Theo lịch phụng vụ, Chúa Nhật hôm nay (22/12/2024), chúng ta bước vào tuần thứ IV mùa vọng. Là tuần thứ IV, thế nên hầu hết các giáo xứ đều đã hoàn tất phần thiết kế hang đá Giáng Sinh.
Nếu bớt chút thời giờ theo dõi, chúng ta sẽ thấy rất nhiều kỷ lục về việc trang trí hang đá Giáng Sinh được “khoe” trên truyền thông mạng, đặc biệt là trên youtube.
Người ta khoe kỷ lục về chiều cao của cây thông. Tại giáo xứ Hà Phát, thật choáng ngợp khi nhà thờ này đã thiết kế một cây thông toàn bằng nón lá, với chiều cao của nó là 47 mét. Giáo xứ Minh Hòa cũng không kém cạnh gì. Ở đây, họ đã thiết kế một cây thông bằng lon bia (42.000 lon) và cao 30 mét, đứng sừng sững trong khuôn viên nhà thờ.
Có người lại khoe kỷ lục về sức nặng của ngôi sao. Giáo xứ Kim Bích… Vâng Kim Bích đã thiết kế một ngôi sao nặng gần chục tấn. Xem trên “yiu-tuýt” thấy cảnh cả chục thanh niên hò reo kéo ngôi sao lên tháp chuông nhà thờ khiến người xem không khỏi thót tim. Thót tim vì nói dại… chẳng may sợi dây dùng để kéo ngôi sao lên tháp chuông, bất ngờ “đứt”… Đứt thì sao! Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có câu trả lời.
Bây giờ, chúng ta tới giáo xứ Tây Hải (Hố Nai). Thật khó tin khi giáo xứ này trình làng một ngôi sao với cái giá đủ để sửa chữa một vài căn nhà rách nát cho người nghèo ở ven đô Saigon.
Một bác trai khoảng sáu mươi tuổi, có lẽ là một thành viên trong ban tổ chức, hí hửng trả lời phỏng vấn với một phóng viên nghiệp dư, về giá tiền của ngôi sao, rằng: “ba ‘chăm’ mấy chục ‘chiệu’ đấy!” Ông ta còn cho biết: “Tổng số tiền cho việc thiết kế hang đá Giáng Sinh của giáo xứ này khoảng một tỷ đồng.”
Có… có rất nhiều giáo xứ đua nhau thiết lập kỷ lục. Chính hiện tượng này khiến cho không ít người nghĩ rằng, dường như có một cuộc đua marathon về kỷ lục thiết kế hang đá Giáng Sinh đang xảy ra trên khắp các xứ đạo ở Việt Nam, thì phải!
Cách nay hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại Palestin, có một người chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh đầu tiên, (nếu được phép gọi là như thế), rất giản dị. Không ngôi sao, không cây thông, không đèn chớp tắt, nói “ngược” theo cách nói của Tú Xương, đó là “không hò, không hét, không y uông”, mà rất âm thầm, âm thầm với hai tiếng “xin vâng”. Người đó chính là một cô trinh nữ có tên là Maria. Ngày nay, chúng ta gọi là Đức Maria.
Là một con người thật, sau khi nhận được sứ điệp của Thiên Chúa qua sứ thần Gap-ri-en với lời xin vâng, Đức Maria đã có một hành động chưa từng thấy, đó là tự xem thân phận của mình như là một người “nữ tỳ” cho Thiên Chúa.
Người nữ-tỳ-cho-Chúa không chỉ nói lời xin vâng bằng môi miệng, nhưng còn bằng việc làm, đó là: “đem niềm vui đến cho tha nhân, và trao cho trái tim của họ niềm an ủi.”
Thánh sử Luca, người được mệnh danh là “người thầy thuốc yêu quý”, cho chúng ta thấy Đức Maria đã thể hiện tinh thần này cách ưu việt, qua câu chuyện “Đức Maria viếng thăm bà Êlisabet.”
Có thể nói câu chuyện này là một “minh chứng sống động”, một minh chứng sống động nói lên tinh thần Giáng Sinh của người nữ tỳ có tên là Maria, của mùa Giáng Sinh đầu tiên, năm ấy.
**
Câu chuyện được kể rằng: khi được sứ thần Gap-ri-en cho biết “bà Êlisabet tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai…” Đức Maria liền “vội vã lên đường”. Vâng, Đức Maria đã lên đường “đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.”
