CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B – 14/06/2015
Ed 17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Nhà giảng thuyết nên tìm thấy niềm an ủi và khích lệ trong dụ ngôn đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Tôi nhận ra điều này. Chúng ta cho là mình đã chuẩn bị tốt nhất cho tiến trình soạn bài giảng: suy gẫm, nghiên cứu, rồi chia sẻ cho cộng đoàn (“Nhận thức của cộng đoàn”), “một tay cầm tờ báo, một tay cầm cuốn Kinh Thánh”, soạn thảo và chuẩn bị điều sẽ nói. Điều này sẽ giúp chúng ta làm chủ được mình. Dù nỗ lực hết sức mình, nhưng kết quả sau cùng không phụ thuộc vào năng lực làm việc của chúng ta.
Dụ ngôn thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ những gì chúng ta làm khi giảng thuyết – vãi hạt giống xuống đất. Mỗi lần giảng, hạt giống vung ra khỏi tay. Chúng ta không biết được người khác có thể được tác động như thế nào bởi những gì mình giảng. Họ có được Lời Chúa chạm đến hay không? Điều đó không tuỳ thuộc chúng ta, nhưng là do sự hiện diện chủ động của Thiên Chúa nơi Lời được rao giảng. Đó là lý do tại sao dụ ngôn mang lại niềm vui và sự an ủi cho chúng ta, những nhà giảng thuyết.
Khi suy gẫm về dụ ngôn đầu tiên, phải chăng chúng ta bị thúc đẩy để “điền vào chỗ trống”? Bất cứ ai có chút kinh nghiệm làm vườn đều biết có nhiều việc phải làm sau khi hạt giống được “gieo” xuống đất. Chúng ta phải tưới nước, nhổ cỏ, cắt tỉa,… Ít nhất theo kinh nghiệm thông thường, chúng ta biết rằng có nhiều việc phải làm kể từ khi gieo giống đến lúc thu hoạch vụ mùa.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trên không được nói đến trong dụ ngôn. Phải chăng vì Đức Giêsu là thợ mộc chứ không phải là một nông dân? Có lẽ Người không có kinh nghiệm về nghề nông. Tôi không biết Người có bao nhiêu kinh nghiệm canh tác nữa. Những gì tôi biết là Người có kinh nghiệm đầu tay về cách htức hoạt động của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng khi Người kể cho chúng ta biết Nước Thiên Chúa như thế nào.
Chúng ta hãy tuân giữ lời Người và nhận lấy niềm an ủi Người ban cho trong dụ ngôn. Chúng ta cũng hãy mở rộng lòng người nghe. Bởi vì Người đang nói về cách thức mọi vật hoạt động trong Nước Thiên Chúa như thế nào, nên tất cả chúng ta cũng được kể đến trong dụ ngôn. Nếu chúng ta đọc Kinh Thánh và cầu nguyện theo cách thế riêng, chia sẻ Lời Chúa trong nhóm hay môi trường giáo lý, thì hãy gieo hạt giống đã được ngỏ với chúng ta.
Điều an ủi chúng ta, những người gieo giống, chính là hạt giống sẽ đem lại một vụ mùa ngay cả khi người nông dân “không biết bằng cách nào.” Có một năng lực hay sức mạnh đang hoạt động mỗi khi hạt giống được gieo xuống đất. Chúng ta không thể điều khiển hay chăm nom hạt giống trong toàn bộ tiến trình phát triển. Nó tự mọc lên. Không ai đề nghị chúng ta không phải làm nhiều việc trong Nước Chúa. Nhiều người trong chúng ta được chọn làm thừa tác viên, thay vì tất cả là các Kitô hữu, biết đó là chân lý. Nhưng chúng ta cảm thấy nhẹ lòng khi nghe dụ ngôn này. Một sức mạnh tăng trưởng vượt quá khả năng chúng ta đang hoạt động. Đến mùa gặt sẽ có “bông lúa nặng trĩu hạt”.
Chúng ta, những nhà giảng thuyết lưu động, có thể kín múc lòng nhiệt tâm từ dụ ngôn này. Chúng ta rao giảng hết nơi này đến nơi khác. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta dồn hết khả năng và sức lực của mình vào việc giảng thuyết? Còn chúng ta, dù là giáo lý viên, thầy cô giáo, nhà tổ chức lễ cưới và tang lễ, ca trưởng hay bậc cha mẹ, liệu rằng lời giảng của chúng ta có sản sinh hoa trái mỗi khi sinh viên và con cái chúng ta bước ra khỏi nhà, hay tiến đến một giai đoạn mới trong cuộc sống của chúng hay không?
