Sự cao cả của một tội nhân

 

Sự cao cả của một tội nhân

 

Sự cao cả của một tội nhânMọi người sống trên trần gian này sau một thời gian sẽ gặp nhau ở một điểm chung: đều phạm tội. (Rm 3:23) Ai cũng là tội nhân[1] và chẳng ai có quyền nói mình ít tội lỗi hơn người khác.

Nếu muốn nói về khác biệt, có thể liệt kê nhanh như sau: Thứ nhất, mỗi người phạm tội mỗi kiểu. Thứ hai, mỗi người ứng xử mỗi cách đối với tội lỗi của mình. Thứ ba, mỗi tội nhân có mỗi thái độ đối với những tội nhân khác. Đây chính là điều cần bàn kĩ ở đây. Về điểm này, nhìn chung có ba loại thái độ làm nên ba loại tội nhân khác nhau, như sau:

Đầu tiên là loại tội nhân không đủ khiêm tốn, không đủ bản lĩnh thừa nhận tội lỗi mình, trốn chạy nỗi sợ bên trong bản thân bằng cách phóng chiếu nó ra bên ngoài lên người khác dưới các hình thức mang tính bạo lực như: kết án[2], lăng mạ, bêu xấu, nguyền rủa,… Đây là loại tội nhân tầm bậy.

Tiếp theo là loại tội nhân biết mình đã yếu đuối vấp ngã, gây ra những tổn thương trong đời, rồi thống hối ăn năn, đến với bí tích Hòa Giải để tìm lại bình an tâm hồn. Đây là loại tội nhân tầm thường.

Cuối cùng là tội nhân đủ khiêm tốn, đủ bản lĩnh để nhìn nhận mình là một con người yếu đuối, bất toàn, luôn mãi cậy nhờ lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Đặc biệt là nơi tội nhân này có một điểm sáng khiến họ trở nên giống Thiên Chúa tình yêu (Rm 5:8). Điểm sáng ấy chính là: lòng cảm thương và cảm thông đối với các tội nhân khác. Mặc dù cũng là tội nhân nhưng thái độ này làm cho họ trở nên tuyệt vời, đáng yêu, đáng quý. Họ ghét tội vì tác hại của nó nhưng yêu thương người có tội vì đó là anh chị em đau khổ của mình. Họ kinh nghiệm sự mỏng giòn của thân phận con người, nhưng quan trọng hơn là họ đã thấu hiểu và học được bài học từ trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu là điều giữ tội nhân này trên nẻo đường giống Thiên Chúa. Đây là tội nhân có tầm vóc.

Tất cả đều là tội nhân. Nhưng thái độ đối với những anh chị em lỗi tội khác của một tội nhân sẽ cho thấy người ấy hiểu biết được bao nhiêu trái tim đầy tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa (1Ga 4:8). Thái độ này sẽ quyết định họ là tội nhân tầm bậy, tầm thường hay tầm vóc. Ai càng biết cảm thương các anh chị em bị tổn thương vì tội lỗi sẽ càng trở nên giống Thiên Chúa và càng ở sâu trong ơn tha thứ và cứu độ. Ngược lại, một tội nhân sẽ dễ bị ma quỷ lèo lái để biến thành công cụ tàn ác của nó khi trong lòng thiếu vắng sự khiêm nhường và khinh thường các tội nhân khác. Một dấu chỉ cho biết một tội nhân đang bị ma quỷ lèo lái là: người ấy có khuynh hướng cứ thấy tội của tha nhân hiện lên trước mắt rất rõ nhưng lại có ít để ý phản tỉnh đối với tội lỗi của bản thân (Lc 6:41). Công cụ này sẽ càng nguy hiểm nếu họ tin rằng họ đang phục vụ Chúa qua thái độ trên vì thật ra họ đang bị lợi dụng để biến thành ác nhân núp dưới danh nghĩa thiện chí. Ơn tha thứ của Thiên Chúa thật khó đi vào trong một cõi lòng kiêu ngạo và mù lòa như thế[3].

Ai biết cảm thương tội nhân, người ấy có kinh nghiệm thật về Thiên Chúa. Ai không biết cảm thương tội nhân, người ấy chưa hiểu gì về Thiên Chúa. Vì sao? Vì trong mắt Thiên Chúa, tội nhân không phải là một kẻ xa lạ đáng ghét mà là một người con yêu dấu vô cùng đang cần được yêu thương và chữa lành. Các tội nhân mãi mãi là con cái của Cha nhân hiền và luôn luôn là anh chị em thật sự của nhau. Đó là chân lý không thể nào phủ nhận.

Ai cũng là tội nhân. Chẳng ai có quyền nói mình thánh thiện hơn người khác. Vấn đề còn lại chỉ là: mình sẽ chọn ở trong vị trí tội nhân tầm bậy, tầm thường hay tầm vóc.

Tội nhân tầm bậy có nguy cơ trở thành ác nhân.

Tội nhân tầm thường chỉ dậm châm tại chỗ.

Tội nhân tầm vóc có thể trở thành thánh nhân.

Giuse Việt

[01A+V0613]

Tái bút 1: từ nguồn chính

+ Lúc ấy, Đức Giêsu trả lời những kẻ đòi giết chết người phụ nữ ngoại tình: “Ai trong các người không có tội thì hãy ném chị ấy trước đi.” (Ga 8:7)

+ Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Ðức Giêsu và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Ðức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. (Mc 2:15-17; Lc 5:32) … Ðức Giêsu nói: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9:13; Xem thêm Hs 6:6)

+ Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. (Rm 5:7-8)

+ …

Tái bút 2: từ gương sống hôm nay

+ Ai có mặt ở Roma những tháng ngày này sẽ chứng kiến một hiện tượng rõ ràng: số người hành hương và du lịch tăng lên gấp nhiều lần. Một trong những lí do chính là: để được thấy Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài là ai? Xin được chia sẻ một chi tiết đặc biệt về ngài là: sau khi được hồng y đoàn bầu chọn làm giáo hoàng, khi được hỏi có sẵn sàng đón nhận sứ mạng Phêrô lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ không, câu đầu tiên từ miệng Đức Thánh Cha Phanxicô đương kim là: “Tôi là một tội nhân lớn” (“Sono un grande peccatore”), rồi ngài nói lên sự tín thác vào tình yêu, ân sủng Chúa và chấp nhận sứ vụ này. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên, ngài quả quyết: “Lòng nhân hậu có thể biến đổi thế giới.” Những ngày sau đó, ngài tiếp tục xin người khác cầu nguyện cho mình với lí do “vì tôi cũng là một tội nhân, giống như tất cả mọi người.” (“…perché io sono anche un peccatore, come tutti…”)[4] Vị mục tử hiền hậu này hăng say rao giảng về lòng nhân hậu không bao giờ mệt mỏi dành cho tội nhân của Thiên Chúa tình yêu.

 

English: http://only3minutes.wordpress.com/the-greatness-of-a-sinner/



[1] Trừ Đức Giêsu và Mẹ Maria, theo truyền thồng Công Giáo.

[2] Lưu ý:  Việc thi hành luật pháp tích cực, khách quan để mưu cầu một lợi ích lớn hơn của cộng đồng không cùng hướng ý nghĩa với điều đang được nói đến. Tác giả đang nói đến bình diện sâu hơn, có tính chất riêng tư trong lương tâm mỗi người.

[3] Xem Luca 18:9-14 về dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.

[4]http://vaticaninsider.lastampa.it/nel-mondo/dettaglio-articolo/articolo/francesco-francis-francisco-23642/

 

Để lại một bình luận