Đi “đến miền núi” là nơi bà chị cư ngụ, thì quả đó là một cuộc hành trình đầy gian truân. Thế nhưng, dù gian truân là vậy, Đức Maria vẫn thực hiện đúng như lời Kinh Thánh truyền dạy: “Đừng ngại thăm nom người ốm” (Hc 7, 35). Nói cách khác, Đức Maria đã không “ngại núi e sông”.
Núi và sông, rồi cũng bị bỏ lại sau lưng. Nhà ông Da-ca-ri-a kia rồi. Và, Đức Maria đã “vào nhà ông…”. Rồi khi Đức Maria mở lời “chào hỏi bà E-li-sa-bét”, một điều kỳ diệu xảy ra, đó là: “Bà E-li-sa-bét vừa nghe tiếng (Đức) Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên…” Chưa hết, bà E-li-sa-bét còn được “đầy tràn Thánh Thần”.
Được đầy-tràn-Thánh-Thần, chuyện kể tiếp rằng: Bà E-li-sa-bét: “liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”
Như đã có lời nhận định nêu trên, “Maria – người nữ tỳ của Chúa – không chỉ nói lời xin vâng bằng môi miệng, nhưng còn bằng việc đem niềm vui đến cho tha nhân, và trao cho trái tim của họ niềm an ủi.”
Và, hôm nay, tại nhà ông Da-ca-ri-a, điều đó đã trở thành hiện thực. Sự hiện diện của Đức Maria, đã đem đến cho bà E-li-sa-bét niềm vui, và bà đã bộc lộ niềm vui của mình rất chân tình, rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”.
Hôm ấy, bà E-li-sa-bét cảm nghiệm được một nguồn an ủi vô biên khi thấy Đức Giê-su, em mình: “thật có phúc”.
***
Trở lại với câu chuyện về kỷ lục. Vâng, đó là việc nên làm và cần làm. Thế nhưng, vấn đề là kỷ lục đó liệu có sinh ơn ích gì cho con cái Chúa! Liệu kỷ lục đó có làm cho niềm tin của con cái Chúa trưởng thành hơn! Liệu kỷ lục đó có làm cho con cái Chúa tăng trưởng đức bác ái, lòng nhân hậu, sự từ tâm, lòng trung tín, sự hiền hòa và sự tiết độ!
Đừng tưởng rằng, để chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh, Đức Maria không thiết lập kỷ lục cho riêng mình. Này nhé! Đầu tiên, Đức Maria đã phá kỷ lục môn “đi bộ.”
Từ miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, nơi Đức Maria cư ngụ, đến nhà bà chị E-li-sa-bét, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, là một cung đường dài khoảng 160 cây số. Một trăm sáu mươi cây số “đường núi” thế mà cô thiếu nữ Maria đã không quản ngại về sự “ngăn sông cách núi”, cô Maria đã không “ngại núi e sông”. Và, cuối cùng là cô Maria đã tới nhà ông Da-ca-ri-a. Như vậy, chẳng phải là Đức Maria đã thiết lập kỷ lục về môn đi bộ cho mình, đó sao!
Chưa hết, ngoài việc phá kỷ lục môn đi bộ, một bộ môn thiên về thể xác, Đức Maria còn phá kỷ lục một bộ môn thiên về tinh thần. Đó là bộ môn “an ủi”.
Theo lời kể của thánh sử Luca, chúng ta được biết, “Đức Maria (còn) ở lại với bà E-li-sa-bét độ ba tháng, rồi (mới) trở về nhà.” (Lc 1, 56).
Ở lại để làm gì? Thánh sử Luca không đề cập đến. Thế nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, để phụ giúp bà chị họ cho tới ngày mẹ tròn con vuông. Điều này… điều này chẳng phải là một niềm an ủi lớn cho bà E-li-sa-bét, đó sao! Vì thế, có gì để phản đối Đức Maria đã thiết lập kỷ lục bộ môn an ủi, cho mình!
Thật ra, Đức Maria còn thiết lập nhiều kỷ lục sau khi Đức Giê-su được sinh ra, lớn lên, ra đi rao giảng và cuối cùng là tử nạn trên đồi Golgotha.
