Chuyến đi đáng nhớ : đưa “Chàng” về “Zinh” (2)

 

Chuyến đi đáng nhớ (phần 2)

Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa op

Quảng Ngãi, Hải Vân, Đà Nẵng…

Khoảng 1 giờ trưa chúng tôi từ biệt cha xứ và Ban Phục vụ giáo xứ để lên xe đi tiếp, mọi người bắt đầu tha hồ ngủ gà ngủ gật, vì chuyến đi còn rất dài. Trong hầu suốt chuyến đi, phụ xế thường mở video chiêu đãi những phim hài Bảo Quốc, Hoài Linh, Văn Sơn làm anh em được dịp cười thoải mái.

Cũng nhờ vậy mà mọi người cảm thấy thời gian ngồi trên xe không đến nỗi mệt mỏi. Hơn nữa tài xế là người rất tuân thủ luật giao thông, giữ tốc độ nghiêm ngặt : chỗ nào được phép chạy 70km/h thì chạy đúng 70km/h, không hơn không kém, chỗ nào cho phép chạy 40km/h thì cũng chỉ chạy đúng 40km/h. Vì vậy xe rất êm, không bị dằn xóc nhiều. Có những lúc anh em cảm thấy đi như “rước kiệu”, nhưng xét cho cùng tuy có chậm đôi chút mà an toàn, đi đến nơi về đến chốn vẫn hơn.


Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)

 

Sau hơn ba giờ chạy liên tục, xe chúng tôi ghé vào một trạm xăng tại Quảng Ngãi để đổ xăng, nhân tiện cho anh em xuống xe đi lại đôi chút cho khỏi mỏi chân. So với Quảng Ngãi cách đây 11 năm khi tôi có dịp ghé qua thì Quảng Ngãi hôm nay đã thay da đổi thịt rất nhiều : nhà cửa khang trang hơn, đường phố rộng rãi, xe cộ đi lại tấp nập hơn. Đối diện với trạm xăng tôi nhìn thấy có hai đại lý xe tải sát bên nhau, với hàng trăm xe tải loại trung còn mới nguyên, chứng tỏ Quảng Ngãi đang có tiềm năng xây dựng và phát triển rất lớn.

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)
Núi Ấn sông Trà – Quảng Ngãi

Tôi không biết đích xác khoảng cách từ Quảng Ngãi đến Huế là bao nhiêu, nhưng tôi ước lượng không thể dưới 250km, và như vậy chúng tôi phải mất ít nhất 6 tiếng nữa mới tới thành phố Huế, có nghĩa là chúng tôi sẽ ăn cơm tối vào khoảng sau 10 giờ đêm. Khi đến ranh giới thành phố Đà Nẵng thì trời đã về chiều. Chúng tôi lợi dụng những tia nắng cuối cùng để đọc kinh Chiều. Thay vì đi vào thành phố, tài xế cho xe chạy theo đường vòng đai ngoài, hai bên quốc lộ là những cánh đồng lúa bát ngát, nhà cửa cũng thưa thớt hơn. Khi còn cách chân đèo Hải Vân chừng 20km, chúng tôi dừng xe tại một thị trấn nhỏ bên đường để xả hơi. Lúc này trời đã tối hẳn, và anh em cảm thấy kiến bắt đầu bò trong bụng. Cha Phó đoàn phải đi thu gom tất cả những bánh qui, bánh sandwich, bò cười trong mấy cửa tiệm gần đó mới đủ cho anh em mỗi người một chút gọi là “chữa cháy” trong cơn nguy khốn !

Dầu sao có chút “hồ” vào vẫn hơn, anh em cảm thấy lên tinh thần, tỉnh táo hơn. Phụ xế lúc này lại bắt đầu chiêu đãi một đĩa hài cho mọi người thỏa sức mà cười. Như đã thỏa thuận với tài xế là lúc đi, xe sẽ qua hầm Hải Vân để tranh thủ thời gian tới Huế càng sớm càng tốt, và trên đường về sẽ leo đèo Hải Vân khi trời còn sáng để anh em có dịp thưởng lãm cảnh đèo đẹp nhất Việt Nam với bãi biển Tiên Sa ở dưới và thành phố Đà Nẵng ở đàng xa. Thế nhưng vì sơ ý tài xế đã đi qua chỗ rẽ vào hầm Hải Vân lúc nào không hay, thế là chiếc xe đò cứ từ từ bò lên đèo, khi phát hiện ra thì đã quá trễ, không thể quay lại được. Tuy nhiên anh em cũng được dịp ngắm bãi biển Tiên Sa và thành phố Đà Nẵng ban đêm cũng hoành tráng không kém gì ban ngày.

