Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9, 1-6)
Khi ấy, Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói : “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.
Gợi ý suy niệm
Đức Giêsu sai mười hai Tông đồ đi rao giảng Tin mừng để các ông được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Đức Giêsu đã ban cho các ông năng lực làm phép lạ, chữa bệnh và quyền phép để xua trừ ma quỉ. Ngài cũng căn dặn các ông nhiều điều trước khi lên đường.
Lời căn dặn của Đức Giêsu phải chăng muốn nói: khi rao giảng phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực ? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng, với sứ mệnh loan báo Tin mừng, đừng để vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ mình. Nhưng, phải cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và của Tin mừng thôi.
Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiến bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông năng lực của chính Ngài, để thực hiện các phép là và ban quyền phép để xua trừ ma quỷ.
Trước khi đi rao giảng, Đức Giêsu dặn bảo các ông cần có tinh thần siêu thoát: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Theo đó, Đức Giêsu không bảo các ông phải vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, hãy dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy rẫy những thứ cồng kềnh vướng bận, thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
Lý do của việc truyền giáo. Hội thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: “Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Quả thế, “Thiên Chúa luôn cho mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được uỷ thác chân lý, Hội thánh phải nắm bắt khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, nên Hội thánh phải truyền giáo.
Loan báo Tin mừng Nước trời là sứ mệnh hàng đầu của Đức Giêsu và của cả Giáo hội, Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành sứ mệnh này.
Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến”. Trước tiên, loan báo Tin mừng hệ tại việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại… kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp.
Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết, cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa, để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
Lời mời gọi các môn đệ ra đi làm việc trên cánh đồng truyền giáo của Chúa Giêsu ngày xưa cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta trong cộng đoàn tín hữu và nếu tôi, bạn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời mời gọi ấy nhưng đáp trả như Phaolô đã cảm nghiệm và sống sứ mạng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Với ý thức đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, trở nên người Kitô hữu là lãnh nhận ơn gọi sống cho Chúa và sống cho kẻ khác. Chúa ban cho con ơn thánh Chúa và sai con vào môi trường sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày là môi trường để con tỏ bày ơn Chúa cho kẻ khác. Con muốn xác tín một lần nữa trước mặt Chúa để con thực sự là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa giữa xã hội.
Mỗi người có thể có nhiều vai trò, nhiều địa vị trong tương giao với kẻ khác. Có thể là giám đốc, là công nhân, là thầy, là thợ, là cha mẹ, là vợ chồng, là con, là anh, chị, em… Những vai trò này xác định cách sống. Cũng vậy, con là người Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, đặc tính căn bản này sẽ xác định cách sống của con, sẽ hướng dẫn con trong những tương giao đối với mọi người. Xin Chúa giúp con sống đúng phẩm giá và danh hiệu Kitô hữu của con.
Với tư cách là người Kitô hữu, nhiều lúc con cũng sẽ phải chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi cho chính mình. Nhưng con biết rằng Chúa đã muốn điều đó. Chúa dạy con vui lòng chấp nhận những tiện ích vật chất vừa đủ cho cuộc sống. Chúa dạy con phải biết cho đi chứ không chỉ thu góp cho mình.
Lạy Chúa, một cuộc sống như vậy không phải chỉ dành riêng cho các nhà tu nhiệm nhặt sao ? Không, Lời Chúa hôm nay nói với chính con trong tư cách là một Kitô hữu. Đó phải là cuộc sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen.