Ngày 03-07-2024, Thứ Tư Tuần XIII – Mùa Thường Niên

Ngày 03-07-2024, Thứ Tư Tuần XIII – Mùa Thường Niên
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

Gợi ý suy niệm

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Tôma (còn có tên gọi là Đi-đi-mô), ông là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu .Tôma là người Do-thái, miền Ga-li-lê, làm nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn ngài vào số mười hai tông đồ, và ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi.

Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tin Mừng hôm nay: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với họ, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Tám ngày sau, khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô hữu có được lời nhận định của Chúa Giêsu: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Từ lâu, người ta thường nhìn thấy nơi thánh Tôma là một con người hoài nghi, chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi sự hoài nghi. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, vào chiều ngày Phục Sinh, mặc dù các môn đệ khác đã kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông muốn thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.

Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói làm sao tin được một người chịu cực hình đến chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó được. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.

Tám ngày sau, Chúa Giêsu hiện đến và nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây,… đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Và Tôma đã chịu tin. Chúng ta thấy nơi Tôma: ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu khi mình không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một đức tin chắc chắn. Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng. Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con đầy ắp những lo toan sợ hãi. Có những lúc con cảm thấy đời sống thật nặng nề, có những lúc con bị chìm ngập bởi cái lo cơm ăn, áo mặc, bởi nỗi vất vả truân chuyên. Có những lúc con quay quắt vì buồn phiền. Có những lúc con hoang mang sợ hãi nghi ngờ những người xung quanh. Và như các tông đồ ngày xưa, con đã đóng kín cửa tâm hồn trong buồn phiền sợ hãi.

Lạy Chúa Phục Sinh, dù con không thấy Chúa, nhưng con tin Chúa vẫn hiện diện bên con như đã hiện đến với các tông đồ để trao ban ơn bình an và tha thứ.

Xin Chúa chỉ cho con thấy các vết tích thương đau của Chúa như đã chỉ cho Thánh Tôma để con cũng bật lên lời tin yêu trìu mến: “Lạy Chúa con và là Thiên Chúa của con”.

Xin hãy nói với con, và lặp đi lặp lại trong đời con lời cầu chúc bình an của Chúa, để con không còn cô đơn và sợ hãi giữa cuộc đời phong ba bão táp.

Xin cho con cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa, bởi khi con nhận biết mình được tha thứ nhiều, con cũng sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn.

Và lạy Chúa, ngày hôm nay, khi con lãnh nhận hai món quà quý giá của Chúa là ơn bình an và ơn tha thứ, xin cho con cũng biết trao tặng cho thế giới những gì con đã lãnh nhận để những ai gặp con, cũng tìm được sự bình an của Chúa Phục Sinh.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của thánh Tôma, xin Chúa thêm đức tin cho chúng con là những người đang sống trong thế giới duy vật này. Xin cho chúng con biết quyết tâm noi gương thánh nhân, luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng tin nhận rằng Người là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Amen.