Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’
“Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”
Gợi ý suy niệm
Chúng ta đã ở vào giữa Mùa chay, chỉ còn một thời gian nữa là đến lễ Phục sinh. Mùa chay là mùa được kêu mời trở lại, chúng ta hãy can đảm nhận khuyết điểm, sai phạm của mình, để mạnh dạn trở về cùng Chúa, cùng Giáo hội của Ngài. Thiên Chúa nhân từ trong vai người cha nhân hậu và yêu thương hôm nay, bảo đảm cho sự lầm lỗi của con người yếu đuối, sẽ được tha thứ. Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ngài đang chờ đợi từng người một trở về.
Đừng nghĩ rằng tội lỗi mình quá nặng, nên không thể giao hoà với Chúa. Cũng đừng cho rằng ân sủng của Chúa không đủ để phục hồi tội lỗi của mình. Hãy thống hối, hãy trở về, sẽ được thứ tha hết mọi lỗi lầm lớn nhỏ. Hãy tạ ơn Chúa, vì tạ ơn là có khả năng ý thức mình là kẻ có tội, và từ đó tập chú vào lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện đứa con hoang đàng hối hận trở về và được Cha mở rộng vòng tay tha thứ.
Chúng ta là những đứa con hoang đàng và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đón chúng ta trở về để tha thứ và phục hồi tư cách làm con. Thánh lễ hôm nay là một dịp tốt để chúng ta trở về.
Chúng ta hãy mượn lời đứa con hoang đàng để bày tỏ với Chúa tâm tình sám hối chân thành:
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã rời bỏ nhà Cha để chạy theo những cám dỗ của thế gian. Xin Chúa thương xót…
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã không yêu thương anh chị em của con. Xin Chúa Kitô thương xót…
– Thưa Cha, con thật đắc tội vì đã nuông chiều xác thịt mà làm mất lòng Cha. Xin Chúa thương xót…
Dụ ngôn người cha nhân từ : Hình ảnh người Cha trong bài Phúc Âm minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.
“Xin cha ban cho con phần gia tài thuộc về con”: Thông thường cha chỉ chia gia tài cho các con khi gần chết. Tuy thực tế có những trường hợp cha chia gia tài cho con ngay lúc ông còn mạnh khoẻ (x Tb 8,21), nhưng đó là tự ý người cha chứ không do đòi hỏi của con. Hơn nữa sách Huấn ca, 1 quyển sưu tập những lời dạy khôn ngoan, đã khuyên đừng bao giờ làm như thế bởi vì “nắm tiền là nắm quyền”, khi đã chia gia tài cho con rồi thì không còn điều khiển chúng nỗi nữa, trái lại có thể còn bị chúng ngược đãi (Hc 33,20-24). Người cha trong dụ ngôn này đã không khôn ngoan tính kỹ như vậy, vì ông quá thương con.
– Người cha này là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhiều người trách Thiên Chúa sao quá hiền lành không trừng phạt “nhãn tiền” những người tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ Tự Do. Mà tự do nghĩa là có thể vâng lời hoặc không vâng lời Thiên Chúa. Vậy không nên trách Thiên Chúa mà chỉ nên cám ơn Thiên Chúa đã quá yêu thương loài người. Có trách là trách loài người đã xử dụng sai quyền tự do của mình.
Sau khi lãnh gia tài, đứa con thứ liền ra đi sống bê tha phung phí hết của cải và rơi vào tình trạng khốn khổ.
– “Chăn heo” : người do thái coi heo là đồ ghê tởm. Thịt heo họ còn không ăn. Thế mà đứa con này phải đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng xuống dốc đến tột cùng.
Trong lúc xuống dốc tột cùng như thế, nó muốn quay trở về với cha. Đây cũng là tâm lý của kẻ tội lỗi : khi sung sướng thì quên Chúa, quên đạo lý. Lúc khổ sở mới biết hối hận.
Trước lúc quay về, nó soạn sẵn 1 bài tự thú. Ta hãy chú ý là bài tự thú này khá dài (2 câu 18-19)
Câu này chứa nhiều chi tiết chứng tỏ tình thương vô bờ bến của người cha nhân lành:
– “Khi cậu còn ở đàng xa, Cha cậu trông thấy” : Một người cha bình thường khi con bỏ nhà ra đi thì tức giận và có thể còn từ con luôn. Nhưng người cha này không như vậy. Chi tiết ông trông thấy con từ xa có nghĩa là sau khi nó ra đi ông rất thương tiếc nó, thường xuyên đứng trước ngõ trông chờ nó, nhờ đó mới thấy bóng dáng nó từ đàng xa.
Ý nghĩa: khi con người đi đàng tội lỗi, TC không từ bỏ con người nhưng luôn trông chờ con người hối hận quay về.
