Như một truyền thống đẹp, mỗi năm cứ đến ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su xuống thế làm người, tất cả các nhà thờ Công Giáo đều thiết kế một hang đá thường được gọi là hang Belem. Gọi là hang Belem vì Chúa Giê-su sinh ra tại Belem, miền Giu-đê.
Nói đến hang Belem, tưởng chúng ta cũng nên biết, “Nguồn gốc sự trưng bày hang Belem được cho là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi. Năm 1223 ở Greccio, để chuẩn bị thuyết giảng về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong thân phận khó khăn nghèo hèn, thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa…” (nguồn: internet).
Ngày nay, như chúng ta thường thấy, thiết kế khung cảnh hang Belem, người ta trưng bày hình ảnh thánh Giu-se, Đức Maria và Hài Nhi Giê-su. Ngoài ra, còn có các thiên thần, các mục đồng cùng với đoàn chiên của họ.
Có một hình ảnh không thể thiếu, và được trang trí rất công phu. Đó là hình ảnh các ngôi sao. Người ta treo một ngôi sao rất lớn trên đỉnh nóc nhà thờ, kèm theo đó là nhiều ngôi sao nhỏ, tỏa dài xuống tận mặt đất.
Có thể nói là cả một rừng sao. Và, có lẽ chính vì thế mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã gọi Mùa Giáng Sinh là Mùa-sao-sáng! Vâng, tuy là “người ngoại đạo” nhưng ông ta “tin có Chúa ngự trên cao”. Và thế là vào năm 1967, một nhạc phẩm mang tên “Mùa sao sáng” đã được ông ta cho ra đời, với những lời ca thâm trầm, thiết tha.
“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la. Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam… Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời. Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao. Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn. Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.” (Nguyễn-văn-Đông).
Chưa hết, còn… còn một hình ảnh nữa, được trưng bày nơi hang Belem, đó là hình ảnh các nhà chiêm tinh.
Vì sao lại có chuyện treo một-ngôi-sao-rất-lớn-trên-
Vâng, sự kiện lịch sử này đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, với tiêu đề: “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi.”
**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu, câu chuyện được ghi lại như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem” (x.Mt 2, 1-2).
Nói tới Giê-ru-sa-lem, nên chăng, chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về lịch sử của địa danh này! Vâng, “Vào năm 2892 (869 TCN) Vua Đa vít đã chiếm giữ thành phố này và lập thành thủ đô vĩnh cửu của đất nước Do Thái. Kể từ đó đến nay, Giê-ru-sa-lem trở thành thành phố quan trọng nhất của người Do Thái, cả về đời sống tôn giáo, lẫn đời sống chính trị.
Thành phố Giê-ru-sa-lem chứa trọn ước mơ và hy vọng của bao thế hệ Do Thái. Mặc dù thành phố bị đánh chiếm, tái chiếm và san bằng nhiều lần, nhưng người Do Thái vẫn coi đó như là thủ đô của họ. Bất kể thành phố đang ở dưới thẩm quyền của ai, người ta có thể công nhận hay không công nhận, thì đó vẫn là thủ đô của người Do Thái.
Hằng ngày ba lần, từ khi có thành phố Giê-ru-sa-lem cho đến ngày nay, người Do Thái vẫn hướng về Giê-ru-sa-lem và cầu nguyện với Đức Chúa Trời rằng: ‘hãy trở về Giê-ru-sa-lem, thành phố của Chúa, với lòng thương xót’…” (nguồn: facebook.mucvudothai).
Trở lại với mấy nhà chiêm tinh. Hôm ấy, mấy nhà chiêm tinh không “trở về Giê-ru-sa-lem” nhưng là “đến Giê-ru-sa-lem”. Đến Giê-ru-sa-lem, quý ông chiêm tinh gặp cư dân bản địa và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?”.
Đồng thời, các ông đã nói cho mọi người biết rằng: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Một người Do Thái mới sinh, được xem như là Đức Vua, và hôm nay, mấy nhà chiêm tinh muốn đến bái lạy, thì có phần chắc, đó là điều gây hoang mang không chỉ cho ông vua tại vị lúc bấy giờ, mà còn cho cả toàn dân.
Mà đúng vậy, khi nguồn tin này đến tai vua Hê-rô-đê, chuyện kể rằng: “Vua bối rối”. Còn cư dân thì… “cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”. (Mt 2, 3).
