Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con.

 

Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng.  Dân Do Thái thời Cựu Ước luôn xác tín điều này. Kinh Thánh Cựu Ước có  lời chép rằng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.” (Tv 115, 3)

Với chúng ta, là một Ki-tô hữu, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.”

Lời tuyên xưng của chúng ta không phải là lời tuyên xưng mơ hồ, nhưng đã được đóng ấn, dấu ấn của “Đức Giê-su Ki-tô – Con Một Thiên Chúa”.

Qua Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Kinh Thánh cho chúng ta biết, Ngài có quyền năng trên ma quỷ, trên con người, và trên cả thiên nhiên nữa.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, một lần nọ, Đức Giê-su đã thể hiện quyền năng của mình trên thiên nhiên. Sự kiện này đã làm cho các môn đệ của Ngài vừa kinh ngạc, vừa “hoảng sợ”. Tin Mừng thánh Mác-cô đã ghi lại rất chi tiết sự kiện này, với tiêu đề: “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió”. (Mc 4, 35-41)

**    

Vâng, theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại: “Hôm ấy, khi chiều xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Tuân theo lệnh truyền của Thầy Giê-su: “các ông chở Người đi”.  Chiều hôm ấy, không  chỉ có Thầy và  trò sang-bờ-bên-kia, mà còn  “có những thuyền khác cùng theo Người.”

Những thuyền khác theo Đức Giê-su để làm gì!  Thưa, thánh sử Mác-cô không nói lý do. Nhưng chúng ta có thể đoán, rằng: Họ muốn gặp Ngài. Gặp để nghe một con người có những lời  giảng dạy “như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (x.Mc 1, …22)

Chưa hết, họ còn muốn gặp Đức Giê-su để chứng kiến một con người có quyền phép “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”. Kể cả những kẻ “bị thần ô uế nhập”, Ngài cũng có thể ra lệnh bắt chúng phải tuân lệnh “xuất ra khỏi” người đó.

Trở lại với không gian của Biển Hồ, một khoảng không gian dài non hai mươi cây số, rộng khoảng mười một cây số, con thuyền của Thầy và trò Đức Giê-su đang êm ả “lờ lững trôi theo dòng”. Bất ngờ thay! “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (x.Mc 4, 37)

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế, Đức Giê-su làm gì nhỉ! Thưa, Ngài “đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”(x.Mc 4, 38)

Còn các môn đệ! Thưa, dù là những tay ngư phủ lão luyện, nhưng Phê-rô, An-rê, Gioan, Gia-cô-bê và những đồng môn khác vẫn không dấu được sự hoảng hốt và lo lắng. Các ông chạy đến “đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.

Thầy-chẳng-lo-gì thì đã sao! Thầy chỉ là “con bác thợ” – bác Giu-se làm thợ mộc, chứ nào phải là  “con ông Dê-bê-đê” chuyên nghề “vá lưới”, nha!

Ấy thế mà, dù chỉ  là “con bác thợ”,  Đức Giê-su đã cho các môn đệ thấy được quyền năng, không phải quyền năng của con bác thợ, nhưng là quyền năng của Con Một Thiên Chúa.

Hôm ấy, chuyện được kể rằng: “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi!”. Ngăm đe xong, rồi sao nhỉ! Thưa, “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”.

Vâng, gió đã  tắt, biển đã lặng. Đức Giê-su, như một vị thuyền trưởng, nhìn các môn đệ và nói: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các môn đệ, hôm ấy đều im lặng, không có một câu trả lời.

Không trả lời, có lẽ do: “Các ông (vẫn còn) hoảng sợ”. Sợ… không phải là sợ “trận cuồng phong” vừa mới xảy ra, nhưng là sợ  trước việc lạ lùng mà họ vừa chứng kiến.

Chính nỗi sợ đó, khiến các ông đã nói với nhau: “Người này là ai, mà cả gió và biển cũng tuân lệnh?”

