin vào Chúa đều được hưởng nhờ lòng nhân hậu và tình yêu của Người. Như anh bất toại hôm nay, cũng như những người đã khiêng anh, vì đã tin vào Chúa Giêsu, không những được Người chữa lành bệnh phần xác mà cả tâm hồn anh cũng được trong sạch. Điều đó cho chúng ta thấy, tin vào Chúa Giêsu làm cho con người được lành mạnh và biến đổi.

Qua câu chuyện Chúa chữa người bất toại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng có quyền tha tội:
– Quyền này thuộc về một mình Thiên Chúa, người đời không ai có quyền tha tội. Bởi thế khi Chúa Giêsu nói tha tội thì các luật sĩ bảo Ngài là phạm thượng.
– Muốn được tha tội thì điều kiện là phải có lòng tin: Thấy họ có đức tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi”.
– Không những đức tin là của cá nhân, nhưng cũng có đức tin tập thể như trong trường hợp này (của những người khiêng người bất toại): “Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói…”.
– Còn một điều đáng lưu ý nữa là Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh. Nghĩa là Ngài coi tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác.

Bệnh tật bởi đâu mà ra? Trong trường hợp người bất toại này, có lẽ đã có sự liên hệ giữa tội lỗi và bệnh tật của anh ta, nên trước khi làm phép lạ chữa bệnh cho anh, Chúa đã tuyên bố tha tội cho anh. Bởi vì người Do thái cho bệnh tật là do tội lỗi, là hình phạt của tội lỗi, thì nếu muốn khỏi bệnh, trước hết phải khỏi tội đã. Vậy Chúa tha tội cho người bất toại là Chúa cất căn cớ đi, thì bệnh tật là hình phạt cũng sẽ hết. Chúa Giêsu hành động như vậy là rất hợp lý.

Người Do thái tuy cũng nghĩ như thế và công nhận như thế, nhưng họ lại cho là Chúa nói phạm thượng. Theo họ, tội phạm đến Chúa, thì ngoài Chúa ra, không ai có quyền tha tội. Họ suy luận đúng, nhưng họ không công nhận Chúa có quyền tha tội, vì nếu công nhận như thế tức là công nhận Ngài là Thiên Chúa rồi. Bởi đó, đối với họ, không bao giờ có thể chấp nhận được.

Vì thế, để minh chứng cho biết Ngài có quyền tha tội, Chúa Giêsu đã chữa lành cho người bất toại. Như vậy, Chúa đã dùng việc làm để trả lời cho họ biết: Ngài đã làm cho người bất toại tức khắc khỏi bệnh, điều đó chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, mà nếu là Thiên Chúa, thì Ngài có quyền tha tội.

Qua bài Tin mừng hôm nay ta thấy một phép lạ xảy ra nhờ ảnh hưởng của tập thể. Một người bất toại được khiêng đến cho Chúa Giêsu. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng, hành vi của họ đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, tức lòng tin của những người khiêng người bất toại, Ngài đã chữa lành bệnh nhân.

Hình ảnh những người thân khiêng người bất toại đến với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin mừng nói rõ ràng, thấy lòng tin của “họ” như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi người bất toại đến với Chúa, chắc chắn anh chỉ muốn Chúa chữa lành thân xác, và chỉ một mục đích duy nhất ấy mà thôi. Nhưng đối với Chúa thì khác. Chúa nhìn thấy tâm hồn anh đáng quý hơn thân xác bội phần. Vì thế, trước hết Chúa đã nói với anh lời tha thứ. Chúa đã cứu chữa tâm hồn anh trước. Chúa ban lại cho anh sự sống cả trong tâm hồn lẫn nơi thân xác.

Vâng, Chúa ơi, con cũng cần Chúa ban ơn tha thứ, vì con đã coi rẻ tâm hồn mình. Con dùng thật nhiều thời giờ cho công việc làm ăn, nhưng lại tiếc với Chúa ít phút cầu nguyện. Con tiêu nhiều tiền bạc trong cuộc vui giải trí, mà không biết sử dụng tiền bạc để làm phúc hoặc giúp việc công ích. Con miệt mài học hành trau dồi kiến thức, nhưng lại so đo tính toán hơn thiệt khi cần bồi dưỡng đời sống tâm linh. Xin Chúa tha thứ và cho con biết quý trọng linh hồn mà Chúa đã cứu chuộc bằng giá máu của Chúa.

Lạy Chúa, người bất toại đã nhiều năm tháng yên ổn trên giường. Nhưng khi được Chúa chữa lành, chính chiếc giường ấy lại đè nặng vai anh trên đường về nhà. Mặc dù thế, anh vẫn hân hoan vì đã được tha thứ và được chữa lành. Lạy Chúa, khi chữa lành linh hồn con, Chúa cũng muốn con chấp nhận những hy sinh nào đó để con được lớn lên, được Chúa giải thoát. Xin Chúa thương giúp con. Amen.