Chúa thăng thiên


Chúa thăng thiên


Lịch sử của ngày lễ

Chúa thăng thiênLịch sử ghi nhận rằng quãng năm 370 người ta mới bắt đầu kính riêng lễ Chúa Thăng Thiên, ngày thứ 40 sau lễ Phục sinh, đúng như sách Công vụ Tông đồ kể lại. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là đâu đâu người ta cũng cử hành lễ này. Giáo hội tại Giêrusalem vẫn mừng chung việc Chúa Thăng Thiên và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày thứ 50 (Ngũ tuần). Còn Tin Mừng theo thánh Máccô lại gắn liền sự kiện Phục sinh với biến cố Thăng thiên (x. Mc 16). Vào đầu thế kỷ thứ V, qua ảnh hưởng của thánh Âugustin, thánh Lêô Cả và thánh Gioan Kim Khẩu, thánh lễ mừng Chúa Thăng Thiên đã trở nên phổ biến trong toàn Giáo hội, và được mừng kính vào ngày thứ 40 sau lễ Phục sinh.

Những cứ liệu Kinh thánh

Câu chuyện của tác giả Luca kể về việc Chúa Thăng Thiên được đặt ngay đầu sách Công vụ (x. Cv 1,1-11) và được đọc trong mọi năm Phụng vụ (A,B,C). Biến cố này còn được nghe thấy âm vang trong các trình thuật Tin mừng khác:

Năm A: Tin mừng Mátthêu (28,16-20)

Năm B: Tin mừng Máccô (16,15-20)

Năm C: Tin mừng Luca (24,46-53)

Ngoài ra, nếu trong các thư của mình, thánh Phaolô nhắc tới việc Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Ep 1,17-23; 4,1-13), thì tác giả của thư Hípri (Do Thái) lại cử hành việc Chúa Thăng Thiên như việc vị đại tư tế của Giao Ước mới bước vào Đền thánh vĩnh cửu để hoàn tất cuộc tế lễ của Ngài (x. Hr 9,24; 10,23).

Và ý nghĩa niềm tin

Mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên là một mầu nhiệm lớn trong Đạo, mầu nhiệm này ngoài việc tuyên xưng thần tính, còn tuyên xưng nhân tính của Đức Kitô được nâng lên trong tình trạng vinh quang của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này chính là bước khai mào của việc tất cả các Kitô hữu sẽ được tiến vào trong vinh quang. Đây cũng là niềm hy vọng cho chúng ta là những chi thể trong Thân Mình Đức Kitô, rồi sẽ như Đầu, tiến vào trong thiên quốc. Chúng ta hiện nay vẫn còn lưu ngụ bên dưới các tầng mây, còn chịu nhiều gian lao thử thách, nhưng “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

Duy Khánh., OP.

 

Để lại một bình luận