Đức Giê-su, như chúng ta được biết, sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Na-da-rét, “Người đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”
Sự xuất hiện của Đức Giê-su, cùng với những gì Người thực hiện, đã khiến cho rất nhiều người từ khắp “miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan… lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4, 23…25).
Rất, rất nhiều người đi theo Đức Giê-su. Và những người đi theo Ngài không chỉ “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”, mà còn “kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Giáo lý thì mới mẻ. Người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 22… 27).
Hơn hai ngàn năm trôi qua, những lời nhận định nêu trên, không có gì phải tranh cãi, nhưng với quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu thời đó, thì nó như dấu chấm than cho những gì quý ông đã thể hiện. Và, đó là lý do quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu đã xem Đức Giê-su như một cái gai, một cái gai cần phải nhổ bỏ.
Họ đã cố nhổ nhiều lần, nhưng tất cả sự cố gắng của họ, đều thất bại. Thất bại này đến thất bại khác, thế nhưng họ vẫn không nản chí. Vào một ngày nọ, khi nghe Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã ví họ như là “những tá điền sát nhân”, nhóm kinh sư và Phariseu nổi khùng lên quyết tâm bắt cho được Ngài. Nhưng than ôi! Khi biết được dân chúng đang xem Đức Giê-su như là “một ngôn sứ”, thế là họ không dám manh động.
Họ không manh động, thay vào đó là một cuộc họp kín với sự thống nhất tuyệt đối của mọi thành viên rằng, bằng mọi giá “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy.” Vâng, họ đã làm và sự kiện này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng Mát-thêu.
**
Theo Tin Mừng Mát-thêu ghi lại: khởi sự cho kế hoạch gài bẫy Đức Giê-su, quý ông Pha-ri-sêu đã thành lập một liên minh, một liên minh giữa họ “với những người phe Hê-rô-đê”.
Hôm ấy, liên minh Phariseu-Hêrôđê đã đến gặp Đức Giê-su và nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.”
Đúng. Nói rất đúng. Đức Giêsu là người-chân-thật. Ngài cứ-sự-thật-mà-dạy-đường-lối-Thiên-Chúa. Một ngày nọ, Ngài đã nói lên một sự thật, rằng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.”
“Thầy cũng chẳng vị nể ai…” Cũng đúng luôn. Đức Giê-su chẳng “vị nể ai” Chuyện Ngài đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”, như một điển hình.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ nhóm Pha-ri-sêu lại có những lời nói “đáng mến” với Đức Giê-su, như hôm nay.
Nhưng, lại là chữ nhưng… nhưng thật ra những lời đáng mến này chẳng khác nào một “cú đấm thăm dò” mà những tay đấm boxing thường sử dụng.
Thật vậy, vừa nói ra những lời nói ngọt ngào xong, họ quay ngoắt 180 độ bằng một câu hỏi đắng chát: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”
Tại sao lại nói đây là câu hỏi “đắng chát”! Thưa, Lm Phaolô Đoàn Thanh Phong, có câu trả lời rằng: “Thực ra, đây là hai nhóm người khác nhau về nguyên tắc, về quan điểm sống. Nếu những người phe Herode chấp nhận nộp thuế cho hoàng đế, như là phương cách bảo vệ chỗ đứng của mình trong bộ máy cai trị.
Thì trái lại, nhóm Pharisêu chỉ chấp nhận nộp thuế cách miễn cưỡng. Bởi, họ không đón nhận thái độ của các Cesar Rôma luôn tự coi mình là thần minh. Cho nên đối với họ, việc nộp thuế cho đế quốc được xem như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế, không chỉ phải nộp thuế, mà ngay cả việc mang trong mình đồng tiền của kẻ ngoại bang đã là một hành vi bội giáo.
Nhưng vì cùng mâu thuẫn, xung đột tư tưởng với Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng xóa bỏ nguyên tắc, quan điểm riêng, chấp nhận liên minh lại với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho hoàng đế Cesar không?”. Đây là một vấn đề mới nghe qua thật bình thường, nhưng sự thực lại không hề đơn giản.
Thật vậy, nếu Chúa Giêsu trả lời rằng nên nộp thuế, thì chính Ngài đã nhìn nhận Cesar là Chúa của mình, Ngài sẽ trở thành một kẻ bội giáo, mất tín nhiệm với số đông dân chúng. Còn nếu Ngài trả lời rằng không nộp thuế, thì Ngài sẽ bị tố cáo là kẻ chống lại hoàng đế, chống lại chính quyền Rôma. Thật ‘tiến thoái lưỡng nan’, trả lời thế nào cũng khó.
Đúng. Trả lời lời thế nào cũng mắc bẫy. Binh pháp Tôn Tử có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hôm ấy, Đức Giêsu “biết”, “biết họ có ác ý…”. Thế nên, Ngài đã đáp lời rằng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”
Tiếp đến, Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.
Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Khi đồng tiền được đưa ra, Ngài hỏi họ rằng “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đồng thanh đáp “Của Xê-da”.
Của-Xêda-ư! Hôm đó, Đức Giê-su bảo họ rằng “Thế thì, của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Tới đây, câu chuyện kết thúc, kết thúc rằng: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi.”
***
Xưa, nhóm Phariseu và phe nhóm Hêrôđê đã “ngạc nhiên” về câu trả lời của Đức Giê-su. Còn chúng ta hôm nay, thì sao? Có ngạc nhiên không?
Vâng, đừng ngạc nhiên. Đừng ngạc nhiên là bởi: “Sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không phải là chính trị. Chính Người đã từ chối làm vua, làm Messia đánh đông dẹp bắc theo mong đợi của người Do Thái. Câu trả lời của Đức Giêsu làm nổi bật chân lý ấy. Với sứ mạng tôn giáo, Đức Giêsu nhắc cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa. Những kẻ chất vấn muốn nhìn Đức Giêsu dưới gốc độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo.”
Lm. Nguyễn Hữu An đã có lời chia sẻ như thế. Ngài Lm còn thêm lời, rằng: “Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda. Xêda là hiện thân cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua. Xêda cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người.”
Do vậy, nếu có ngạc nhiên, thì hãy ngạc nhiên khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhưng lại sống một đời sống không phải là một Ki-tô hữu. Nếu có ngạc nhiên, thì hãy ngạc nhiên khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhưng lại “thờ quấy, phù phép.”
Nói theo cách nói của Đức Giê-su, đó là: “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).
Về điều này, thánh Phao-lô có một cái nhìn sâu sắc khi nói với tín hữu Galat, rằng: “Vậy, giờ đây tôi lấy lòng người đời , hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không còn là tôi tớ Đức Ki-tô.” (x.Gl 1, 10).
Đúng thế, sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải sống như lời Đức Giê-su đã truyền dạy. Sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải “rạch ròi” như những gì thánh Phao-lô đã tuyên bố.
Không! “Đức Giê-su”, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ rằng: “Ngài không ép buộc ta làm bất cứ gì, mà chỉ trông đợi ta tự nguyện phụng sự Ngài. Trên hết, Ngài đòi hỏi một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta”.
Vâng, tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu “tự nguyện”. Ngài đã tự nguyện “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Ngài đã tự nguyện “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cậy thập tự”, tại Golgotha.
Cũng tại Golgotha, Ngài đã “tự nguyện” thể hiện lòng vị tha của mình, qua lời nguyện, rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Như xưa, Đức Giê-su đã tự nguyện. Hôm nay, chúng ta cũng sẽ tự nguyện? Chúng ta sẽ tự nguyện thực thi ý của Ngài “của Chúa, trả về cho Chúa”!
Petrus.tran