Trong sự bối rối, Hê-rô-đê muốn xác minh sự thật. Thế là: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”
Khi “bá quan văn võ” tề tựu đông đủ, họ trả lời, rằng: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, đó là một câu trả lời hợp lẽ. Rất hợp lẽ, “vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).
Vậy là, điều mấy nhà chiêm tinh muốn tìm, nay đã tìm thấy. Nơi họ muốn đến, nay đã rõ địa chỉ. Thế là, những con lạc đà, trên lưng là mấy nhà chiêm tinh, lại tiếp tục cuộc hành trình.
Rồi khi hoàng hôn buông xuống, và cũng là lúc trời về đêm, một-trời-đầy-sao-nghìn-hào-
Vâng, thật lạ… “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Trông thấy ngôi sao (dừng lại), “họ mừng rỡ vô cùng”.
Và rồi, chuyện kể tiếp rằng: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria”. Không do dự, mấy nhà chiêm tinh “liền sấp mình thờ lạy Người.” Với tất cả sự tôn kính “Họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhủ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (x.Mt 2, 11).
***
Mấy nhà chiêm tinh, nói theo ngôn ngữ của bóng đá, mới hoàn tất “lượt đi”. Còn “lượt về” nữa. Vâng, còn chuyến trở về.
Chuyến trở về, theo lời dặn của vua Hê-rô-đê, mấy nhà chiêm tinh sẽ “tái ngộ” ông ta. Tái ngộ để tường thuật “tường tận về Hài Nhi”, cho ông ta biết.
Biết để làm gì? Thưa, hôm trước, khi gặp mấy nhà chiêm tinh tại Giê-ru-sa-lem, “Vua Hê-rô-đê đã bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Be-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi, dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (x.Mt 2, 7-8).
Thế, mấy nhà chiêm tinh, có trở về gặp lại Hê-rô-đê? Thưa không. Mấy nhà chiêm tinh “được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”. Thế là họ “đã đi lối khác mà về xứ mình.”
Trên đường về, chúng ta có thể tưởng tượng, các ông vừa đi vừa cất tiếng ca: “Tôi đã thấy mặt trời lên sau đêm dài tăm tối triền miên… Tôi đã thấy trời hừng lên, sau mưa dầm rả rích ngày đêm…” (trích đoạn: Từ một cơn mơ. Tác giả: Ngô Mạnh Thu).
Tưởng tượng mấy nhà chiêm tinh “đã thấy mặt trời lên”, gợi cho chúng ta nhớ đến điều mà xưa kia ngôn sứ Êdêkiel “cũng đã thấy”.
Theo lời ngôn sứ Ê-dê-ki-el kể: “Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải.” Điều này thật trùng khớp với “vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”
Còn nữa… Ê-dê-ki-el kể tiếp rằng: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến.”(x.Ed 47, 1-9. 12).
Những gì ngôn sứ Ê-dê-ki-el kể lại, chính là nguồn cảm hứng để Giáo Hội tiếp lời loan báo, rằng: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.
Nhắc lại những điều nêu trên, để thấy rằng, sự tưởng tượng của chúng ta, cũng là điều hợp lẽ. Hợp lẽ vì, thấy-mặt-trời-lên-sau-đêm-dài-
Hài Nhi Giê-su là gì nếu không phải là “Mặt Trời Công Chính”! “Ngôn sứ Malachi đặt danh hiệu ‘mặt trời công chính’ là nhằm ám chỉ Thiên Chúa của dân Israel. Đối với những ai coi cuộc đời của mình như sự ảm đạm, hoặc sống dưới một bóng mây đen tối, thì ‘mặt trời công chính’ là dấu chỉ đầy hy vọng. Nơi nào có bóng tối thì Thiên Chúa sẽ chiếu dọi ánh sáng.” Lm. Jude Siciliano, O.P., trong một bài giảng, đã có lời chia sẻ, như thế.
Nay, Mặt Trời Công Chính Giê-su đã xuất hiện vào một đêm tăm tối tại Belem. Kể từ đây, những ai tìm đến và thờ phượng Ngài, “tất cả đều được cứu rỗi”.
