Lễ CTT hiện xuống: Chúng ta nhờ Thần Khí mà tiến bước



Chúng ta nhờ Thần Khí mà tiến bước

Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-33

Lm. Jude Siciliano, OP.

Học viện Đaminh chuyển ngữ

 

Thưa quý vị,

Lễ CTT hiện xuống: Chúng ta nhờ Thần Khí mà tiến bướcThật khó chịu khi ai đó thất hứa phải không? Quý vị nghe lời ai đó, tin vào những lời họ đã hứa, nhưng rồi họ lại không thực hiện lời hứa với quý vị. Có những người đã thất hứa quá nhiều lần trong đời đến độ họ đã có thể tạo một thư mục riêng với tên “Những lời hứa không được tôn trọng” trong máy tính của mình. Mở thư mục đó ra và đọc những tập tin có thể dễ dàng khiến những giọt nước mắt rơi và những nỗi đau hiện rõ trên gương mặt.

Thiên Chúa là Đấng giữ lời hứa. Đức Giêsu đã chứng minh rằng Thiên Chúa thực hiện những lời hứa khi xưa đã cam kết với dân Israel nghèo khổ. Kiểu đưa ra lời hứa không dừng lại với cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh Cựu Ước. Những lời hứa vẫn còn tiếp diễn trong Tân Ước.

Hôm nay, chúng ta cử hành một lời hứa khác đã được đưa ra và đã thực hiện. Chẳng hạn, ông Gioan Tẩy giả đã hứa “…có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến … Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Lc 3,16). Trước khi về trời, Đức Kitô Phục sinh đã hứa với nhóm mười một Tông đồ rằng: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,48-49). Thêm một lần nữa, Thiên Chúa đã thấy được nhu cầu của chúng ta nơi Đức Kitô và Người đã giữ lời. Hôm nay, chúng ta mừng kính việc Thần Khí ngự xuống trên các Tông đồ và 120 môn đệ (1,15). Tất cả mọi người đang quy tụ ở đó được đầy Thánh Thần như lời đã hứa: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên tôi nam tớ nữ.” (Ge 3,1-2).

Lễ Ngũ Tuần là một trong ba ngày lễ trọng của người Do Thái. Lễ này kỷ niệm mùa thu hoạch và diễn ra bảy tuần sau khi bắt đầu mùa thu hoạch. Sách Dân số gọi ngày lễ này là “lễ các Tuần” và “ngày hoa trái đầu mùa” (28, 26-31). Lễ này mang một ý nghĩa lịch sử và trở thành ngày kỷ niệm việc Môsê đón nhận Luật. Trong khi ngày lễ người Do Thái đã cử hành nhỏ hơn, thì với biến cố chúng ta mừng kính hôm nay, việc Thần Khí ngự đến, Lễ Ngũ Tuần nay trở thành một ngày lễ trọng đối với các Kitô hữu.

Hãy nhìn những gì đã xảy đến rất nhanh cho nhóm các môn đệ đang tụ họp: Việc Thần Khí ngự xuống trên các ông, ơn nói các thứ tiếng, bài giảng của Phêrô và việc thành lập Giáo hội. Đang khi các kỳ mục trong các bản văn Hippri (1Sm 10,3) diễn giảng một cách xuất thần dưới sự thúc đẩy của Thần Khí Thiên Chúa (“lời tiên tri”), thì hôm nay chúng ta mừng kính việc Thần Khí Đức Giêsu trao cho Giáo hội còn non yếu quyền năng tự tỏ bày cho các dân tộc để họ nhận biết Giáo hội.

Kinh thánh cho chúng ta biết rằng khi con người, lòng đầy kiêu hãnh, đã toan tính xây tháp Babel thì họ có sự bất đồng về ngôn ngữ. Ngày nay, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hiệp nhất lại và với Thần Khí, Giáo hội ra đi rao giảng Tin Mừng – bằng chứng là Phêrô diễn thuyết ngay sau khi Thần Khí ngự đến. Phêrô giải thích rõ những gì đang diễn ra cho dân, những người đang bị tiếng động thu hút và họ nghe các môn đệ “nói tiếng của họ” (2,6). Sự tương phản trước và sau rất rõ ràng. Trước khi Thần Khí ngự đến, nhóm các môn đệ chỉ là một tập hợp các môn đệ bị phân tán và bối rối. Sau khi Thần Khí ngự đến, các ông đã trở nên can đảm và có thể nói năng lưu loát, sẵn sàng đáp lời mời gọi ban đầu của họ, trở nên “những kẻ chài lưới người”.

Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống không liên quan đến tính cách thực sự và mẫu mực của các môn đệ đầu tiên. Các ông đã tỏ ra mình là một nhóm người vô dụng và pha tạp. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống không ca ngợi những công trạng của họ và phần thưởng đạt được, nhưng lễ này tán dương những gì Thiên Chúa đã thực hiện và còn tiếp tục thực hiện – hoàn trọn những lời hứa. Nơi vị Thầy và Chúa của mình là Đức Giêsu, những hồng ân tự nhiên của Giáo hội sơ khai không đủ để loan truyền niềm tin của các ông cho toàn thế giới. Thực vậy, một khi được Thần Khí hướng dẫn và xác nhận, Thiên Chúa có thể dùng nhóm các môn đệ pha tạp để loan truyền Tin Mừng khắp thế giới nhờ hồng ân của Thần Khí để nói bằng “ngôn ngữ riêng của mình về những hoạt động mạnh mẽ của Thiên Chúa”.

