4. Bức họa cuộc tử đạo thánh PX Nguyễn Cần

 

4. Bức họa cuộc tử đạo của thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Cần,
ngày 20-11-1837 tại Hà Nội

Kim Ân

4. Bức họa cuộc tử đạo thánh PX Nguyễn CầnBức họa cao 1,675 m, rộng 1,196 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện. Nét vẽ trong bức họa này kém sắc sảo so với các bức họa khác. Chúng tôi tạm chia bố cục bức họa làm bốn phần: thẩm vấn 1 – thẩm vấn 2 – dẫn ra pháp trường – cảnh hành quyết.

Thẩm vấn 1: Ở góc trái, phía dưới, bức họa giới thiệu cảnh một tội nhân đeo gông và bị căng ra trước thềm một căn nhà. Một người mặc áo xanh, quần điều, đang ngồi trong nhà, xung quanh có những nhóm người đang đứng hoặc ngồi. Phía trên, góc phải của căn nhà là hai chữ Hán “huyện nha”. Ở đây, chúng tôi thiển nghĩ cần giải thích thêm rằng trên đường chuyển thư của Đức Cha Retord Liêu cho cha Tuần, ngày 19-04-1836, thầy Nguyễn Cần bị bắt tại làng Ke-Vac (Kẻ Vác), bị đánh đòn rồi vài ngày sau bị giải tới huyện đường Thanh Trì. Hẳn phần này của bức họa này đã vẽ cảnh diễn ra tại huyện nha Thanh Trì.

Thẩm vấn 2: Phần này chiếm gần trọn nửa trên của bức họa với một tòa thành lớn, có kì đài cao. Ở tường thành, ngay phía chân kì đài là dòng chữ Hán “Hà Nội tỉnh thành”, cổng bên trái có chữ “đông môn” và cổng bên phải có chữ “bắc môn”. Phía trong tòa thành có hai khu nhà với tường bao quanh. Phía trên khu nhà bên phải có dòng chữ “tổng đốc quan”. Sau khi bị bắt và giải tới Thanh Trì, thánh nhân bị giải tới Hà Nội và bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc, bị đánh đòn và ép buộc bước qua thập giá. Trong bức họa, trước mặt quan tổng đốc, hai tên lính đang cầm hai đầu gông để kéo thánh nhân bước qua thập giá. Thánh nhân co chân lên để không chạm chân lên biểu tượng thiêng thánh. Ở cổng khu nhà bên trái có hai chữ “ngục môn” – cổng nhà ngục, phía trong là cảnh thánh nhân đeo gông, bị cùm chân, với nhiều tù nhân khác xung quanh [19].

Dẫn ra pháp trường: Ngày 20-11-1837, một đội quân đông đảo áp giải [20] thánh nhân qua cửa bắc đi ra pháp trường Ô Cầu Giấy. Bức họa giới thiệu một phần đoàn người đi ra pháp trường. Thánh nhân đeo gông, mặc áo đỏ, tay chỉ lên trời. Khi ra khỏi cổng thành, đoàn người dừng lại để chờ sáu tử tội khác cùng bị hành quyết hôm đó. Thánh nhân đã tận dụng cơ hội này để giảng, trong khoảng một giờ, một bài ứng khẩu cho đám quan lại, quân lính và đông đảo dân chúng đi theo về sự chết. Một tên lính đứng phía trước thánh nhân vác một phiến gỗ có những chữ Hán “nhất bài Nguyễn Tiến Truật …” [21].

Cảnh hành quyết: Cảnh hành quyết được vẽ theo góc nhìn phi điểu. Một đội quân cầm giáo đứng vòng quanh pháp trường. Phía góc trái pháp trường là ba viên quan cưỡi voi, một viên quan mặc áo đỏ đang quát loa. Xa xa, những đám dân chúng đang túm tụm đứng xem cuộc xử án. Bên trong vòng quân cầm giáo, một người phụ nữ đứng chắp tay quay về phía viên quan cầm loa, phía đầu bà ta có những chữ “… hồi mai tang thổ”. Gần nơi hành quyết, cách người phụ nữ đó không xa là một người phụ nữ khác đang bưng khay. Bà ta và một nhóm giáo dân đã chuẩn bị một bữa tiệc với chút rượu cho thánh nhân ăn trước khi chịu hành hình. Gần chỗ bà ta đứng là bốn phụ nữ, kẻ đứng người ngồi, một bà đang cầm trong tay xấp vải [22].

