Ngày 18-02-2024, Chúa Nhật Tuần 1 Mùa Chay

 

Ngày 18-02-2024, Chúa Nhật Tuần 1 Mùa Chay

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 1,12-15)

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” 

Gợi ý suy niệm

Chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh từ hôm thứ tư lễ Tro. Ai trong chúng ta cũng biết rằng: Mùa Chay là thời gian thuận lợi giúp các tín hữu chú trọng vào việc sám hối bằng việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đề tài này đã có từ lâu trong Giáo hội và đã trở thành truyền thống lên mãi tới thời các giáo phụ.

Bài Tin mừng Chúa nhật thứ nhất hôm nay cho chúng ta biết Đức Giêsu sau khi đã chịu phép rửa của ông Gioan và được tuyên phong là Con yêu dấu của Chúa Cha, đã vào trong hoang địa ăn chay 40 đêm ngày và đã bị ma quỷ cám dỗ.

Khác với thánh Mátthêu và Luca, thánh Marcô nói rất vắn tắt không cho biết diễn tiến cám dỗ và Chúa đã chiến thắng như thế nào. Tuy nhiên, Giáo hội cho chúng ta nghe đọc đoạn Tin mừng này, để mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu như kiểu mẫu và bảo đảm cho chúng ta cuộc chiến đấu với Satan và những cám dỗ của nó. Chúng ta sẽ bị ma quỷ cám dỗ, nhưng theo gương chiến đấu của Đức Giêsu và với sự trợ giúp của Ngài, chúng ta sẽ thắng chúng.

Thánh Marcô nói tóm tắt việc khởi đầu sứ mạng của Đức Giêsu với hai biến cố quan trọng:

– Vào hoang địa bị ma quỷ cám dỗ.

– Rao giảng Tin mừng tại Galilêa.

Trong suốt 40 đêm ngày chay tịnh (như thời gian xảy ra cơn hồng thuỷ) Đức Giêsu với tư cách là con người đã bị ma quỷ cám dỗ để đi sai đường lối của Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chiến đấu dũng mạnh và chiến thắng vinh quang, để đi đúng đường lối của Chúa là dấn thân vào công cuộc cứu chuộc nhân loại.

Sau thời gian chay tịnh, Ngài khởi đầu công cuộc rao giảng Tin mừng với đề tài cũng giống như của ông Gioan Tẩy giả: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”.

Cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đức Kitô cũng phải là cuộc chiến đấu và chiến thắng của chúng ta, nghĩa là hãy sống thân mật với Chúa bằng cầu nguyện, để có thể mạnh mẽ chống lại sự dữ tấn công chúng ta.

Các giai đoạn của cám dỗ: Cám dỗ chỉ có nghĩa là xúi giục người ta bỏ điều lành mà làm điều xấu. Chính Satan đã cám dỗ Đức Giêsu bỏ ý hướng tốt lành của Cha Ngài để theo đường lối của thế gian. Nhưng cần phải phân biệt 3 giai đoạn của cám dỗ:

a) Gợi lên một hình ảnh.

b) Làm cho thích thú hoặc hướng chiều về sự ác.

c) Sau cùng là ưng thuận.

Satan chỉ có thể làm được nơi Đức Giêsu ở giai đoạn thứ nhất: gợi hình ảnh hoặc một sự vật ở giác quan hoặc ở trí tưởng tượng.

Những lợi ích của cám dỗ.: Trong cuộc sống, không ai tránh được cuộc tấn công của cám dỗ, nhưng điều chắc chắn là những cuộc cám dỗ không nhằm mục đích khiến chúng ta phải sa ngã, nhưng làm cho linh hồn chúng ta được trưởng thành, được trung kiên thi hành ý Chúa. Cơn cám dỗ có lợi cho ta vì:

– Lập công phúc khi chiến thắng cám dỗ.

– Sống khiêm nhường và nhận ra sự bất lực của mình để trông cậy vào Chúa.

– Thúc đẩy cầu nguyện, vì Chúa phán: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám chước dỗ”.

– Sau cơn cám dỗ ta được vui mừng an ủi vì “Gieo trong đau thương, gặt trong vui mừng”.

Sống giữa trần gian này là phải chiến đấu và lấy quyết định. Đức Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, Ngài đã làm người và Ngài đã không đi ra ngoài quy luật ấy. Ngài cũng đã chịu thử thách như Adong trong vườn địa đàng và như dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa. Nhưng khác với Adong và dân Do thái suốt 40 năm trong hoang địa: Ngài đã chiến thắng Satan, và sự chiến thắng này là nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Ngày nay nhiều người cho rằng cám dỗ của ma quỷ liên quan đến ba đối tượng là danh, lợi, thú. Ham danh, ham lợi, ham phú quý là bản tính của con người. Ai cũng muốn địa vị cao sang, ai cũng muốn giàu có, ai cũng ham thích thú vui. Hoặc như quan niệm của Tây phương thì cám dỗ xoay quanh Avoir (cái có), Savoir (cái biết) và Pouvoir (quyền lực). Đây là những cám dỗ triền miên mà con người ở mọi thời đại luôn gặp phải. Điều quan trọng là phải tỉnh thức, “phải sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15b) thì mới có thể vượt qua được cơn cám dỗ ấy.

Mùa Chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa Chay cũng là lúc dừng lại để nhận ra những cám dỗ, những cạm bẫy đang bủa vây. Nguyên tắc bất di bất dịch là: “Cẩn tắc vô ưu”, cẩn thận đề phòng thì không sợ sa ngã, khỏi phải buồn phiền. Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã nhắc đến nguyên tắc này khi Ngài nói: “Ai tưởng đứng vững, coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).

Nếu chúng ta bị cám dỗ thì có nghĩa là linh hồn chúng ta đang lớn mạnh đó. Nếu Chúa để cho chúng ta bị cám dỗ, thì Ngài cũng ban cho chúng ta đủ sức mạnh để nói, như Chúa chúng ta đã phán: “Hỡi Satan, hãy xéo đi”. Và chúng ta sẽ thấy dễ chịu khi nghe câu cuối cùng của bài Tin mừng: “Bấy giờ ma quỷ bỏ Ngài và có các thiên thần đến hầu cận Ngài”.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật sung sướng hạnh phúc được làm môn đệ của Chúa. Chúa là vị Thầy luôn yêu thương chúng con đến nỗi đã trở nên giống chúng con mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.

 Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi để trở nên giống Chúa. Amen.