– “Liền động lòng thương”: Đối với những người cha bình thường, cho dù độ lương bao nhiêu đi nữa với đứa con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi, khi thấy nó về thì phản ứng đầu tiên là chửi mắng, hoặc ít ra là lạnh nhạt. Người cha này không thế, phản ứng đầu tiên của ông là “liền động lòng thương”.
– “Chạy lại”: Ta nên hiểu chi tiết này theo tâm lý người phương đông. Những người phương đông (trong đó có do thái) giỏi kềm chế cảm xúc của mình, nhất là những người đàn ông. Đàn ông càng lớn tuổi càng phải đi đứng chửng chạc. Nhưng người cha phương đông trong dụ ngôn này chẳng những không kềm chế tình cảm mà còn “chạy”! Vì tình cảm thương con quá lớn, ông không kềm chế nỗi nữa rồi.
– “Ôm vào lòng hôn con tha thiết”: cử chỉ này không chỉ là biểu lộ một tình thương mãnh liệt mà còn có ý nghĩa tha thứ. Ôm hôn là biểu lôï sự tha thứ (xem chuyện Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi.
– Khi đó đứa con bắt đầu đọc bài tự thú mà nó đã học thuộc lòng. Nên lưu ý là nó đọc chưa xong thì người cha đã không nghe nữa. Ông không cần lời lẽ của nó, nguyên việc nó quay về với ông đã đủ. Ông còn bận tổ chức tiệc mừng.
– “Mau mau đi”: tha thứ nhanh chóng, nôn nóng mở tiệc mừng.
– “Đem áo dài tốt nhất mặc cho cậu”: Áo chỉ thân phận của người mặc áo. Đứa con này đã đánh mất chiếc áo làm con để thay vào chiếc áo chăn heo. Nay nó được cho mặc “áo dài tốt nhất” tức là nó được trả lại quyền làm con. Chú ý là nó đã tự thú “Con không đáng cha nhận làm con cha nữa. Xin cha cứ coi con như đứa làm thuê”.
– “Đeo nhẫn vào tay”: nhẫn là món chỉ có những người quý phái mới mang.
– “Xỏ giầy vào chân cậu”: theo tục lệ do thái, đầy tớ không mang giầy (mà chỉ xách giầy cho chủ).
– “Bắt con bò tơ chúng ta đã nuôi cho béo”: không phải bất cứ con bò béo nào, mà con bò “chúng ta đã nuôi cho béo”. Nghĩa là người cha đã dự trù sẵn bữa tiệc mừng này nên đã chỉ định một con bò phải nuôi cho béo. 1 chi tiết nữa cho ta thấy người cha lúc nào cũng trông con quay về.
Phần thứ hai của dụ ngôn nói về người anh
– “Bao nhiêu năm trời tôi phục vụ ông”: những người biệt phái và thông giáo cũng nghĩ rằng họ “phục vụ” Thiên Chúa hết lòng bằng cách tuân giữ mọi lề luật không sai phạm chút nào.
“Thằng con của ông đó”: người con trưởng không coi người con thứ là em mình.
“Em con đây”: người cha sửa lại lời lẽ sai lầm của người con trưởng.
Thật là một dụ ngôn cảm động. Những nét mô tả tình cảm của người cha trong dụ ngôn này khó mà có được nơi một người cha bình thường trong thế gian này mà chỉ có thể áp dụng vào Thiên Chúa nhân lành vô cùng.
Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội. Nói như thế là để chúng ta càng hiểu được tấm lòng của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa. tình Chúa lớn hơn tội lỗi chúng con bội phần. Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha cũng biết rộng lượng tha thứ cho nhau, để mỗi ngày chúng con càng nên xứng đáng với Chúa.
Lạy Cha, hình ảnh người con cả và người con thứ đều cho thấy con người trác táng, nhỏ mọn của nhân loại tội lỗi chúng con. Chỉ có người Cha là tuyệt vời! Dù chúng con thế nào đi nữa, Cha vẫn yêu. Cha yêu từng người con, và muốn những người con của Cha biết yêu nhau, biết cảm thông với nhau. Xin Cha dạy chúng con bài học yêu thương, bao dung của Cha để chúng con biết sống chan hòa với Cha và với nhau. Tất cả chúng con đều là tội nhân.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Hôm nay Chúa đã dạy con: Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót, sẽ tha thứ tất cả nếu con thật lòng quay đầu trở về, gieo mình vào vòng tay yêu thương của Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa là cha yêu thương trước khi con yêu thương Ngài, Ngài luôn đi tìm con trước khi con tìm Ngài và Ngài luôn mở rộng đôi tay chờ đón con quay trở lại với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho con dám nhìn lại con người thật của mình, để thấy được những yếu đuối nơi bản thân mà biết nương tựa vào Chúa. Xin cho con can đảm trở về với Chúa, vì tin rằng tình Chúa lớn hơn tội con gấp bội. Ước gì sau mỗi lần được Chúa thứ tha, con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân, để con luôn được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.