Lên gần đến đỉnh đèo trời bắt đầu mưa và có gió khá mạnh. Lúc này mọi người như linh cảm được sự nguy hiểm leo đèo ban đêm. Mọi người im lặng, không ai nói với ai nửa lời. Sợ làm tài xế mất tập trung, tôi đề nghị phụ xế giảm volume lại. Cuối cùng anh ta tắt video luôn. Khi xe xuống hết đèo đến địa phận Lăng Cô thì anh em mới thở phào nhẹ nhõm, và lúc này mọi người lại nói chuyện huyên thuyên như thường lệ. Trong suốt thời gian hơn 30 phút vượt đèo Hải Vân chúng tôi không gặp bất cứ một xe nào đi ngược chiều cả, chỉ một xe con và một xe máy đi cùng chiều với chúng tôi. Có lẽ hai chiếc xe này cũng vô tình đi vào đèo như chúng tôi, chứ chẳng ai dại gì mà không đi qua hầm Hải Vân, vừa nhanh vừa an toàn !

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)
Đèo Hải Vân

Chặng đường từ Lăng Cô đến Huế dài 98km, nhưng vì trời mưa, lại cũng phải vượt qua nhiều đoạn đường hẹp và quanh co nên xe chúng tôi không thể đi nhanh hơn, ấy là chưa nói đến có thể bị bắn tốc độ nữa. Chính vì vậy mà thông tin liên lạc giữa cha Phó đoàn và cha Quản lý Trung tâm Mục vụ giáo phận Huế (TTMVGPH) – nơi chúng tôi sẽ ăn tối và nghỉ qua đêm – cứ liên tục được cập nhật. Ban đầu tính là chúng tôi sẽ ăn tối vào khoảng 8 giờ, rồi dời lại 9g 30 và cuối cùng thì mãi sau 11 giờ đêm chúng tôi mới tới nơi. Tới thành phố chúng tôi còn phải nhờ một anh Honda ôm dẫn lối thì mới tìm ra TTMVGPH.

Tuy đến trễ, nhưng cha Quản lý TTMVGPH vẫn chờ và ân cần tiếp đón chúng tôi; các sơ thì đã chuẩn bị đồ ăn từ lúc 7 giờ tối và vẫn túc trực tại phòng ăn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Sau khi nhận phòng, chúng tôi đi thẳng xuống phòng ăn : bữa ăn dù trễ và có phần hơi nguội nhưng anh em vẫn thấy ngon. Có lẽ đây là bữa ăn tối cộng đoàn trễ nhất từ xưa đến nay. Nhân đây, anh em Đa Minh xin hết lòng cám ơn cha Quản lý TTMVGPH và các sơ đã dành cho chúng con sự tiếp đón nồng nhiệt quá sự mong đợi. Chỉ mong có dịp được đón tiếp cha Quản lý và các sơ tại Trụ sở Tỉnh Dòng Đa Minh hay tại Nhà thờ Ba Chuông chúng con.

Sau khi ăn tối chúng tôi trở về phòng ngủ. Lúc này đã là 12g30. Một lần nữa, cha cố Thiện và tôi lại được ở chung phòng với nhau. Căn phòng tương đối rộng rãi, thoáng mát, với đầy đủ tiện nghi hiện đại : bàn làm việc, tủ âm tường, máy điều hòa đời mới, toilet loại 3 sao có bồn tắm nước nóng nước lạnh, tại các cầu thang và hành lang đều gắn loại đèn cảm ứng (có người đến gần tự động sáng, người đi khỏi chừng 5m tự động tắt). Sáng hôm sau hỏi anh em mới biết hầu hết các phòng tại TTMVGPH đều như vậy. Trong đầu óc tôi, tôi vẫn nghĩ Huế là nơi cổ kính thì cái gì cũng phải cỡ 100 năm tuổi trở lên, không ngờ lại có một TTMVGPH hiện đại và đồ sộ đến thế!

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)
Vương cung Thánh đường La Vang

Thánh địa La Vang

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy lúc 5g30 và dâng lễ lúc 6g00 tại nhà nguyện. Có 9 cha đồng tế với sự tham dự của các anh em sinh viên, tu huynh và một số sơ phục vụ tại TTMVGPH. Hôm đó là Thứ Năm, 22-7-2010, lễ kính thánh Maria Madalena. Cha cố Thiện được đề nghị chủ tế và chia sẻ trong thánh lễ. Chúng tôi ăn sáng với món đặc sản bún bò Huế và lên xe lúc 7g30 hướng về thánh địa Đức Mẹ La Vang.

