Bên Ướt Mẹ Nằm, Bên Ráo Con Lăn

 

Bên Ướt Mẹ Nằm, Bên Ráo Con Lăn

Bên Ướt Mẹ Nằm, Bên Ráo Con LănThuở nhỏ, mỗi lần mẹ tôi sai sang hàng xóm xin lá trầu, mượn cái dao, cái liềm thường dặn coi chừng chó cắn. Sang nhà nào có chó đẻ, mẹ tôi dặn kỹ hơn vì chó đẻ dữ lắm, không phân biệt người quen kẻ lạ.

Muốn vào xem nó đẻ được bao nhiêu con đực, con cái thì phải chờ lúc nó ra ăn, chủ nhà mới vào kiểm tra được. Nói chung, khi chó đẻ, nó rất thương con, ai xớn xác tới gần là bị cắn ngay. Nhưng đâu chỉ có giống chó.

Một lần, nhà tôi có con gà xuống ổ, những con gà mới nở rất dễ thương. Tôi thò tay qua cái bu úp định bắt một con ra chơi thì bị gà mẹ mổ cho một cái, chảy máu mu bàn tay.

Mấy ngày sau, bầy con nó cứng cáp, gà mẹ được thả ra và dẫn con đi ăn. Tôi vô tình bước lại gần liền bị nó bay phủ lên người. May mà chỉ rách cái áo chứ phần ngực tôi không hề hấn gì.

Hồi những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, quê tôi nhiều chim lắm. Mùa hè, trên các hàng tre, tổ chim đồng độc treo lủng lẳng. Loài chim này nhỏ như chim sẻ nhưng chim trống có một nhúm lông vàng trên đỉnh đầu, khá đẹp.

Tổ của nó cũng rất đặc biệt. Để làm tổ, cả hai con chim trống và chim mái đi tước lá cây ở đâu về đan rất kỳ công. Và nó đan suốt trong thời kỳ sinh nở.

Bọn trẻ chúng tôi cứ nhìn cái cửa vào của nó là biết chim nở, chim sắp chuyền mà dựng thang lên bắt về nuôi. Khi chim con sắp chuyền, cái cửa vào của tổ chim dài hơn một gang tay và loe ra.

Ngày đó, cái tổ của nó, bọn trẻ chúng tôi thường dùng làm dép đi cho đỡ nóng chân, bởi nó đan chằng chịt rất dày, rất chắc. Tôi biết nhiều tổ chim nhưng đoán chắc không có loài chim nào làm tổ đẹp hơn loài chim đồng độc.

Một lần, tôi bắt con chim đồng độc con bỏ vào cái lờ, treo lên bụi tre. Chim mẹ tha mồi về chui vào tổ không thấy con đâu. Lúc ra khỏi tổ, nghe tiếng chim con kêu, chim mẹ tới lượn một hồi rồi chui vào hom lờ mớm mồi cho con. Thế là tôi bắt được cả mẹ lẫn con, sướng lắm!

Tôi bỏ chúng vào lồng, bắt cào cào, châu chấu về dâng tận miệng; nước uống để sẵn trong lồng. Nhưng, chẳng bao lâu, cả mẹ lẫn con đều chết.

Lớn hơn, tôi biết đi câu cá chuối đẻ. Phát hiện chỗ nào có ổ cá chuối đẻ, bầy con cỡ bằng tăm hương là tôi về lấy cần câu, móc mồi ra nhắp vài ba cái là con cá chuối mẹ tớp ngay.

Dẫn vài ba chuyện như vậy để thấy loài nào cũng yêu thương con và sẵn sàng chết để bảo vệ con.

Đời như thế thì buồn lắm!

Là người Việt Nam, không mấy ai không biết một số câu ca nói về tình mẫu tử, về lòng mẹ bao la: “Đêm nằm nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”.

Thời còn ở quê nhà Thành Nam (Nam Định), trong tang lễ, tôi thấy khi cha chết thì con trai chống gậy tre vót tròn; mẹ chết, con trai chống gậy vông vót vuông. Gậy vót tròn, vót vuông tượng trưng cho âm dương là rõ rồi; cây tre chỉ cho người quân tử nên dành cho người cha cũng dễ hiểu. Nhưng tại sao người mẹ thì dùng gậy vông?

Tôi tò mò hỏi nhiều người lớn tuổi, ai cũng ngẫm nghĩ một hồi rồi cho rằng, “xưa bày nay bắt chước”, nghĩ ngợi làm chi cho mệt óc.

Lúc viết cuốn “Nho tướng Nguyễn Công Trứ”, tôi đọc toàn bộ thơ văn của ông, trong bài “Vịnh Cây vông” có hai câu: “Tuổi tác càng già, càng xốp xáp/ Ruột gan không có, có chông gai”. Lúc ấy, tôi mới hiểu được ý nghĩa của cây gậy vông. Lòng mẹ như thế đấy.

Dân gian cũng có câu: “Mẹ đánh một trăm, không bằng cha hăm một tiếng”. Chắc cũng vì lý do này mà nghi lễ di quan có chuyện “cha đưa mẹ đón”, nghĩa là khi di quan cha, thì con cái âm thầm đi sau quan tài; còn di quan mẹ, thì con cái đi thụt lùi phía trước quan tài như muốn cản lại không cho mẹ đi.

Bây giờ, thời công nghệ số, đọc báo giấy, báo mạng, báo hình, báo nói, tôi cứ thấy buồn buồn. Không hiểu sao không ít người thành đạt trong cuộc sống lại để mẹ mình phải đi bán vé số kiếm cơm, thậm chí đẩy vào nhà dưỡng lão. Rồi chuyện đất đai trên đường đô thị hóa, có lắm người chửi mẹ, đánh mẹ cha. Sao thế?

Phải chăng, tôi đã lạc hậu rồi nên suy nghĩ lung tung? Rồi lại có những bà mẹ trẻ bắt con mình đi ăn xin kiếm tiền cho mình, bán con đánh bài. Rồi có những thi hài còn đỏ hỏn chết dưới hồ, trong bụi.

Rồi có bà mẹ nhẫn tâm đánh đập con mình như đánh cái bị bông, cắt cả gân chân của con. Tại sao? Chẳng lẽ con người lại thua cả loài súc vật?

Đời như thế thì buồn lắm. Hãy yêu cha mẹ mình, anh em mình, dòng họ, chòm xóm mình, trước khi yêu những cái to lớn hơn, vĩ đại hơn, các bạn trẻ ạ.

(Theo Tiền Phong)

 

Để lại một bình luận