Thế nên, hôm nay, nếu chúng ta muốn thiết lập một kỷ lục nào đó cho ngày lễ Giáng Sinh, không gì tốt hơn là hãy nhìn Đức Maria. Nhìn Đức Maria như là mẫu mực cho công việc cần làm và nên làm, này. Bởi vì, từ Đức Maria, chúng ta sẽ nguồn cảm hứng để nhận ra đâu là kỷ lục sẽ mang lại ơn ích cho Giáo Hội, cho xã hội, và cho những người anh em trong Chúa của chúng ta.
Thì đây. Nếu giáo xứ chúng ta không màng tới kỷ lục về chiều cao của cây thông, chúng ta sẽ giảm bớt được một ít kinh phí. Số kinh phí này làm “lộ phí” cho việc đến viếng thăm những trẻ em cô nhi bất hạnh, đến với những bà “Ê-li-sa-bét thời @” đang muốn phá thai, nói với họ những lời khuyên chân tình…
Vâng, hãy tin, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục, kỷ lục có nhiều em bé vui mừng và có nhiều “đứa con trong bụng mẹ nhảy lên vui sướng”. Đúng không, thưa quý vị! Và, nếu đúng, chẳng phải là chúng ta đã làm “đẹp mặt” Giáo Hội, đó sao!
Chưa hết… còn nữa. Còn đó những bà Êlisabet-già-nua không nơi nương tựa, đang phải sống cô đơn nơi xó xỉnh của một nghĩa trang, hay một gầm cầu, nào đó. Còn đó là những bà Êlisabet đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang. Còn đó là những bà Êlisabet đơn thân với đàn con nhếch nhác v.v…
Phải làm sao! Thưa, giảm bớt vài tấn về sức nặng của “cái ông sao” mà giáo xứ của chúng ta dự định trình làng cho thiên hạ chiêm ngưỡng, vào mùa Giáng Sinh năm nay. Hãy mang cái số “tấn” giảm bớt đó biến thành những tấn gạo, tấn mì, tấn bột, tấn đường, tấn sữa đem tặng cho những bà E-li-sa-bét được nêu trên.
Làm như thế, có phần chắc, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục, kỷ lục có nhiều bà E-li-sa-bét thời nay lớn tiếng kêu lên: “Bởi đâu tôi được quý linh mục, quý ân nhân đến với tôi thế này?”
Còn… còn rất nhiều kỷ lục chúng ta cần làm và nên làm. Chẳng hạn như, hãy giảm bớt kỷ lục về chiều dài của những dây đèn chớp tắt, mà hãy tăng độ dài của con đường từ nhà thờ đến nhà giáo dân, hầu cho giữa vị linh mục và người tín hữu có thể kết nối nhau thành những dây đèn phát ra ánh sáng: Ánh Sáng Chúa Ki-tô. Nhờ ánh sáng Chúa Ki-tô, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục về sự chia sẻ giữa linh mục và người tín hữu về những niềm vui nỗi buồn trong đời sống đức tin, đức cậy và đức ái.
Thế nên, hãy quên đi những kỷ lục, những kỷ lục khi nói đến chỉ là phô diễn cho sự giàu có của giáo xứ chúng ta. Đó là một mối nguy hiểm. Bởi vì, khi giáo xứ chúng ta phô diễn sự giàu có, Đức Maria cảnh báo: “Người giàu có, lại đổi về tay trắng.” (Lc 1, 53).
Lễ Giáng Sinh gần kề. Và, ngày Chúa Giê-su xuống thế làm người đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Hồi ấy, ngày Chúa Giáng Sinh: “Có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương.”
Hôm nay, ngày Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, chúng ta sẽ làm gì! Nên chăng, chúng ta tiếp tục cất tiếng hát, hát bài hát mà các thiên binh và sứ thần đã cất tiếng hát, năm xưa? Thưa, nên là vậy. Bởi vì, “bình an dưới thế – cho loài người” là điều khẩn thiết cho thế giới đầy bất an, hôm nay.
Chúa… Chúa rất muốn ban “bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương”. Và, Chúa cũng muốn chúng ta là “khí cụ bình an của Chúa”. Để chúng ta “đem yêu thương…” đến với tha nhân.
Mà, làm sao chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương, nếu không có lòng bác ái! Thế nên, trước hết và trên hết, chúng ta hãy là người đầu tiên phá kỷ lục về đức ái.
Vâng, để cho ngày Chúa Giáng Sinh là một ngày bình-an-dưới-thế-cho-loài-
Petrus.tran