Đó là lý do tại sao tôi tìm thấy sự an ủi trong dụ ngôn đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Điều này không chỉ dành cho chúng ta. Hạt giống sẽ nảy mầm và trổ sinh hoa trái, dù chúng ta biết hay không biết cách nào. Nó nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, nhưng chẳng có gì nằm ngoài bàn tay Thiên Chúa. Thánh Máccô kết thúc đoạn này như sau, “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.” Đó là những gì chúng ta nỗ lực thực hiện, hiểu Lời Chúa, nhờ đó Lời Chúa sẽ sản sinh một vụ mùa dồi dào cho chúng ta. Dụ ngôn cam đoan với chúng ta rằng quá trình sinh trưởng sẽ xảy ra ngay cả khi chúng ta, những nhà giảng thuyết và giảng viên, không nhận biết cách nào. Kế hoạch của Thiên Chúa sẽ sản sinh một vụ mùa.
Thánh Máccô cũng nói với chúng ta rằng, “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.” Điều đó mang đến sự thay đổi trọn vẹn trong cách suy nghĩ và hành động cho người môn đệ Đức Giêsu. Những gì Người nói không mang lại ý nghĩa cho người nghe, trừ phi họ sẵn lòng biến đổi và nhìn mọi sự từ viễn cảnh của Người. Nếu không, những gì họ nghe giống như những điều bí ẩn hay như những câu chuyện ngớ ngẩn.
Đức Giêsu khởi đầu các dụ ngôn hôm nay bằng việc kể rằng, “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như…” Quý vị nhớ rằng những lời mở đầu trong Tin Mừng Máccô đều nói về Nước Trời. “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (1,15). Đó là chủ đề xuyên suốt Tin Mừng Máccô. Bất cứ khi nào Đức Giêsu nói hay hành động đều tỏ hiện Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người không nói về cuộc sống mai sau, nhưng về việc “vào Nước Trời.” Việc chỉ tập trung vào cuộc sống mai sau sẽ làm phai mờ đi quyền năng trong những gì Đức Giêsu đến để thực hiện.
Đúng hơn, “Triều đại Thiên Chúa” là cách thức Tin Mừng diễn tả Thiên Chúa hành động trong cuộc đời chúng ta ngay lúc này. Đức Giêsu mang đến một lối sống mới, trong đó chúng ta nhận ra và đáp lại sự hiện diện sinh động của Thiên Chúa trong tất cả các biến cố của cuộc đời. Ngay cả khi chúng ta không thấy được kết quả nhãn tiền từ những việc lành của mình, dụ ngôn vẫn luôn khích lệ chúng ta kiên nhẫn. Khi dường như không có gì thay đổi, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình bởi vì Người Gieo Giống đang hiện diện, Đấng đang gieo hạt, sẽ trổ sinh, và cuối cùng, Người sẽ đến để gặt hái kết quả. Người nóng vội không phải là những nhà nông giỏi; những môn đệ thiếu kiên nhẫn sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Nếu hôm nay Đức Giêsu nói với chúng ta, thì Người sẽ làm ngược lại với tính nóng vội và nản lòng của chúng ta, đồng thời Người sẽ nói, “Phải bền chí, ta vẫn chưa hoàn tất đâu”.
Có một khía cạnh ẩn giấu và kín đáo trong dụ ngôn đầu tiên. Người nông dân “có ngủ hay thức, đêm hay ngày.” Dù với công việc thường nhật của mình – ngày hay đêm – những hoạt động khác vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng ta mong đạt được những kết quả nào từ những nỗ lực của mình? Các hoa trái sẽ xuất hiện, nhưng không với tiếng kèn hay giọng nói từ trời cao. Sinh trưởng trong âm thầm và diễn ra trong ánh sáng ban ngày, nhưng cũng trong bóng đêm và tối tăm. Hạt giống sẽ lớn lên mà không cần ánh sáng chiếu rọi hay tiếng trống trổi vang.
Chúng ta, những người môn đệ, nghe thấy dụ ngôn này, hãy gieo trồng Lời vào trong tâm hồn và để cho Lời đáng tin cậy được lớn lên, cho dù chúng ta không nhận ra được sự tăng trưởng đó. Kết quả sẽ là một vụ mùa do sự bền chí và nhẫn nại, khi chúng ta không ngừng thực hiện việc gieo trồng Hạt Giống Tin Mừng. Một khi khắc ghi dụ ngôn này trong lòng, chúng ta sẽ có đôi tai và cặp mắt sắc bén để nhận ra vụ mùa nơi các sự kiện có vẻ rất thông thường trong mỗi ngày sống của mình.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