Hãy làm việc này, để nhớ đến Chúa…

Hãy làm việc này, để nhớ đến Chúa…

Như chúng ta được biết,  trước khi Đức Giê-su được rước lên trời, Ngài đã ban một lệnh truyền cho các môn đệ, lệnh truyền rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (x.Mt 28, 18-20).

Vâng, Đức Giê-su đã về trời. Và, đúng như lời hứa, Ngài đã “ở cùng” với các thánh tông đồ, với toàn thể Giáo Hội và cách riêng là với mỗi chúng ta, suốt hơn hai ngàn năm qua,  dưới nhiều hình thức.

Hình thức “ở cùng” của Ngài không còn là hình thức “một Giê-su con bác thợ, sống tại làng Nazareth”,  nhưng là một Giê-su “ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy (chúng ta), hằng nghe lời (chúng ta) cầu nguyện.”

Hình thức “ở cùng” của Đức Giê-su còn được biết đến trong “Bí Tích Thánh Thể”, dưới hình bánh và rượu. Giáo  lý  Công  Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là việc Chúa Giêsu ban mình cho chúng ta qua hy tế thập giá dưới hình bánh rượu để trở thành lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng con người.” (giáo lý dự tòng – bài 15)

Đức Giê-su chính là người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã chọn lễ Vượt Qua để thực hiện điều mình đã loan báo trước đó tại Ca-phác-na-um, rằng: “Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).  

Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 14, 12-16. 22-26)

** 

Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, thì hôm ấy là: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua…”

Tưởng chúng ta cũng nên biết, “Lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải (tiếng Hebrew: פֶּסַח Pesaḥ) là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Chiều ngày 14 tháng Ni-san (khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua theo gia đình hay theo nhóm mà không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà.

Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng, ngoài ra, họ cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỉ niệm bốn lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái: “Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập. Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng. Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi. Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (nguồn: Wikipedia)

Vâng, Lễ Vượt Qua quan trọng… quan trọng lắm! Thế nên, hôm ấy các môn đệ đã bối rối về việc tìm đâu ra “mặt bằng” để tổ chức bữa tiệc. Có rất nhiều việc phải làm trong ngày đó. Nào là phải có một nơi thích hợp để giết chiên, rồi chuẩn bị bánh không men, và sắm các đồ dùng cho bữa tiệc. Do vậy, các ông đã hỏi Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14, 12)

Hôm ấy, Đức Giê-su, sau khi nghe các môn đệ trình bày, Ngài đã sai “hai môn đệ đi” và dặn họ làm theo sự chỉ dẫn của mình.

Đầu tiên là “đi vào thành”. Kế đến là “sẽ có một người mang vò nước đón gặp”. Rồi “cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, (hãy) thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào? Và, ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi ở trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó các anh sẽ dọn tiệc cho chúng ta.”.

“Hai môn đệ (đã) ra đi”. Và, mọi điều Đức Giê-su dặn dò đều đúng “(y) như Người đã nói.” Và rồi “các ông dọn tiệc Vượt Qua.” (Mc 14, 16)

Bữa tiệc đã sẵn sàng.  “Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới.” Rồi… “Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.

Cuối bữa ăn, mọi người “Hát thánh vịnh”, Rồi “Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ôliu”.

***

Không chỉ một mình thánh sử Mác-cô ghi lại sự kiện này, mà còn có thánh sử Mát-thêu, thánh sử Luca và thánh Phao-lô, nữa.

Thánh Mát-thêu ghi thế nào? Thưa, ngài thánh sử ghi rằng: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này,  vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26, 26-28)

Thánh sử Luca ghi như  sau: “Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn cùng với các Tông đồ, Người nói với các ông: Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ nạn. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn trong Nước Thiên Chúa.

Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: Anh em hãy cầm lấy mà chia với nhau, bởi vì, Thầy bảo cho anh  em biết: từ nay Thầy sẽ không uống đến sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Nước Thiên Chúa đến. Đoạn Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là Giao Ước Mới lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20)

Với thánh Phao-lô ư! Vâng, những gì ngài Phao-lô ghi lại, có thể nói rằng, đó là những lời vàng ngọc mà chúng ta luôn phải ghi khắc trong con tim mình và coi đó như là một “bản tình ca”,  bản tình ca tác giả chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu. “(Người) yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)

Vâng, chúng ta hãy nghe tông đồ Phao-lô nói: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: ‘Chén này là Giao Ước Mới lập bằng Máu Thầy, mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy’. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần  ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,23-26)

****

Như vậy, mọi sự đều đã rõ. Qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê-su đã ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Và, đó là lý do, Chúa Nhật hôm nay (02/06/2024), toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, chắc hẳn, có không ít giáo xứ sẽ tổ chức “kiệu Thánh Thể” hoặc “chầu Thánh Thể”. Đó, đó là điều phải đạo.

Tuy nhiên, để cho việc kiệu Thánh Thể hoặc chầu Thánh Thể sinh ơn ích, chúng ta đừng quên tham dự “Bàn Tiệc Thánh Thể”.

Hôm nay, nơi Bàn-Tiệc-Thánh-Thể, Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ tế, cùng lời truyền thánh hiến Bánh, tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.

Hôm nay, nơi Bàn-Tiệc-Thánh-Thể, Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ tế, cùng lời truyền thánh hiến Rượu, tiếp tục nói với chúng ta, rằng: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà uống, vì này là Chén Máu Thầy, Máu Tân Ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Sách Châm ngôn có lời chép rằng: “Đức Khôn Ngoan bảo: Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống, hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (x.Cn 9, 5-6).

Còn Đức Giê-su… Ngài nói gì? Thưa, tại Ca-phac-na-um, Ngài nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (x.Ga 6, 52-56)

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể. Do vậy, đừng quên, mỗi ngày, mỗi tuần…  hãy đến bàn tiệc “lãnh nhận mà ăn”, hãy đến bàn  tiệc “lãnh nhận mà uống”.  

Nói cách khác “Hãy làm việc này, để nhớ đến Chúa”.

Petrus.tran