Quý vị còn nhớ mùa Vọng và Giáng Sinh chứ? Có vòng hoa mùa Vọng, những cây thông trong thánh đường và cả nơi máng cỏ. Còn vào mùa Phục sinh, chúng ta đã có Ngọn nến Phục sinh được thắp sáng và dòng nước tuôn chảy. Nhưng chúng ta sẽ dùng biểu tượng nào cho ngày lễ hôm nay – ngoài phẩm phục màu đỏ và “những hình lưỡi lửa mà thánh Luca diễn tả việc Thần Khí ngự xuống tại phép rửa của Đức Giêsu khi đi xuống dưới “hình dạng vô hình như chim bồ câu” (3,22), vì chim bồ câu thường là biểu tượng cho Thần Khí trong nghệ thuật và kiến trúc tôn giáo. Đó là một hình ảnh dễ thương và diễn tả phần nào sự dịu hiền của Thiên Chúa đang đến giữa chúng ta. Gợi lại hình ảnh chim bồ câu đến với ông Nôe như là một dấu chỉ bình an và cho biết trận lụt đã kết thúc. Trong Tân Ước, chim bồ câu là lễ vật của người nghèo tại Đền thờ. Nếu Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu dưới “hình dạng hữu hình như chim bồ câu” thì đó là Tin Mừng sử dụng một biểu tượng cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa ở với người nghèo.

Tuy nhiên, chúng ta không gặp thấy hình ảnh chim bồ câu hiền lành trong biến cố lễ Ngũ Tuần mà chúng ta mừng kính hôm nay. Thay vào đó, chúng ta có được một câu chuyện sống động và đầy lý thú cùng với một âm thanh tựa như tiếng gió đang thổi mạnh, những hình lưỡi lửa và ngay đó hoạt động náo nhiệt của cộng đoàn. Thần Khí hôm nay náo nhiệt, rất công khai, đầy thương cảm và có những dấu hiệu chung đi kèm.

Nếu chúng ta tìm một biểu tượng cho ngày hôm nay thì chúng ta sẽ quay trở lại Tin Mừng và tường thuật của thánh Gioan về biến cố này. Sau khi ban lời bình an cho các môn đệ đang còn trong sợ hãi, Đức Giêsu cho các ông xem những vết thương của Người. Rồi Người thổi hơi vào các ông và ban cho các ông Thần Khí của Người. Tôi không biết chúng ta sẽ diễn tả hai biểu tượng này bằng cách nào – những vết thương và hơi thở.

Nhưng tôi chắc rằng một trong hai biểu tượng này đã được trưng bày đầy đủ trong nhà thờ hay nguyện đường của chúng ta – Đức Kitô bị thương tích treo trên thập giá. Đó là một hình ảnh chúng ta không thể bỏ qua trong dịp lễ lớn này. Những vết thương của Đức Giêsu luôn ở trước mắt khi chúng ta thờ phượng và sẽ luôn ở trong tâm trí khi chúng ta rời khỏi nơi thờ phượng để trở về với cuộc sống thường ngày. Các môn đệ Đức Kitô là những người mang thương tích của Đức Kitô, Đấng đã trao cuộc sống của mình vào tay chúng ta – và chúng ta đã đóng đinh Người vào thập giá. Hiện giờ, Người lại trao cuộc sống của mình vào tay chúng ta – lần này là với hơi thở của Thần Khí Người. Đó là Thần Khí chúng ta đã nghe biết ngay khởi đầu Tin Mừng của thánh Gioan, Đức Giêsu cho chúng ta biết Thần Khí ‘muốn thổi đâu thì thổi” (3,8).

Nếu không có hơi thở, chúng ta sẽ chết. Hơi thở của Đức Giêsu là biểu tượng tốt lành cho chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta ý thức hơn trong suốt những ngày sống của mình, thì khi hít thở, chúng ta sẽ nhớ rằng Thiên Chúa ở gần với chúng ta hơn là chính hơi thở của chúng ta. Vì thế, hãy tập trung vào hơi thở của mình ít phút mỗi ngày, hãy mời Thần Khí bước vào cuộc sống chúng ta đầy tràn hơn mỗi khi chúng ta hít thở. Chúng ta có thể cầu nguyện “Lạy Thần Khí của Đức Giêsu, xin ngự đến” khi chúng ta hít vào. Thần Khí không chỉ ngự đến “những nơi thánh” mà chúng ta họ nhau thờ phượng, nhưng còn hiện diện với chúng ta “ở ngoài kia”, Người thở trong chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến những nơi chúng ta không mong đợi và đầy kinh ngạc để phục vụ Đức Chúa.

Thế giới chúng ta cần những chứng nhân cho tình yêu mà Đức Giêsu đã loan truyền và biểu lộ trên cây thập giá. Chúng ta là một Giáo hội đầy tràn Thần Khí và phải vượt trên những rào cản về chủng tộc, giới tính, tầng lớp kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa. Thiên Chúa cần chúng ta và ban cho chúng ta Thần Khí để như Đức Giêsu, chúng ta có thể loan báo tình yêu và bình an của Thiên Chúa cho thế giới qua lời nói và hành động của mình. Sau hết, chúng ta có được hơi thở rất sống động và can đảm mà Đức Giêsu đã có – Thần Khí của Thiên Chúa.     

           

Để lại một bình luận