Sáng ngày 25/6, tại buổi hội thảo “Từ Laudato si’ đến Fratelli tutti: không có công bằng xã hội nếu không có công bằng khí hậu” do Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống tổ chức cùng với các hiệp hội Greenaccord, Greenpeace và Hiệp hội báo chí Ý, Đức TGM Vincenzo Paglia nhấn mạnh đến việc xem xét lại mối quan hệ giữa con người và tương quan giữa con người với thiên nhiên.
Đi từ tình hình hiện tại với các cuộc chiến đang diễn ra trên khắp thế giới, từ Ucraina đến Gaza, đến Nam Sudan và 56 cuộc chiến khác bị phớt lờ, Đức TGM Paglia, chủ tịch Hàn lâm viện về Sự sống, trích dẫn lời của ĐGH Gioan Phaolô II rằng: “Con người đau khổ trên hết bởi sự thiếu tầm nhìn”. Đức TGM nói thêm: Giấc mơ mà tất cả chúng ta từng có vào năm 89: “cuối cùng, một thế giới thống nhất và phổ quát”, đã sụp đổ một cách thảm hại.
Đức TGM Paglia nhắc lại những thảm hoạ kể từ bom hạt nhân năm 1945 đến biển đổi khí hậu gần đây để chỉ ra việc con người có thể hủy diệt chính mình và công trình sáng tạo. Do đó, cần phải có những dấn thân cụ thể và quyết liệt để cứu hành tinh và nhân loại. Theo Đức TGM Paglia, Laudato sì và Fratelli tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô là hai mảnh ghép tạo nên một tầm nhìn chung và rõ ràng: chỉ có một ngôi nhà (hành tinh) để chăm sóc và chỉ một gia đình (các dân tộc) để chịu trách nhiệm.
Đức TGM Paglia nhấn mạnh: Hai thông điệp Laudato sì và Fratelli tutti thúc đẩy một tầm nhìn mới về con người, trong đó nhân loại cần theo đuổi sự toàn cầu hóa của chủ nghĩa nhân văn đề cao giá trị và phẩm giá của mỗi con người, dù họ là ai và đến từ đâu. Cụ thể, đó là chủ nghĩa nhân văn về quyền con người, quyền phụ nữ, tự do-bình đẳng-tình huynh đệ, dân chủ, đoàn kết toàn cầu. Bởi vì, về phần mình, ĐTC Phanxicô nhận xét, “mọi thứ đều được kết nối với nhau, và điều này mời gọi chúng ta phát triển một nền linh đạo liên đới toàn cầu xuất phát từ mầu nhiệm Ba Ngôi” (LS 240).
Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống kết luận: Sự đa dạng trong khối thống nhất và sự hiệp nhất trong đa dạng là kho báu của nhân loại. Đây là “tin vui” của chủ nghĩa nhân văn mới cho thiên niên kỷ thứ ba.
Thêm vào đó, chủ nghĩa nhân văn mới này cũng đòi hỏi xem xét lại mối quan hệ giữa con người và đồng thời tương quan giữa con người với thiên nhiên. Bởi vì “nếu cuộc khủng hoảng sinh thái là sự xuất hiện hoặc biểu hiện bên ngoài của cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hóa và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể tự lừa dối mình khi nghĩ rằng chúng ta có thể hàn gắn mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường mà không hàn gắn tất cả các mối quan hệ nền tảng của con người” (LS 119).
Đức TGM Paglia kết luận: Chủ nghĩa nhân văn hành tinh mới này tạo nên số phận của nhân loại, từ sự kết nối của tất cả các cá nhân và mọi dân tộc, và toàn thể nhân loại với hệ sinh thái toàn cầu, với hành tinh Trái đất của chúng ta. Đó là một thách thức đòi hỏi lòng can đảm và sức mạnh từ sự đổi mới tâm trí và tinh thần, dựa trên niềm hy vọng về tình huynh đệ.
Vatican News