Thế nên, chúng ta tiếp tục tưởng tượng nữa nhé! Vâng, hãy tưởng tượng quý ông chiêm tinh đã lớn tiếng hát vang: “Tôi đã thấy đường nở hoa. Ôi thanh bình đẹp thay một cơn mơ!” Đúng! qua cơn mơ, qua việc được-báo-mộng, mấy ông chiêm tinh đã về tới xứ sở của mình. Một xứ sở “thanh bình đẹp thay!”…
***
Vâng, câu chuyện nói về mấy nhà chiêm tinh (kể trên) đã xảy ra hơn hai ngàn năm qua. Và, Chúa Nhật hôm nay (05/01/2025), câu chuyện này được kể lại, qua phần phụng vụ Lời Chúa.
Có lẽ, có lẽ chúng ta đã được nghe, không phải một lần, nhưng là nhiều lần, mỗi khi “(đến) mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”.
Được nghe hay đã nghe… chưa đủ! Sẽ là trọn hảo, nếu sau khi được nghe và đã nghe, chúng ta là hiện thân của mấy nhà chiêm tinh “tìm đến Chúa và sấp mình thờ phượng Người.”
Xưa, mấy nhà chiêm tinh, chỉ cần “một mùa sao sáng”, chỉ cần “một mùa” thôi, mấy ông đã đi tìm Hài Nhi Giê-su. Với “lòng khát khao” được nung nấu ngay từ khi còn ở tận bên “phương (trời) Đông”, việc đi tìm Hài Nhi Giê-su đã được mấy ông xếp vào loại “ưu tiên một”.
Thì đây, khi còn ở tận phương-trời-Đông, mấy ông đã chẳng từng nói: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi (khát khao) đến bái lạy Người”, đó sao!
Và rồi, khi lòng khát khao bừng cháy, mấy nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xá xa xôi, (theo tính toán của những nhà nghiên cứu là khoảng 2.000km), các ông đã “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem…” để hỏi cho bằng được “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu”. Cuối cùng, mấy ông đã gặp và đã “sấp mình thờ lạy Người”.
Hôm nay, chúng ta được nghe… đã nghe câu chuyện này “từ mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này”, thì cớ gì chúng ta lại không tìm đến gặp Hài Nhi Giê-su, nhỉ!
Đức Giê-su, trong một bài giảng (ngày nay chúng ta gọi là bài giảng trên núi), đã có lời dạy rằng: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (x.Mt 5 , 6). Như vậy, nếu chúng ta “khát khao” được gặp Chúa, chẳng lẽ Ngài không cho chúng ta “thỏa lòng”, sao!
Chưa hết! Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có lời phán rằng: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi… Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp” (x.Gr 29, 11… 13-14).
Vậy, chúng ta “sẽ… sẽ tìm Chúa… sẽ… sẽ hết lòng kiếm Chúa”!? Vâng, nếu chúng ta có lòng khát khao và hết lòng tìm kiếm. Chúa sẽ cho chúng ta được gặp.
Không có trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm Chúa. Nếu xưa kia, ngôi sao ở phương Đông chính là tấm bản đồ dẫn đường cho mấy nhà chiêm tinh “đến tận nơi Hài Nhi ở”, thì ngày nay, Kinh Thánh chính là tấm bản đồ dẫn chúng ta tìm và gặp, không phải là một Hài Nhi Giê-su, mà là một Giê-su Cứu Chúa, của đời ta.
Vua David đã chẳng từng nói: “Lời Chúa (Kinh Thánh) là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao! Là-ánh-sáng-chỉ-đường có khác nào ngôi-sao-dẫn-đường, nhỉ!
Có Lời Chúa, là có “vì sao của Người”. Có vì-sao-của-Người dẫn đường chúng ta sẽ đến được “tận nơi Chúa ở”. Mà, hôm nay, nơi-Chúa-ở nào có bao xa! Vâng, đó chính là nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, thưa quý vị!
Thế nên, ngay hôm nay… bây giờ, hành trang trên đường tìm đến Giê-su hãy là quyển Thánh Kinh, và đừng quên mang thức ăn đi đường là Thánh Thể. Bởi vì, khi chúng ta có được hai thứ quan trọng và cần thiết này, chúng ta sẽ không bao giờ “lạc lối về nhà Chúa”, trước bao nhiêu lối rẽ, những lối rẽ chỉ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u, nghi ngờ và chết chóc”, trên đường đời, hôm nay.
Vì thế, hãy luôn ghi khắc trong con tim mình: Thánh Kinh và Thánh Thể, chính là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta. Nói cách khác: Thánh Kinh – Thánh Thể… dẫn tôi gặp Chúa.
Petrus.tran