Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.( Mc 2,1-12)
Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, tội con được tha rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt-, Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”
Gợi ý suy niệm
Phép lạ chữa người bất toại hôm nay không phải là mục đích chính, đó chỉ là cái khung hay cái cớ để Chúa Giêsu nói về cái khác, đó là quyền tha tội. Chúa muốn cho họ biết Người là Thiên Chúa nên có quyền tha tội.
Vì thế, người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa chữa cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu: khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.
Người bất toại có lòng tin Chúa nên đã nhờ người khác khiêng mình tới Chúa. Và chính những người này cũng tin Chúa nên đã chịu khó leo lên mái nhà, dỡ ngói ra, thòng người bệnh xuống trước mặt Chúa. Vì thế, muốn gặp Chúa phải có lòng tin, phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại, và có khi còn cần nhờ người khác giúp đỡ.
Người bất toại thì bất lực không làm được gì. Chúng ta phải ý thức bệnh bất toại của người tội lỗi: không làm được việc gì có giá trị trước mặt Chúa vì không có ân sủng, để nhờ đó chúng ta gớm ghét tội lỗi, xa lánh những dịp tội.
Chúng ta nên biết rằng: ý thức về tội không có nghĩa là đánh mất giá trị làm người mà chỉ là nhìn nhận một chân lý khách quan: con người là tạo vật vừa dòn mỏng vừa vĩ đại trước mặt Thiên Chúa. Con người mỏng dòn nên dễ sa ngã. Con người vĩ đại do tự do mà Thiên Chúa ban cho: con người có quyền nói “có” hoặc nói “không” với Thiên Chúa. Nói “không” với Thiên Chúa là phạm tội, vì từ chối tình thương và sự hướng dẫn của Ngài. Ý thức về tội là nhìn nhận quyền năng và lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, và đồng thời là nhìn nhận sự thật có tính giải phóng về bản thân: giải phóng khỏi tình trạng tội lỗi và đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.
Nghe câu chuyện Tin Mừng kể hôm nay, hầu hết chúng ta chỉ để ý đến người bất toại, mà ít người nghĩ đến 4 người đã khênh người bất toại đến với Chúa Giêsu.
Bốn người này, tuy là những nhân vật phụ, nhưng lại là những nhân vật không kém phần quan trọng. Vì nếu thiếu họ, chắc chắn người bất toại đã không có cách nào để đến được với Chúa.
Qua việc khiêng người bất toại, ta thấy những người này, vừa bày tỏ một niềm tin sáng chói vừa biểu lộ một đức ái nhiệt thành. Thực vậy, nếu không tin vào quyền năng của Chúa, thì những người này đâu có phải vất vả khiêng người bất toại đến với Chúa như thế. Hơn nữa họ lại phải làm một việc xem ra không được lịch sự cho lắm. Đó là khi thấy đám đông cản lối của họ, họ đã phải khiêng người bất toại lên mái nhà. Những ngôi nhà tại Do Thái thời đó đều có mái bằng có thể leo lên được bằng một cầu thang ở phía ngoài. Việc dời ngói, gỗ, và lá lợp trên mái để tạo một khoảng đủ rộng để thả người bất toại xuống không khó khăn gì lắm. Ở đây, chúng ta phải khâm phục những người này. Họ đã quan tâm sâu sắc đến bạn mình và mong muốn nhìn thấy người ấy được cứu giúp. Họ không chỉ “cầu nguyện về điều này”, nhưng còn hành động song song với những lời cầu nguyện đó.
Theo Thánh Marcô thì việc Chúa chữa lành người bất toại hôm nay, đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa ở trần gian. Chúa muốn xác định với mọi người rằng: Chúa có quyền tha tội.
Mặc dầu, khi Chúa tuyên bố như thế, Chúa biết mình đã đụng phải một điểm rất nhạy cảm của Do Thái giáo, một tôn giáo độc tôn. Dưới mắt của những người Do Thái thì chỉ có Giavê mới là Chúa. Ngoài Giavê Thiên Chúa ra thì không có một Chúa, một thần nào khác. Vì thế, khi Chúa nói là mình có quyền tha tội thì lập tức Chúa bị họ kết án phạm thượng ngay. Sau này vào cuối cuộc đời công khai người ta lại một lần nữa làm như thế. Và kết quả là Thập Giá được dành cho Ngài.
Cám ơn Chúa đã dạy cho chúng ta biết bài học về lòng can đảm và cho dù có phải mất mạng Chúa cũng không bao giờ phản bội sự thật. Và chúng ta cũng phải cám ơn Chúa vì Chúa đã quá yêu thương chúng ta. Bằng sự tha thứ lạ lùng qua Bí tích Hòa giải chúng ta hiểu được tình thương của Chúa như thế nào.
Qua phép lạ chữa người bất toại trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại: “Tội lỗi con đã được tha”. Tiếp đó, bài Tin mừng mời ta cảm nghiệm sự giải thoát mà người bất toại ấy từng cảm nhận sau khi đã bị ràng buộc đớn đau quá lâu trong bệnh tật và trong tội lỗi của anh.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nền văn minh kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nhất là về lĩnh vực âm thanh và hình ảnh, con người hầu như thích cảm nhận những gì mắt thấy tai nghe. Vì thế, người ta lao vào lối sống hưởng thụ thực dụng, còn niềm tin là chuyện khó hiểu xa vời.
Nhiều lúc con cũng vậy, cứ mỗi lần đến dịp lễ trọng, nhà thờ trang hoàng rực rỡ, tâm hồn con lại cảm thấy sốt sắng, phấn khởi, tưởng như niềm tin và lòng trông cậy đã đặt trọn vẹn trong tay Chúa. Nhưng Chúa ơi, rồi dịp lễ qua đi, còn lại là chuỗi ngày sống bình thường, hằng ngày phải bon chen, phải vật lộn vất vả. Giữa những khổ đau, bên cạnh những bệnh tật và hoàn cảnh sống, con như mất niềm tin, tâm hồn chao đảo, chán nản và thất vọng. Đôi lúc con cũng tỏ thái độ như những kinh sư: không tin vào quyền năng Chúa. Tuy không dám công khai phủ nhận, nhưng con âm thầm buông xuôi cho trần gian lôi cuốn, đến nỗi không còn nhận ra lòng thương xót và quyền năng của Chúa.
Lạy Chúa, chính niềm tin mãnh liệt đã soi sáng trí khôn, giúp người ta có sáng kiến mang người bất toại đến với Chúa bằng cách bất thường từ trên mái nhà xuống. Ước gì với niềm tin, không có gì ngăn cản được con đến với Chúa, dù trong hoàn cảnh đen tối nhất.
Lạy Chúa, trước lòng tin của những người đưa kẻ bại liệt đến với Chúa, con nhận ra niềm tin mình thật nông cạn. Xin ban cho con một niềm tin đích thực, để cho dù con có bị bại liệt về vật chất, thể xác, thì niềm xác tín và lòng cậy trông vào Chúa vẫn không thay đổi. Amen.