Đây là ngày thứ ba trong cuộc hành trình ra Vinh. Chúng tôi chỉ còn chừng hơn 300km nữa là tới đích, cho nên không việc gì phải vội vàng. Trước khi ra khỏi Huế chúng tôi đi tìm một nhà máy nước đá để mua thêm đá cho chuyến đi, tìm mãi không thấy, cuối cùng gặp ngay một xe ba gác chở đá thế là cha Phó đoàn mua đứt nửa cây đá đưa lên xe. Chừng 9g15 xe đến La Vang. Trời hôm nay không nắng, cũng không mưa, thật là thời tiết lý tưởng để đi hành hương. Vì là ngày Thứ Năm trong tuần nên không có nhiều khách hành hương. Tôi đếm được 4 xe đò loại 47 chỗ tất cả, với một số xe hơi nhỏ. Cha Trưởng đoàn cho chúng tôi 45 phút để cầu nguyện và tham quan.

Riêng tôi đi ngay đến nhà thờ La Vang nơi mà tháp chuông của nhà thờ cũ vẫn còn được bảo tồn như một chứng tích của chiến tranh. Sau đó đi vòng ra đàng sau đài Đức Mẹ La Vang, nơi có cả một dãy những “vòi nước thiên thần” để cho những ai muốn lấy nước thánh uống tại chỗ hay mang về tùy thích. Kế đó là một căn nhà tôn còn lớn hơn nhà thờ La Vang đang xây dựng gần xong. Tôi hỏi cha phụ tá ở đó căn nhà tôn để làm gì mà lớn thế, ngài nói để cho khách hành hương trú mưa. Trước đài Đức Mẹ, một số anh em Đa Minh đang chắp tay cầu nguyện, phía bên trái đài Đức Mẹ có một gia đình gồm chừng 7, 8 người đang lớn tiếng lần chuổi Mân côi giọng Huế. Phía đàng xa cách đầu nhà thờ chừng hơn 100m là một công trình lớn bằng một sân đá bóng đang xây dựng, phía trước có một tượng Chúa Kitô vua khá lớn.

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)

 

Nếu so sánh La Vang hôm nay với La Vang mà tôi đến lần đầu vào ngày 13-8-1999 thì cũng không thay đổi nhiều lắm, trừ hai dãy nhà 3 tầng lầu mới xây dựng sau này gần cổng ra vào dành cho khách hành hương nghỉ đêm là hoàn toàn mới đối với tôi. Cũng tại một trong hai dãy nhà này tôi mua được một tượng Đức Mẹ cao chừng 15cm và một cái quạt bằng vải màu tím để làm kỷ niệm.

Lúc đầu tôi thấy 45 phút để cầu nguyện và tham quan La Vang có vẻ hơi lâu, nhưng không ngờ 45 phút lại qua nhanh đến thế. Đúng 10g05 mọi người đã có mặt để lên xe đi tiếp. Chúng tôi đi qua vùng “mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị, rồi Đông Hà, cuối cùng qua cầu Hiền Lương, vượt sông Bến Hải – con sông lịch sử đã từng là ranh giới phân cách hai miền Bắc Nam. Một lần nữa tôi lại có dịp trổ tài thuyết minh cho mấy anh em trẻ biết về những sự kiện liên quan đến khu vực lịch sử này – những anh em còn chưa sinh ra khi chiến tranh kết thúc và đất nước thống nhất !

Tháng 8-1999 tôi đã có dịp thực hiện một chuyến đi xuyên Việt cùng với gia đình đứa em Việt kiều Mỹ trên chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi qua vùng lửa đạn này. Nhưng lúc ấy có sự khác biệt rõ ràng giữa bờ phía nam và bờ phía bắc sông Bến Hải. Ở phía nam trù phú bao nhiêu thì bờ phía bắc lúc đó còn rất nghèo nàn, nhà cửa thưa thớt. Con đường từ cầu Bến Hải đến Đồng Hới lúc đó toàn là đường đất, với những ổ gà, ổ voi, vũng nước. Xe chúng tôi cứ phải liên tục vòng vo tránh các vũng nước trên đường. Chính vì thế mà chúng tôi bỏ La Vang năm đó vào lúc 5g chiều mà mãi tới gần 10 giờ đêm mới tới Đồng Hới !

Nhưng lần này thì khác hẳn, không còn sự khác biệt giữa hai bờ bắc Nam sông Bến Hải nữa. Con đường từ Bến Hải đến Đồng Hới bây giờ đã được trải nhựa thẳng tắp, hai bên quốc lộ có nhiều khu dân cư làm ăn có vẻ phát đạt, nhiều nhà xây mới, đẹp, có cả một số nhà dạng biệt thự hiện đại, giao thông rất sầm uất. Tôi mừng cho dân quê mình, đã chịu cảnh nghèo nhiều năm rồi thì nay được dịp đổi đời, ăn lên làm ra.

