Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
Gợi ý suy niệm
Người biệt phái trách môn đệ Chúa Giêsu không giữ ngày hưu lễ, vì bứt gié lúa để ăn lúc đói. Người biệt phải chỉ xét trên mặt chữ của bản luật, mà không nhìn thấy nhu cầu của anh em mình. Luật được Thiên Chúa ban hành không phải để gò ép, nhưng là để thăng tiến con người, giúp con người đi trên con đường ngay thẳng. Vì thế, phục vụ con người đúng lý, đúng cách là thi hành luật trọn hảo nhất. Do đó, Chúa Giêsu đã nói với người biệt phái: “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế”.
Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ nhị luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong Thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thực ra, khi ban bố Lề Luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – luật sĩ – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ; còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Hôm nay, trước cảnh các môn đệ Chúa Giêsu đói bụng, bứt mấy bông lúa vò nát để ăn, nhân cơ hội này người biệt phái bắt bẻ Chúa Giêsu về luật sabát, bởi vì:
– Người Biệt phái chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.- Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là ngầm ý đề cao mình và che giấu sự giả hình của mình.
– Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin mừng Nhất lãm, nhưng nơi Tin mừng Matthêu, tác giả lưu ý hai điểm:
– Thứ nhất , quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức.
– Thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức.
Trả lời cho thắc mắc của những người biệt phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xảy ra trong Cựu ước liên quan đến Đavít và những người tuỳ tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm; hoặc việc các tư tế trong Đền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: ”Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội”. Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em những việc bên ngoài.
Lề luật tối thượng là lòng “nhân hậu”. Để bảo vệ con người cần phải có luật lệ. Để xã hội tiến triển trật tự cần phải có luật lệ. Nhưng nếu những luật lệ đó trở thành bất nhân, không bảo vệ con người, không đem lại hạnh phúc cho con người, cần phải phá bỏ. Thờ phượng Chúa là điều phải làm. Nhưng nếu vì lề luật mà bất nhân thì Chúa không ưng nhận. Chúa khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”. Lòng nhân hậu là lề luật tối thượng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, nhóm biệt phái thường bất bình tranh luận với Chúa về những điều được phép hay không được phép làm trong ngày lễ nghỉ. Nhân những cuộc tranh luận ấy, Chúa cho chúng con hiểu rằng tôn giáo không phải là một quyền lực áp đặt, để biến con người thành một thứ máy móc, hay những kẻ nô lệ. Trái lại, sống trong đạo là một hành động của tình yêu mến. Chúa đã khẳng định: “Ta muốn lòng nhân chứ không muốn lễ tế”.
Lạy Chúa, Chúa đến không phải để đánh đổ mọi tập tục và lề luật, nhưng là để kiện toàn chúng bằng cách mặc cho chúng tinh thần bác ái yêu thương. Vì thế, mọi lề luật đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa nếu không được tuân giữ vì tình yêu.
Lạy Chúa, con chợt giật mình khi nhiều năm tháng qua con sống một cách máy móc, giữ giới răn Chúa là vì sợ chứ không phải vì yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em. Vì vậy, đời sống đức tin đối với con là một gánh nặng, các thứ lề luật đè nặng trên vai đôi lúc tưởng chừng như không kham nổi. Con cũng chẳng khác gì người biệt phái, sống giả dối, hình thức bề ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng khô khan.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho đời sống bất xứng của con. Xin ban cho con Thần Khí Tình Yêu của Chúa, để từ nay con sẽ sống cho Chúa và tha nhân với tất cả tình yêu, hầu đáp lại tình thương mà Chúa đã dành cho con. Amen