Ngày 27-07-2024, Thứ Bảy Tuần XVI – Mùa Thường Niên

Ngày 27-07-2024, Thứ Bảy Tuần XVI – Mùa Thường Niên
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

Gợi ý suy niệm

Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành – dữ và hai thế lực thiện – ác lẫn lộn.
Thái độ của ông chủ trong bài Tin mừng khi biết trong ruộng lúa của mình có cỏ lùng là cứ để cho lúa và cỏ lùng cùng tồn tại cho đến mùa gặt.
Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn chờ đợi những người còn yếu đuối, để cho họ được cứu độ.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi của người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha… chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năn thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt… Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi người chúng ta.

Trong khi chờ đợi ngày cuối cùng đó, mỗi người cần có thái độ của ông chủ trong dụ ngôn. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu muốn dùng để ám chỉ về lòng kiên nhẫn, cảm thông của Thiên Chúa đối với loài người. Theo dụ ngôn, thì chúng ta thấy, cỏ lùng chẳng hề biến thành lúa tốt, và lúa tốt không bao giờ biến thành cỏ lùng; nhưng nơi con người thì khác, không ai bị coi là xấu mãi mãi, và cũng không ai có thể tự phụ cho mình là tốt hoàn hảo. Nơi mỗi con người chắc chắn cũng có những cỏ lùng, tức là những khuyết điểm mà chúng ta phải cố gắng chừa bỏ để trở nên tốt hơn.

Vậy thì bài học ở đây là phải biết chấp nhận thực trạng đó.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ ăn năn sám hối để được tha thứ.

Bài dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng dạy ta bài học sau đây: mùa gặt, ngày tận thế là thời gian chín mùi để có thể kết án ai là cỏ lùng và tuyên dương ai là lúa tốt thực sự. Sự vội vàng xét đoán người thiện kẻ ác có nguy cơ khiến lúa tốt lại bị coi là cả lùng, cỏ lùng bị nhầm là lúa tốt. Hơn nữa, chính Chúa mới là chủ để đưa ra lời phán quyết chung thẩm.

Trước mùa gặt cánh chung ấy, Chúa dạy chúng ta sống nhân từ, nhẫn nại giữa tình trạng lúa tốt xen lẫn cỏ lùng, người tốt kẻ xấu ở chung với nhau, ngay cả trong lòng một hội được gọi là Hội thánh của Ngài. Trong lĩnh vực tự nhiên, lúa tốt vẫn là lúa tốt, cỏ lùng mãi là cỏ lùng; thế nhưng, nơi cánh đồng tâm hồn con người thì không như vậy: người xấu có thể hoán cải trở thành bậc thánh nhân, và coi chừng người đang là tốt đây có thể biến chất mà thành kẻ tội lỗi.

Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Giáo hội hiện diện trong trần thế như dấu chỉ của lòng kiên nhẫn và khoan dung của Đức Kitô.
Sự kiên nhẫn và bao dung ấy được thể hiện qua cuộc sống yêu thương, tôn trọng và tha thứ của người Kitô hữu đối với mọi người, nhất là những người không cùng niềm tin và quan điểm với mình.
Qua cuộc sống như thế, người Kitô hữu làm chứng rằng Thiên Chúa là Tình yêu và yêu thương là ơn gọi đích thực của con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, đã có lúc con thắc mắc: tại sao bao kẻ xấu cứ được ung dung, bao người gian ác gây tai họa cho người khác mà không thấy Chúa trừng phạt.

Hôm nay, qua dụ ngôn cỏ lùng, tâm trí con như được khai mở. Nếu cỏ lùng bị nhổ ngay tức khắc, chắc chắn lúa tốt sẽ bị ảnh hưởng. Nếu người xấu bị tai họa và kẻ gian ác bị tiêu diệt ngay tức khắc, thì người ta sẽ sống tốt vì sợ hơn là vì yêu mến.

Lạy Chúa, trần thế này là trường học để tập đức yêu thương và là nơi luyện lòng tin cậy.  Chỉ có môi trường tự do và thử thách mới làm cho tình yêu và niềm tin phát triển. Đó là lý do Chúa để cho con được tự do, kể cả tự do chống lại Chúa. Đó là ý nghĩa của những thử thách mà con gặp thường xuyên trong cuộc đời.

Lạy Chúa, kẻ dữ và người xấu, trước hết là chính con. Con cám ơn Chúa vì dù đã bao lần con làm điều dữ, xúc phạm đến anh em và chống lại cả Chúa, mà Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con thống hối. Lòng nhân từ Chúa thật là mầu nhiệm. Chúa chỉ muốn chờ đợi con hối cải để được hạnh phúc. Chỉ có người nào chống lại Chúa và cố tình chống lại mãi mãi, mới làm cho công trình sáng tạo và cứu chuộc nơi người ấy bị thất bại. Chúa luôn hy vọng nơi con, xin cho con biết trông cậy nơi Chúa. Chúa kiên nhẫn với con, xin cho con biết kiên nhẫn với chính mình. Dù con sa đi ngã lại, dù con quá yếu hèn, xin Chúa giúp con biết tin vào tình thương và ơn thánh Chúa. Xin cho con luôn luôn trung thành với Chúa. Amen.