Thánh Thể… bánh trường sinh của ta

Thánh Thể… bánh trường sinh của ta
Như chúng ta được biết, Thánh lễ là trung tâm đời sống đức tin của người Công Giáo. Trong Thánh lễ, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể là những đỉnh cao không thể thiếu. Gọi là không thể thiếu vì đó là những “món ăn” cho đời sống đức tin của người tín hữu.

Nói về “Lời Chúa”, khi còn tại thế, Đức Giê-su đã có lời phán rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Còn nói về phụng vụ Thánh Thể ư! Vâng, phụng vụ Thánh Thể trong Thánh lễ là việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Ðức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.” (Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).

Đây là mầu nhiệm đức tin. Một mầu nhiệm “vượt qua mọi cách hiểu thông thường hoặc giải thích theo quy luật của vật lý tự nhiên” (nguồn: internet).

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại Ca-phác-na-um, khi Đức Giê-su nói đến chân lý này, người Do Thái đã không chấp nhận do bởi “cách hiểu thông thường” của họ. Họ xầm xì phản đối. Vâng, cuộc phản đối này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 6, 41-51).

**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại: một ngày trước khi công bố “diễn từ về bánh trường sinh”, Đức Giê-su, chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã “hóa bánh ra nhiều” cho năm ngàn người ăn no nê.

Dân chúng được ăn no nê, và họ muốn được ăn như thế “hằng ngày”. Thế nhưng, điều đó không nằm trong chương trình cứu nhân độ thế của Đức Giê-su. Chương trình cứu nhân độ thế của Ngài là đem đến cho con người sự sống muôn đời, là phúc trường sinh.

Đã có một số người, trong năm ngàn người được ăn no nê, tìm gặp Đức Giê-su tại Ca-phác-na-um. Đây là một cuộc tái ngộ. Trong cuộc tái ngộ này, ý tưởng của nhóm người này vẫn là muốn được ăn no nê.

Thế nhưng, ý tưởng đó không được Đức Giê-su tán thành. Hôm ấy, bằng những lời lẽ thẳng thắn, Đức Giê-su nói với họ rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).

Và rồi, Ngài đã hướng dẫn họ nhìn về một thứ bánh khác, đó là “Bánh trường sinh – Bánh hằng sống”. Không úp mở, Ngài tuyên bố: “Chính tôi là bánh trường sinh… Tôi là bánh từ trời xuống”. (x.Ga 6, 41).

Thế nhưng, họ đã không thể lĩnh hội lời tuyên bố này. Và họ đã nhìn Đức Giê-su với ánh mắt ngờ vực. Mà, sao không ngờ vực cho được: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42). Họ đã “xầm xì phản đối” như thế.

Nghe vậy, Đức Giê-su không buồn… Ngài không buồn tranh luận với họ về gia thế của mình. Ngài bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy. và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.”

Vẫn là những lời đơn sơ, bộc trực, Đức Giê-su nói tiếp: “Vậy, phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”


“Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa.” Noel Quesson đã nói như thế, sau khi đã có những giây phút suy tư về những lời tuyên bố (nêu trên) của Đức Giê-su.

Phần Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài tiếp tục nói về mình, rằng: “Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh.” (x.Ga 6, 47-48).

Và thật ý nghĩa khi Đức Giê-su so sánh bánh-trường-sinh với man-na xưa. Ngài so sánh rằng: “Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Người Do Thái hồi đó không tin. Thế nhưng, Đức Giê-su không vì thế mà rút lại lời tuyên bố, Ngài khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

***
Đức Giê-su không rút lại những điều Ngài đã tuyên bố. Tại bữa Tiệc Vượt Qua, một bữa tiệc đánh dấu việc chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn, trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).

Khi tuyên bố chân lý quan trọng này, Đức Giê-su, nói theo cách nói của Noel Quesson: “Không lao vào một cuộc tranh cãi thần học, không bút chiến…”

Noel Quesson tiếp lời rằng: “Đây là ân sủng, là một sáng kiến của Chúa mà chúng ta phải nhận lãnh.”

Với Lm. Charles E. Miller, ngài có lời chia sẻ như sau: “Chẳng có lời nào có thể bộc trực hơn. Không thuật ngữ nào có thể rõ ràng hơn. Cũng chẳng có chuyện lập lờ nước đôi. Đức Giê-su không nói bánh ấy ‘giống như’ hoặc ‘ám chỉ’ thịt của Người, mà nói rõ mồn một ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống’”.

Ngài Lm. nói tiếp: “Làm trọn lời hứa của mình trong đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giê-su đã lập ra Bí Tích Thánh Thể cho các Tông Đồ, cho mọi thế hệ đã và sẽ theo bước các ông, cho đến tận thế”.

Cuối cùng vị linh mục mời gọi: “Khi cầu xin ơn lương thực hằng ngày, ta không chỉ cầu xin thứ bánh giúp duy trì sự sống đời này, mà còn thức ăn trên trời vốn sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời sau. Anh chị em chớ lầm lẫn, nhưng hãy giữ vững niềm tin Công Giáo của mình”.

Giáo Hội Công Giáo luôn giữ vững niềm tin này. Trong Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin” cùng với lời mời gọi: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Chúng ta tin và sẽ đến tham dự Tiệc Chiên Thiên Chúa, mỗi ngày, mỗi tuần? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta từ chối tham dự, Noel Quesson nói: “là (chúng ta) tự phó mình cho hư không, cho tính hữu hạn thuộc bản chất tự nhiên của con người: ‘Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt’” (Ga 3, 6).

Vâng, Đức Giê-su đã hành động. Ngài đã “hiến tế vì chúng ta”. Máu của Ngài “máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. Có ai trong chúng ta lại không biết điều này!

Chúng ta… chúng ta đã biết. Thế nên, phần còn lại của chúng ta là hãy hành động. Hãy mau… “Nào mau tới thờ lạy Chúa! Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.”

Hãy mau… Nào mau đến… đến tham dự bàn Tiệc Thánh Thể. Vì Thánh Thể là bánh trường sinh của chúng ta.

Petrus.tran