Bốn điều thánh nữ Faustina dạy tôi về lòng thương xót

Bốn điều thánh nữ Faustina dạy tôi về lòng thương xót

Thánh Maria Faustina Kowalska là một khí cụ khiêm nhường của Chúa, thánh nữ đã khát khao đời sống tu trì từ khi chỉ mới bảy tuổi.

Có thể bạn sẽ nghĩ: Lúc bảy tuổi, tôi còn đang đổi bánh Nilla Wafers lấy Oreo ở sân chơi, chứ chưa hề nghĩ về ơn gọi của mình. Nhưng với Faustina, vai trò trong gia đình đã khiến cô trưởng thành sớm. Đến năm 16 tuổi, Faustina đã chăm sóc và hỗ trợ cho chín người em như một quản gia của gia đình.

Dù rất vâng lời theo mong muốn của cha mẹ là ở nhà, Faustina thường tìm kiếm Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, mang trong lòng khát khao gia nhập tu viện từ khi còn trẻ. Năm 1924, Faustina có thị kiến đầu tiên về Chúa Giê-su, Người đã bảo Faustina rời nhà để vào tu viện ở Warsaw, Ba Lan. Faustina sau đó đã gia nhập Hội Dòng Nữ Tử của Đức Mẹ Thương Xót và tuyên khấn lần đầu làm nữ tu vào năm 1928, khi mới 22 tuổi.

Thánh Faustina nổi tiếng với việc ghi chép lại những thị kiến của mình về Chúa Giê-su trong một cuốn nhật ký. Bạn có thể đã quen thuộc với hình ảnh Chúa Giê-su là Vua của Lòng Thương Xót, mặc áo trắng với những tia sáng đỏ và nhạt phát ra từ trái tim. Hình ảnh này lấy từ một trong những thị kiến của thánh Faustina. Từ các thị kiến này, Lễ Kính Lòng Thương Xót cũng đã được thiết lập (khi Chúa Giê-su cho biết Người muốn hình ảnh Lòng Thương Xót được “làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh”), cùng với Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót, một kinh nguyện chuyển cầu dùng trên tràng hạt Mân Côi để tưởng nhớ đặc biệt cuộc Khổ nạn của Chúa.

Học theo đường thương xót

Nhờ có các thánh như Faustina, chúng ta hiểu rõ hơn về trái tim đầy thương xót của Chúa Giê-su và tìm cách thực hành lòng thương xót ấy trong cuộc sống của mình. Tôi muốn chia sẻ với mọi người cách mà câu chuyện nhỏ của thánh Faustina đã biến đổi trái tim bình thường của tôi ra sao, với hy vọng rằng câu chuyện cũng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người.

1. Thiên Chúa không bủn xỉn với lòng thương xót của Ngài

Lòng thương xót của Thiên Chúa được ban tặng cách nhưng không, chứ không phải là điều chúng ta xứng đáng đạt được. Lựa chọn của Thiên Chúa khi khiêm nhường sai Con của Ngài xuống trần gian, chịu chết trên thập giá vì chúng ta, là minh chứng rõ ràng nhất cho trái tim đầy thương xót của Ngài. Hết lần này đến lần khác, Ngài tự hiến mình mỗi khi chúng ta tham dự bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ.

Lần tới khi bạn dự Lễ, hãy đếm xem có bao nhiêu lần bạn đọc các lời nguyện xin Chúa thương xót. Mặc dù Ngài luôn ban tặng lòng thương xót ấy, chúng ta vẫn ý thức rằng lòng thương xót của Ngài là cần thiết và vô cùng quan trọng cho đời sống thiêng liêng của mình.

2. Đau khổ có thể làm cho chúng ta trở nên thánh thiện hơn

Trong một đoạn nhật ký của mình, Thánh Faustina viết: “Đau khổ là một ân sủng lớn lao; qua đau khổ, linh hồn trở nên giống Đấng Cứu Thế; trong đau khổ, tình yêu trở nên trong sáng; đau khổ càng lớn, tình yêu càng tinh khiết” (#57, trang 29).

Nói cách khác, khả năng chịu đựng đau khổ, dù lớn hay nhỏ, đang giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su hơn. Thật lòng mà nói, không ai muốn đau khổ. Nhưng, thánh Faustina mời gọi chúng ta xem những thử thách này như cơ hội để dựa vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su mong muốn ở gần chúng ta. Ngài mời gọi ta mở rộng trái tim để đón nhận sự gần gũi ấy và tin tưởng rằng Ngài đang hoạt động trong tâm hồn ta, bất kể hoàn cảnh nào. Thánh Faustina cũng chia sẻ: “Khi thấy gánh nặng vượt quá sức mình, tôi không suy xét hay phân tích nó, mà chạy đến với Thánh Tâm Chúa Giê-su như một đứa trẻ và chỉ thốt lên một lời: ‘Ngài có thể làm mọi sự’” (#1033, trang 392).

