Khi ấy, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi !” Đức Giê-su lên tiếng bảo ông : “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông !” Ông ấy thưa : “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?” Ông Si-môn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo : “Ông xét đúng lắm.” Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng : “Ông này là ai mà lại tha được tội ?” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Gợi ý suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hai hình ảnh đối lập phản ánh hai thái độ khác nhau đối với Chúa Giêsu. Người phụ nữ vốn dĩ chẳng được hoan nghênh nơi sân nhà người Pharisêu, chị chỉ có thể “đứng đằng sau, sát chân” Người, nhưng chị đã xúc động vô vàn và thể hiện lòng mến mộ thiết tha của chị đối với Chúa. Trong khi đó ông Si-môn, người Pharisêu, được công khai “ngồi ăn cùng bàn” với Chúa Giêsu, nhưng lại chẳng xúc động, cũng chẳng thể hiện niềm vinh hạnh ấy của mình.
Cảm xúc là một điều tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban tặng để ta có thể bày tỏ sự yêu, ghét, vui, mừng, giận dỗi, hân hoan, đau khổ đối với mọi sự việc. Cảm xúc chính là lời nhắc nhở có thể là êm ái, có thể là quặn thắt của Thiên Chúa, rằng chúng ta có đang sốt sắng thờ phượng Ngài và yêu mến tha nhân bằng tất cả con tim hay không. Đừng ngại che đi những niềm vui có được khi thờ phượng Chúa và những giọt nước mắt khi Lời Chúa cứa vào tim, cũng đừng cố gắng nguỵ tạo những rung động khi con tim ta chẳng cảm thấy gì. Chúng ta hãy chân thật với cảm xúc của mình trong mọi việc, vì Thiên Chúa yêu mến chúng ta rất chân thật.
Qua dụ ngôn về hai con nợ trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày và lý giải về Lòng Thương Xót, sự bao dung và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn luôn yêu mến, chạnh lòng thương, tha thứ và cứu thoát tất cả mọi người, không trừ một ai. Khi chúng ta không nhận ra mình đã được tha thứ nhiều, chúng ta sẽ khó lòng mà thờ phượng Chúa với tất cả tâm hồn và thể xác. Tâm hồn chúng ta trở nên chai đá, vô cảm và sẽ không có những hành động yêu mến mãnh liệt như người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay “lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, lấy tóc mình mà lau và đổ dầu thơm trên chân Ngài” (Lc 7,38).
Vậy có phải vì yêu mến nhiều nên được tha thứ nhiều, hay bởi vì tội lỗi đã được tha nhiều nên yêu mến nhiều hơn? Ở đây, lòng yêu mến không phải là nguyên nhân, mà là kết quả và là dấu chỉ. Nhưng giữa sự tha thứ của Chúa Giêsu và lòng yêu mến của người phụ nữ tội lỗi, còn một yếu tố quan trọng không kém, đó là lòng tin cậy. Vì chính “lòng tin của chị đã cứu chị” (Lc 7,50). Sự tin cậy mãnh liệt đó đã làm cho chị bất chấp tất cả những lễ nghi, phép tắc và cả sự sợ hãi, xấu hổ của chị để mà đường đột xuất hiện giữa bữa tiệc, phơi bày con tim của mình bằng một cách có vẻ như thật điên rồ. Và chị đã được tha thứ.
Tất cả chúng ta đều là những tội nhân, mắc nợ Thiên Chúa thật nhiều. Chúng ta không có cách nào để tự “tẩy trắng” hết tội lỗi mình, ngay cả bằng tình yêu mến nồng nàn của chúng ta. Chỉ có lòng tin cậy mới khiến chúng ta đủ can đảm, đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi rào cản, của cả bên trong lẫn bên ngoài, để mà khóc lóc nài van sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Rồi, ngay khi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ, thì tình yêu xuất hiện. Tình yêu là hoa trái của ơn tha thứ, và là yếu tố biến đổi tất cả cuộc đời chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giễu là Đấng hiền từ và hay thương xót, tấm lòng bao dung của Chúa là nơi nương tựa cho con là kẻ tội lỗi. Nhờ lòng thương xót của Chúa, một người dù tội lỗi đến đâu, cũng vẫn có cơ may làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, Chúa không đánh giá chúng con theo vẻ bên ngoài hoặc dựa vào công nghiệp của chúng con. Trái lại, Chúa xét xử con người theo những tâm tình, suy tưởng sâu kín trong lòng, Chúa thấu suốt tâm tình sám hối chân thành phát xuất từ lòng yêu mến.
Phủ phục dưới chân Chúa, người phụ nữ tội lỗi không nói gì mà chỉ biết khóc. Chị khóc cho tội lỗi của mình, những giọt nước mắt của lòng sám hối ăn năn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy được sự nặng nề của tội con đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xin cho con được lòng yêu Chúa để biết khóc tội lỗi mình. Xin đừng để lòng con chai đá, nhưng giúp con biết chân thành sám hối.
Lạy Chúa, Chúa đã tha, đang tha, và mãi mãi tha hết những lỗi lầm con xúc phạm đến Chúa. Chúa yêu con vô bờ. Xin cho con luôn tin tưởng vững vàng và cậy trông vào Chúa, cho con biết siêng năng đến với Chúa nơi bí tích Hòa Giải, để con được giao hoà lại với Chúa và anh em. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho con được tái sinh và có sức mạnh đổi mới đời sống. Chỉ trong Chúa con mới tìm lại được bình an và được sống trong tình yêu. Con được tha nhiều, con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.