Ngày 29-06-2024, Thứ Bảy Tuần 12 – Mùa Thường Niên


Ngày 29-06-2024, Thứ Bảy Tuần 12 – Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Gợi ý suy niệm

Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài. Dân chúng biết mù mờ về Đức Giêsu bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giêsu là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giêsu là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giêsu, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Có nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu: người thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giêsu là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.

Lời đáp trả của Phêrô quả là một lời tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.

Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phêrô là Satan.

Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phêrô mong đợi một Đấng Kitô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Israel khỏi ách thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phục vụ: “Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10, 45)

Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Kitô.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: “Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô”

Bài học:
1. Uy quyền của Chúa.
– Chúa muốn làm gì làm.
+ Xét về nhiều phương diện thì Phêrô thiếu hẳn những đức tính của một người lãnh đạo thế nhưng Chúa đã chọn ông, đặt ông làm thủ lãnh của Giáo Hội. Đó là công việc của Chúa.

+ Phaolô cũng thế: Từ một kẻ thù Chúa đã biến ông thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những người theo Chúa mà giết đi. Chúa đã biến ông trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì người. Về phương diện trần thế chẳng khi nào chúng ta thấy được như thế.

2. Bài học về lòng yêu mến Chúa
+ Câu truyện tại bờ biển Galilêa sau khi Chúa sống lại. Phêrô đã tuyên xưng không phải đức tin, nhưng là lòng yêu mến của Ông.

+ Phaolô đã viết những lời thật cảm động sau đây: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay ciều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Xem 2 Tm 4,6-8 Rm 8,18-19.32.33.38.39)

3. Bài học về sự gắn bó và lòng trung thành đối với Chúa.
+ Nhìn lại cuộc đời theo Chúa của Phêrô chúng ta thấy ông đã sẵn sàng để cho Chúa uốn nắn, mài dũa ông như thế nào. Rất nhiều lần Chúa đã trách mắng ông, thậm chí có lần Chúa đã gọi ông là “Đồ Satan”, thế nhưng Phêrô vẫn luôn một lòng một dạ trung thành để rồi sau này ông có thể viết cho đoàn chiên Chúa trao cho Ông như thế này: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,15) – Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1Pr 2,9)

+ Còn đối với Phaolô thì chúng ta khỏi cần phải nói: Sau khi được Chúa kêu gọi trên con đường ông đi Damas, ông đã vào ẩn mình trong hoang địa. Ở đó Chúa đã tôi luyện ông để ông trở nên giống Chúa đến nỗi Ngài có thể tự hào: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Và Ngài khuyên những ai tin Chúa: “Anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người”. Vào cuối đời ông đã để lại những lời này cho người môn đệ yêu quí của ông: “Còn cha, cah sắp phải đỗ máu ra làm lễ tế. Đã đến giờ cha phải ra đi. Cha đã chiến đấu trong một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững được đức tin. Giờ đây cha chỉ còn đợi trông vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị Thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho cha trong ngày ấy và không phải chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trước khi trao trách nhiệm cho thánh Phêrô, Chúa đã muốn ngài khám phá ra Chúa là ai. Và Chúa rất hài lòng khi chính miệng ngài nói lên điều chất chứa trong tim: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Và Chúa đã tin tưởng giao trách nhiệm cho ngài.

Chúa đã đặt nền móng Giáo Hội trên nền tảng thánh Phêrô. Con cũng được Chúa tin tưởng và giao cho sứ mạng xây dựng Giáo Hội. Chúa muốn con trở thành một viên đá sống động và kiên vững. Xin Chúa cho con lòng tin vững mạnh như đá.

Nhưng Chúa ơi, viên đá tâm hồn cũng đang cần được trau chuốt mài dũa các góc cạnh sắc bén để có thể ăn khớp với những viên đá khác nằm cạnh. Tâm hồn con cần loại bỏ đi những phần thừa của tội lỗi và tật xấu. Tâm hồn con cần đục bỏ đi tính ích kỷ, khi chỉ nghĩ đến mình, để sẵn sàng hòa hợp với các tâm hồn khác. Khi đẽo gọt như thế chắc chắn sẽ đau đớn. Nhưng con sẵn sàng hy sinh chính mình để góp phần nhỏ bé trong việc xây dựng Giáo Hội. Tòa nhà Giáo Hội vẫn còn dang dở. Con có nhiệm vụ hoàn thành bằng đời sống đức tin, trang bị bằng ơn thánh Chúa và cần tô điểm thêm đẹp bằng đời sống bác ái yêu thương.

Xin giúp con biết bắt chước thánh Phêrô luôn nhiệt tâm trong công trình xây dựng Giáo Hội, và luôn luôn biết liên kết với anh em con, để tất cả chúng con trở thành một tòa nhà kiên cố không gì phá đổ được. Amen.