Tôi rất sợ bóng tối. Dù là bóng tối ở ngoài đường hay trong chính ngôi nhà của mình. Vì trong bóng tối thường… có ma. Tôi nghĩ vậy. Nhớ lúc nhỏ, mỗi khi được mẹ (bị thì đúng hơn với tôi) sai xuống bếp lấy gì đó, là tôi liền với tay lấy cây đèn dầu, bước những bước thật nhanh men theo hàng kiệu đựng nước mưa được xếp một dọc ngay ngắn dưới bếp, vừa đi tôi vừa …nín thở. Tại sao hả? Vì tôi tin nếu có ma, thì khi tôi nín thở, con ma sẽ không phát hiện ra tôi là người, (người thì phải thở). Kết quả đúng như tôi dự đoán: nhờ nín thở, cuộc đời tôi chưa từng thấy con ma nào! Chỉ có lần đó đang đi nửa đường thì cây đèn dầu trên tay tôi bỗng tắt ngụm vì con bồ hong bay vô. Vậy là tôi vừa la làng vừa cong giò chạy thật nhanh như một cơn lốc lên nhà trên. Tay tôi cũng nhanh như chân vậy, làm liên hồi mấy lần dấu thánh giá luôn cho chắc ăn. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác những bước chân ai đó cũng đang vội vã chạy theo sau lưng mình. Tôi nổi hết da gà, mãi cho đến khi nghe tiếng mẹ, tôi mới hết sợ.
Giờ lớn rồi, là ma xơ rồi, tôi không sợ bóng tối nữa. Đi tới đâu tôi bật đèn sáng lên tới đó, nhưng sợ ma thì chưa bỏ được. Mỗi lần tập hát ca đoàn xong, dọn dẹp máy chiếu, đóng cửa và tắt đèn nhà thờ là tôi nhắc mấy đứa nhỏ:
– Tụi con đợi Út với nha!
– Bộ Dì Út sợ ma hả?
– Không hề nha! Út sợ tụi con chạy ra trước, rồi giỡn um xùm Ông Cố la! (khúc này đổ thừa Cha Sở nè)
– Phải hong đó Út? Chứ tụi con nghe đồn Út sợ ma!
– Ai đồn bậy bạ. Thôi tối rồi, tụi con về nhà đi!
– Dạ. Con chào Út!
Tụi nhỏ ra về, tôi cũng nhanh nhanh chân về phòng. Nhớ những ánh mắt hồ nghi của tụi nhỏ khi nghe tôi quả quyết là không sợ ma mà tức á. Ở trong nhà thờ mà cũng sợ ma là sao! Nhưng nghĩ lại, tụi nhỏ nói đúng mà. Sợ thì nhận, chứ chối làm chi cho bị phát hiện rồi… quê. Mà tôi quê thật.
Đúng, tôi sợ ma. Dù tôi chưa thấy ma bao giờ! Tôi đã từng bị hù “ê, ma đó!” và đã từng hốt hoảng, sợ hãi, y như các môn đệ khi thấy một hiện tượng bất thường: một người đi trên mặt hồ đang tiến về phía các ông! (x. Mt 14,26). Cũng vậy, khi Chúa hiện ra và ban bình an cho các môn đệ sau khi Phục Sinh từ cõi chết, các ông đã rất sợ hãi. Gặp lại người chết khi mình còn đang sống thì thật không phải chuyện bình thường, và dễ chấp nhận. Thánh Luca diễn tả thái độ của các môn đệ lúc đó là: các ông kinh hồn bạt vía! (x. Lc 24,36-40).
Vậy nên việc sợ ma là một việc xảy ra cũng khá phổ biến với nhiều người, trong đó có bạn, có tôi… dù chúng ta vẫn tin Chúa, và tin vào sự bảo vệ của Người. Tại sao vậy? Theo tôi, chúng ta có thể xét theo hai phương diện: tự nhiên và siêu nhiên.
Phương diện tự nhiên
Thứ nhất, con người thường có khuynh hướng sợ bóng tối. Chúng ta không an tâm khi mắt không thể nhìn thấy những gì xung quanh mình. Điều này sẽ làm cho chúng ta có cảm giác không an toàn. Giả sử kẻ thù, hay những tên cướp đang rình rập phía trước hay bên cạnh, chúng ta khó mà nhận ra và thoát được. Và ma thường xuất hiện trong bóng tối, khi đêm về. Cảm giác khi đi ngang qua những ngôi mộ mọc giữa ruộng vào ban ngày rất khác so với lúc màn đêm buông xuống. Nghĩ tới thôi là tôi đã muốn nín thở co chân chạy rồi.
Thứ hai, những ám ảnh tuổi thơ do bị hù dọa. Xét về mặt tâm lý, những người thường có cảm giác ai đó đi theo mình khi đi một mình, hoặc sợ ma, sợ bóng tối… là do nỗi ám ảnh tuổi thơ “bị hù dọa” bởi người lớn. Tôi đã từng chứng kiến cách người lớn xóm tôi dạy con:
– Con không được xuống sông chơi nghe chưa, dưới sông có con ma da nó hay kéo chân con nít lắm!