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)
Cầu Hiền Lương – Bến Hải

Quảng Bình : vẫn còn 150 cây số

Đúng 1g trưa chúng tôi đến thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cũng là lúc chúng tôi nghỉ chân để ăn trưa. Thấy phía bên kia đường có quán ăn với đặc sản “gà đồi”, mọi người đề nghị băng qua đường đến quán ăn đó để thưởng thức món “gà đồi” cho biết. Hóa ra đó là loại gà người ta nuôi trên đồi, thịt rất chắc và ngon hơn “gà đi bộ” trong miền Nam nữa. Nói chung, ngoài món “gà đồi” ra chúng tôi còn gọi thêm mấy món đặc sản khác nữa, mà món nào ăn cũng thấy ngon. Số phần cơm anh em chúng tôi gọi liên tục nên nhà hàng không nấu kịp, phải đi huy động mấy nhà hàng khác mới đủ! Có vẻ đây là bữa cơm ngon nhất từ đầu chuyến đi đến giờ!

Hai giờ chiều chúng tôi lại lên xe, mặc dù còn tới 150km nữa mới tới thành phố Vinh nhưng tôi có cảm giác nó rất gần. Thực ra, xét về mặt Giáo hội thì Quảng Bình đã là một tỉnh thuộc giáo phận Vinh của đức tân giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp rồi, cùng với hai tỉnh còn lại là Hà Tĩnh và Nghệ An. Tôi cứ ngẫm nghĩ, cuộc đời và sự quan phòng của Chúa có nhiều điều bất ngờ và kỳ lạ. Cách đây hơn một năm, có lẽ chính đức cha Hợp cũng không bao giờ nghĩ là một ngày kia mình sẽ điều hành một giáo phận bao trùm tới ba tỉnh, rộng hằng mấy chục ngàn km2 như thế này. Vậy mà bây giờ điều đó đã thành hiện thực!

Chúng tôi lần lượt đi qua các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch đến đèo Ngang rồi huyện Kỳ Anh. Tại đây xe dừng một lát để mọi người “xả sui”. Chiếc xe vừa dừng bánh cả một đoàn mấy chục em nhỏ bán trái sim và mía ùa đến mời chúng tôi mua. Khi thấy trong xe toàn đàn ông, một em tỏ vẻ thất vọng : “Ê, tụi bay ơi, xe không có đàn bà, chắc bán không được đâu!” Nhưng một vài em cố năn nỉ chúng tôi, cuối cùng thì cũng có người mua một vài bịch trái sim cho chúng khỏi buồn.

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)

Đến khoảng 5g chiều xe đến Hà Tĩnh. Điều không thể lẫn Hà Tĩnh với bất cứ thành phố nào trong cả nước đó là hai bên đường bày bán các loại Cu Đơ. Đây là thứ kẹo đậu phụng có kẹp hai miếng bánh tráng hình tròn ở hai bên, ăn vừa dòn vừa ngọt. Có một vài truyền thuyết về loại kẹo Cu Đơ này.

Một trong những câu truyện tôi đọc được trên báo nói rằng trước đây (thời Pháp thuộc) có một em bé tên là Hai, mà nhà quê quen gọi là Cu Hai ngày ngày bán thứ kẹo đậu phụng đó tại cổng trường học. Rồi một ngày kia một người nào đó đổi tên Cu Hai thành Cu Đơ (tiếng Pháp deux là hai) cho nó có vẻ Tây. Thế là từ đó người ta gọi thứ kẹo đậu phộng Cu Hai bán là Cu Đơ! Tôi không biết câu chuyện về nguồn gốc Cu Đơ này có chuẩn xác không?                                                                                     Đặc sản Cu Đơ

Ra khỏi thị xã Hà Tĩnh, chúng tôi bắt đầu đọc kinh Chiều. Sau đó tôi gọi di động cho cha BT Hiệu báo tin chúng tôi sắp tới nơi cho ngài an tâm. Chừng 6g chiều thì xe đi qua cầu Bến Thủy và đi vào thành phố Vinh không lâu sau đó. Thế là sau ba ngày, cuối cùng chúng tôi đã tới bến bình an vô sự. Xe đi lòng vòng trong thành phố một hồi, vừa để anh em có dịp ngắm thành phố Vinh, vừa để tìm đường đến địa điểm nghỉ đêm là một giáo xứ ở ngoại ô, cách thị xã Vinh 14, 15 cây số. Cuối cùng thì chỉ nhờ những hướng dẫn chi tiết qua ĐTDĐ giữa cha Phó đoàn và cha xứ địa phương tài xế mới đến được địa điểm muốn đến.

 

Chuyến đi đáng nhớ : đưa "Chàng" về "Zinh" (2)

 


Để lại một bình luận