Ngày 20-02-2025, Thứ Năm, Tuần VI Thường Niên.

Ngày 20-02-2025, Thứ Năm, Tuần VI Thường Niên.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô(Mc 8,27-33)

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Gợi ý suy niệm

Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.

Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, thuỷ tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giêsu.

Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.

Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.

Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ.

Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, ở thời nào cũng có những người hiểu Chúa một cách mơ hồ, và đôi khi còn hiểu cách lệch lạc nữa. Mỗi người nói một kiểu, nhưng chẳng ai nói đúng sự thật về Chúa cả. Chỉ có mình thánh Phêrô là người đã theo Chúa, được sống với Chúa bao tháng ngày, và là người có đức tin mạnh mẽ, nên mới nói được Chúa là Đức Kitô.

Còn con, con cũng theo Chúa bao nhiêu tháng ngày, con cũng có những kinh nghiệm sống với Chúa. Thế mà con lại biết Chúa cách sơ sài nông cạn. Con chưa xác tín Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ. Con chưa thể cảm nghiệm được chân lý ấy trong sâu thẳm của lòng con, chưa để cho chân lý ấy thấm nhuần vào toàn thể đời sống con. Hôm nay, một lần nữa Chúa hỏi con: “Còn con, con bảo Thầy là ai?”.

Vâng, lạy Chúa Giêsu, Chúa thật là Đức Kitô. Không những con tuyên xưng điều ấy nơi môi miệng, mà hơn nữa con tuyên xưng cả trong cuộc sống, lúc vui tươi nhàn hạ và cả những lúc vất vả khổ đau. Xin thêm đức tin cho con, để con tuyên xưng Chúa cho những người khác: cho những người chưa nhận biết Chúa, những người hiểu Chúa cách mơ hồ, những người hiểu Chúa cách sai lạc, và ngay cả những người chống đối Chúa nữa.

Lạy Chúa, như thánh Phêrô, con vẫn chưa hiểu hết sứ mạng đau khổ của Chúa. Xin Chúa cho con được hiểu biết Chúa mỗi ngày một đầy đủ chính xác hơn. Xin Chúa giúp con thay đổi nếp suy nghĩ của con bằng những tư tưởng của Chúa, để con bước theo Chúa trên con đường khổ đau, và nhờ đó con đạt đến ơn cứu độ. Amen.