– Con phải ngoan, phải nghe lời biết chưa? Nếu không, chú công an tới bắt đó!
– Nhắm mắt lại ngủ nhanh lên, con rắn khổng lồ nó đang nằm trong góc, nó bò ra ăn thịt bây giờ!…
Và cứ như vậy, những đứa trẻ lớn lên trong một thế giới đầy những nguy hiểm, và không mấy thân thiện. Nếu chúng không vâng lời hoặc chưa đủ tốt, thì sẽ phải đối mặt với những rủi ro: bị kéo chân, bị bắt, bị ăn thịt… bởi một năng lực siêu nhiên nào đó, chẳng hạn như ma, quái vật trong bóng tối. Những đứa trẻ đã lớn về mặt thể xác nhưng lại có thái độ ngoan ngoãn trong sợ hãi, thiếu tự tin để bước một mình, và thường rụt rè, lo lắng khi phải đến những nơi xa lạ, vắng vẻ. Tệ hơn nữa, nếu những “hù dọa” này kéo dài thì có thể dẫn đến hội chứng sợ ma (phasmophobia), suy nhược thần kinh, và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sức khỏe, và tâm lý của những ai luôn mang trong mình nỗi sợ này. Có khi nào chúng ta là một trong những đứa trẻ chưa vượt qua nỗi ám ảnh tuổi thơ đó?
Thứ ba, tiếp xúc nghiên cứu về ma quỷ, đọc truyện ma, xem phim kinh dị. Có câu nói như sau: “Chúng ta là những gì chúng ta đọc”. Câu nói này khiến tôi suy nghĩ về ảnh hưởng của những gì chúng ta đưa vào trí não và các giác quan của mình. Hằng ngày nghe những âm thanh rùng rợn, xem thấy những nhân vật kinh dị, và đọc những câu chuyện ma quái… thì thử hỏi sao tâm trí chúng ta không bị tác động. Xu hướng sợ hãi cũng sẽ từ đó mà phát sinh và lớn lên trong lo lắng, bất an. Trí tưởng tượng cũng góp phần nối kết giữa thực tế và phim ảnh để rồi tạo nên những nỗi ám ảnh trong cuộc sống hằng ngày.
Phương diện siêu nhiên
Chúa Giêsu đã nói gì trước thái độ sợ ma của chúng ta? Có chứ! Chúa đã nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,36-39). Câu nói của Chúa vừa như lời trách hờn, vừa như lời trấn an dành cho các môn đệ Ngài yêu thương gắn bó suốt 3-4 năm trời.
Sao còn ngờ vực? Sao vẫn chưa tin vào những lời Chúa dạy? Đúng vậy, nguyên nhân sâu xa là sự kém tin vào Chúa khi lo lắng sợ hãi. Những lúc đó, nỗi sợ chiếm lĩnh và bao phủ toàn bộ giác quan của chúng ta. Chúng như những cơn gió mạnh thu hút toàn bộ tầm nhìn của chúng ta, làm đức tin vốn dĩ yếu ớt của chúng ta bị chao đảo, thậm chí chìm nghỉm. Và như hoàn cảnh của Thánh Phêrô, chỉ khi chúng ta hướng về Chúa trọn vẹn và mở miệng kêu xin: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Chính lúc ấy, chúng ta hoàn toàn phó thác vào Chúa và nỗi sợ hãi cũng tan biến nhanh như bọt biển.
Bạn thân mến!
Chúa nhìn thấu tâm tư con người chúng ta. Chúa biết lòng tin của chúng ta rất nhỏ bé, rất yếu kém, nên Chúa luôn trấn an và củng cố cho đức tin ấy bằng những di sản để lại muôn đời: đó chính là LỜI CHÚA và MÌNH MÁU THÁNH CHÚA. Chính tại nơi hai nguồn mạch ân sủng này mà chúng ta trở nên mạnh mẽ để vượt qua những nỗi sợ trong cuộc đời. Nhất là, để chúng ta tin chắc rằng: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Hãy cùng nhau vượt qua nỗi sợ với Chúa mỗi ngày. Hãy tập gắn bó với Ngài trong cầu nguyện, suy gẫm, giữ mình sạch tội. Đó chính là nơi bạn và tôi tiếp nhận ánh sáng từ nguồn sáng chân thật là Đức Giêsu. Ngài đã dùng ánh sáng phục sinh mà đẩy lui bóng tối của tội lỗi và sự dữ. Và điều cần thiết hơn nữa, đó là chúng ta hãy cùng nhau tập những thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh nghe, đọc, hay xem quá nhiều những điều có khả năng gia tăng nỗi sợ và lo lắng.
Mến chúc bạn sẽ tìm thấy bình an trên mỗi bước đường!
Maria Antôn Quỳnh Thoại, CĐM
Trích Giải đáo thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, 03/2023