Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Gợi ý suy niệm
Sau khi công bố Hiến chương Nước trời, Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi cụ thể: chúng ta phải thương yêu nhau.
Đây là lề luật phải giữ, phải thực hiện. Để đi xa hơn, Đức Giêsu còn đòi hỏi các môn đệ Ngài phải yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của mình và bách hại mình. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tha thứ cho kẻ thù và đừng bao giờ lên án ai, đừng bao giờ dùng bạo lực, tốt nhất là làm cho tha nhân điều mà ta muốn tha nhân làm cho mình.
Lý do của tất cả cách cư xử trên là vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Cha chúng ta như thế nào, chúng ta cũng phải sống như vậy, vì thế chúng ta yêu thương, tha thứ, đừng xét đoán, biết cho đi…
Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức bác ái: hãy yêu thương kẻ thù. Ngài dạy chúng ta cách sống, các cư xử đối với mọi người. Ngài dạy chúng ta yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm cả những người không thương, ghét chúng ta, thậm chí cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.
Không có giới răn nào gây ra nhiều tranh cãi cho bằng giới răn dạy yêu thương kẻ thù. Trước khi có thể vâng giữ luật đó, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ngôn ngữ Hy lạp có 3 tiếng để chỉ yêu thương:
a) EROS: ái tình, chỉ tình yêu thương về xác thịt, như nam nữ yêu nhau.
b) PHILO: yêu mến, tình yêu giữa người thân thuộc, có tính cách tự nhiên.
Cả hai từ này không được dùng ở đây.
c) AGAPE: bác ái, tình yêu không đến tự nhiên nhưng do cố gắng, được hướng dẫn của ý chí. Một lòng trắc ẩn đối với người khác, dù người đó có xử tệ, ăn ở xấu thế nào đi nữa, chỉ mong sao cho người ấy được hạnh phúc, được lợi ích, tình nguyện và quyết tâm hy sinh để ăn ở tốt với người ấy.
Điều này rất ý nghĩa, chúng ta không thể yêu kẻ thù như yêu những người thân của chúng ta, vì như thế là phản tự nhiên, không thể có được, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng, bất kể người nào đó làm gì đối với chúng ta, dù họ làm nhục chúng ta, bạc đãi, làm tổn thương chúng ta, thì chúng ta cứ tìm điều lành cho họ. Điều khác biệt ở chỗ này là tình yêu của chúng ta đối với người thân thuộc là điều tất yếu tự nhiên không tránh được, tự nhiên lòng chúng ta hướng về đó, nhưng tình yêu đối với kẻ thù không những là một việc của trái tim, của tấm lòng, mà còn là việc của ý chí nữa. Đó là việc mà nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ thực hiện được.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương kẻ thù. Thật là một giáo huấn khó thực hiện nhưng không phải là bất khả thi, tức là có thể thực hiện được, và dĩ nhiên để có thể thực hiện đòi hỏi người ta một tình yêu vượt trên tình yêu bình thường. Nhưng chỉ hiểu biết được giáo huấn của Chúa thì chưa đủ, cần chúng ta thực hiện lời giáo huấn bằng những hành động cụ thể. Theo đó, chúng ta có thể làm ba việc tiêu biểu: tha thứ, làm ơn lành và cầu nguyện cho kẻ thù. Chắc chắn việc tha thứ và hơn nữa, làm ơn cho kẻ làm hại mình là một điều rất khó, nếu không có ơn Chúa giúp. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn phải xác tín rằng Chúa không bao giờ dạy chúng ta làm một điều mà Chúa biết rõ chúng ta không có khả năng để làm. Trong cuộc đời các thánh, chúng ta thấy biết bao người đã noi gương Chúa Giêsu tha thứ cho kẻ làm hại mình.
Tha thứ là việc rất khó, cần ơn Chúa giúp. Ước gì chúng ta hãy khiêm tốn nài xin Chúa giúp. Mỗi khi gặp ai làm hại mình, hãy nhớ Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã thưa: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”
Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta hãy để ý câu xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, với con người đầy ích kỷ và hẹp hòi của chúng con, chúng con cảm thấy mình như kẻ khờ khạo đối với người đời.Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương khôn ngoan đích thực của chính Chúa. Chúa đã trở nên như đồ chúc dữ chỉ vì yêu thương. Nhìn gương Chúa và nghe lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết chọn phần khôn ngoan đích thực là sống như Chúa và làm theo Chúa. Trở nên giống Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.