Trong số sáu tử tội cùng chịu án với thánh nhân, bốn người đã bị chém đầu, một người khác đang bị tên đao phủ kề gươm vào cổ, một người vẫn còn quì giữa pháp trường. Gần nơi hành quyết thánh nhân, gông và xiềng vừa được gỡ ra. Thánh nhân vừa bị xử giảo, tức xiết cổ. Hai toán lính hai bên vẫn đang cầm sợi xích tròng qua cổ thánh nhân, một tên lính mặc áo xanh đang nghiêng người về phía thánh nhân [23]. Một tên đao phủ đang dùng gươm cắt cổ thánh nhân [24]. Bản án thánh nhân cũng được ghi trên một phiến gỗ sơn vôi và cắm gần bên nơi hành quyết. Nội dung bản án bằng chữ Hán như sau: “Nguyễn Tiến Truật quán Thường Tín phủ Sơn Miêng xã cai phạm bản [quốc?] tòng Gia Tô đạo hựu bất khẳng khoá quá thập tự thẩm án xử cấp lập quyết tư bài. Minh Mạng thập bát niên cửu nguyệt thập bát nhật.” [25]

——

[17] Xem MEP, La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères, Charles Douniol, libraire-éditeur, Paris 1865, tr. 143.

[18] Xem MEP, sđd, tr. 143; xem thêm MEP, La salle des Martyrs, 1988, tr. 5.

[19] Cuốn La salle des Martyrs du séminaire des Missions-étrangères do hội MEP ấn hành năm 1865, ở trang 20 cho biết thêm rằng quan tổng đốc đã giam chung thánh nhân với những tên tù đại phạm. Cuốn sđd ở trang 148 trích lại lời thánh nhân rằng: “Tôi bị giam chung với mười lăm tên vô lại ngoại giáo mà lời lẽ và hành động thật đáng ghê tởm”.

[20] Cuốn sđd, trang 155 thuật lại rằng đoàn áp giải gồm năm viên quan cưỡi voi dẫn đầu, sau đó là hai viên sĩ quan cưỡi ngựa, ba trăm lính mặc áo điều, gươm tuốt trần.

[21] Nguyễn Tiến Truật là tên chính thức của thánh nhân.

[22] Cuốn sđd, trang 156 thuật lại rằng vào lúc hành hình thánh nhân, một nhóm giáo dân, đàn ông và đàn bà đã chạy xuyên qua hàng rào quân lính

[23] Cuốn sđd, trang 156 cho biết toán lính gồm mười hai tên, chia thành hai nhóm, đứng bên phải và bên trái thánh nhân. Cuốn sách cũng nói rằng khi giờ hành quyết điểm, có hai tên lính đã tới ghé vào tai thánh nhân thầm thì điều gì đó.

[24] Cuốn sđd, ở trang 20-21 và 157 cho biết rằng theo thông lệ, các tên lính dung lửa đốt gan bàn nhân các tử tội, và vì có tin đồn rằng các Kitô hữu có thể phục sinh sau ba ngày, một tên đao phủ đã dùng gươm cắt cổ thánh nhân.

[25] Chúng tôi xin tạm dịch bản án như sau: “Nguyễn Tiến Truật quê tại xã Sơn Miêng, phủ Thường Tín, người bản quốc phạm tội theo đạo Gia Tô lại không chịu bước qua thập tự, xét án xử lập tức. Ngày mười tám tháng chín năm Minh Mạng thứ mười tám”.

 

Để lại một bình luận