3. Lòng thương xót là cốt lõi của cộng đoàn

Lần đầu tiên tôi đọc Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót là cách đây vài năm, cùng với nhóm các nhà truyền giáo của chương trình Life Teen. Một trong các nhà truyền giáo có ý cầu nguyện cho người thân bị bệnh. Không chút do dự, tất cả chúng tôi đã cùng nhau vào nhà nguyện với tràng hạt trong tay để cầu nguyện.

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót thường được đọc trong những lúc cầu nguyện cho người bệnh và người hấp hối. Chuỗi Kinh cũng thường được đọc sau khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể trong Thánh lễ. Qua nhiều lần tỏ mình, Chúa Giê-su đã khẳng định rằng Chuỗi Kinh này không chỉ dành cho người đang đọc mà còn dành cho toàn thế giới. Thánh Faustina kết thúc lời nguyện trong một đoạn nhật ký bằng câu “vì cuộc khổ nạn đau thương của Ngài, xin thương xót chúng con” (#475), và đoạn tiếp theo được sửa đổi thành “xin thương xót chúng con và toàn thế giới” (#476).

Tôi suy ngẫm về sự thay đổi này và vì sao Chúa Giê-su nhấn mạnh đến điều đó. Dù lời cầu nguyện chung này chủ yếu dành cho những ai sắp lìa đời, tôi nghĩ rằng Chúa Ki-tô có ý dành cho bất kỳ ai cần đến lòng thương xót của Chúa (tất cả chúng ta!). Cùng nhau cầu nguyện bằng những lời kinh này sẽ mang lại sức mạnh và lòng can đảm, xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn không chỉ cho riêng chúng ta mà cho toàn thế giới.

4. Sự tha thứ của chính chúng ta là cần thiết cho lòng thương xót

Nói thì dễ hơn làm, phải không? Đối với tôi, lời dạy khôn ngoan này của thánh Faustina thực sự là một thử thách lớn. Cũng như Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng thương xót vô tận của Ngài, ta cũng được mời gọi thực hành lòng thương xót đó với người khác. Điều này có thể thể hiện qua lòng kiên nhẫn với đứa em đang làm ta khó chịu, tha thứ cho một người bạn mà ta cảm thấy đã làm mình tổn thương, hoặc thậm chí là lòng thương xót đối với chính bản thân mình khi ta nhận ra những thiếu sót trong tình yêu và niềm tin vào Chúa Giê-su.

Thành thật mà nói, tôi không nghĩ mình luôn là một người bạn tốt. Đôi khi, tôi chìm đắm trong sự tự trách và đổ lỗi cho bản thân về mọi điều mình có thể đã nói hay làm sai. Lúc khác, tôi đổ hết trách nhiệm lên người khác. Nhưng chính trong những lúc như vậy, tôi được mời gọi không chỉ đón nhận lòng thương xót của Chúa mà còn được mời gọi chia sẻ lòng thương xót ấy: “Ai biết tha thứ sẽ chuẩn bị cho mình nhiều ân sủng từ Thiên Chúa. Mỗi khi nhìn lên thập giá, tôi sẽ tha thứ với cả trái tim mình” (#390, trang 175).

Bước theo đường thương xót

Cuộc đời của Thánh Faustina chứng minh rằng Chúa Giê-su có thể biến điều bình thường thành phi thường. Dù chúng ta có thể không trải nghiệm những hình ảnh sâu sắc như vậy về Chúa Giê-su trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta có thể nhìn vào thánh Faustina như một khí cụ của sự khiêm nhường và lòng tín thác hoàn toàn vào Chúa.

Nếu bạn thấy cuộc đời của Thánh Faustina khó hiểu hoặc thậm chí quá khó tin, hãy tự hỏi tại sao. Hãy mời Thánh Faustina cầu nguyện cùng bạn và xin Chúa mở tâm trí bạn cho những tiềm năng về lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Như Thánh Faustina nhắc nhở chúng ta, tất cả những gì ta cần làm là chạy đến với Chúa như một đứa trẻ và chỉ thốt lên một lời: “Ngài có thể làm mọi sự.”

Maddy Bass

Joseph Nguyễn Tro Bụi chuyển ngữ từ https://lifeteen.com

Tonggiaophanhanoi.org