Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Gợi ý suy niệm
Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.
Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giàu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?
Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: sự cao trọng không cốt ở danh dự, giàu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói: “Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!
Đức Giêsu là vị thượng tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn. Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.
Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ hoặc được đặc quyền đặc lợi. Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người. Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được. Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.
Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn. Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.