Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 2,18-22)
Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”
Gợi ý suy niệm
Các môn đệ của Đức Giêsu bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gioan và người biệt phái. Đức Giêsu đã bênh vực các ông và cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giêsu chính là Tin mừng, Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng, ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.
Theo Do thái giáo thời Đức Giêsu, việc ăn chay liên kết với việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gioan và các người biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa.
Phần Đức Giêsu thì tự biết mình là Messia đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.
Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giêsu là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: “Rượu mới thì bình cũng phải mới”.
Cuộc đời của người Kitô hữu có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui.
Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ. Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao… trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không gì và không hoàn cảnh nào dập tắt được.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời theo Chúa, ở với Chúa, con cũng gặp những khó khăn, chống đối không kém các môn đệ Chúa xưa kia. Nếu xưa kia người ta đã hỏi Chúa tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-siêu ăn chay còn các môn đệ của Chúa lại không, thì ngày nay, con cũng thường bị hỏi tại sao và tại sao…
Được sống với Chúa, con luôn cảm nghiệm một niềm vui đặc biệt và khó tả. Được trở nên thân tình với Chúa, con luôn mang trong mình một niềm vui của cô dâu có chàng rể ở cùng. Chúa muốn con sống chu toàn bổn phận hằng ngày theo Ý Chúa, và chu toàn trong hoan lạc, không phàn nàn, không kêu ca. Chúa muốn con phụng sự Chúa trong niềm vui, ngay cả trong những lúc hy sinh vác thánh giá.
Chúa đã đem lại cho thế gian một lối sống mới hợp theo chương trình cứu độ. Chúa không đưa tinh thần vá víu cho hợp với cái cũ. Chúa đang kêu gọi con đem tinh thần vui tươi của Nước Trời vào trong hoàn cảnh sống hằng ngày. Vâng, lạy Chúa, này con đây, xin Chúa chấp nhận, và trong sự yếu đuối của con, xin Chúa nâng đỡ chở che. Vì nếu không có Chúa nâng đỡ chở che, con sẽ không chịu nổi những sự chống đối của người đời. Xin cho con hằng có niềm vui khôn tả của người môn đệ chân chính của Chúa. Amen.