*** 

Vậy… “Người này là ai?”. Vâng, có phần chắc, các một đệ ít nhiều cũng biết Đức Giê-su là ai.  Các ông thừa biết Ngài có quyền phép, quyền phép “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”, quyền phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá, cho năm ngàn người ăn no nê v.v…

Quyền phép như thế, thế tại sao các ông lại còn hoảng sợ! Thưa, theo lời nhận định của Đức Giê-su, là do các ông  “vẫn chưa có lòng tin”. Các ông “kém lòng tin”. Đức Giê-su, theo lời thánh sử Luca kể lại, thì Ngài đã nói các môn đệ, rằng: “Đức tin anh em ở đâu?”

Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, để chúng ta cũng hãy đặt mình vào vị trí của các môn đệ xưa.  

Đặt vào vị trí của các môn đệ xưa, và tự hỏi lòng mình rằng, khi con thuyền cuộc đời của chúng ta gặp phong ba bão táp… phong ba bão táp của bệnh tật,  của mất mát, của chia ly, của tử biệt v.v… chúng  ta sẽ không “hoảng sợ” mà vẫn đặt niềm tin vào Chúa rằng, Ngài sẽ  “cứu chúng ta thoát khỏi mọi sự dữ”!?

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Khi con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với phong ba bão táp, phong ba bão táp của sự suy thoái kinh tế, của thất nghiệp… chúng ta vẫn vững lòng tin “ký thác đường đời” cho Chúa!

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Khi con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với phong ba bão táp, phong ba bão táp của “bách hại vì sống công chính”, chúng ta vẫn “một niềm phó thác đời con trong tay Ngài.”!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng! Đừng quên, khi còn tại thế, Đức Giê-su không hứa cuộc đời của những ai theo Ngài sẽ phẳng lặng. Trái lại, Ngài còn cảnh báo rằng, “các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Đúng. Chúa đã chiến thắng thế gian, chiến thắng thần chết. Ngài không bỏ mặc chúng ta. Thật vậy, tác giả sách Thánh Vịnh, cảm nghiệm được điều này, nên đã có lời chia sẻ, rằng: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.  

Vâng, hãy tin… hãy “tin tưởng nơi Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

****   

Chúng ta vừa nói tới những cơn phong ba bão táp ảnh hưởng đến “thể xác”, thế còn những cơn phong ba bão táp nổi  lên trong“tâm hồn”,  của chúng ta,  thì sao?

Vâng, đó là những cơn “bão lòng” xuất phát  từ trong tâm lòng chúng ta. Và đó chính là những cơn bão đáng sợ nhất.

Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi có để cho những cơn bão “Cơn-bão-dâm-dục… Cơn-bão-hận-thù… Cơn-bão-ích-kỷ… Cơn-bão-phóng-đáng… Cơn-bão-bè-phái… Cơn-bão-ganh-tị… Cơn-bão-say-sưa… Cơn-bão-thờ-quấy v.v.. xâm nhập và quậy nát tâm hồn tôi?

Vâng, đó là những cơn bão có thể vùi dập, lôi cuốn tâm hồn chúng ta xuống tận đáy địa ngục.  Thế nên, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác những loại bão này.  Bằng cách nào? Thưa, bằng cách trang bị cho con thuyền cuộc đời mình hai cánh buồm: cánh-buồm-Thánh Kinh và cánh-buồm-Thánh-Thể.

“Cánh buồm Thánh Kinh” sẽ lèo lái con thuyền cuộc đời của ta đi. Đi đến đúng nơi chúng ta cần đến. Đó là: bỏ lại bờ bến thế gian, sang-bờ-bên-kia, bờ bến của hạnh phúc Nước Trời.

Còn “Cánh buồm Thánh Thể” ư! Vâng, có cánh buồm Thánh Thể, con thuyền cuộc đời của ta luôn luôn có Đức Giê-su “đang ở sẵn trong thuyền”. Ôi! hạnh phúc thay, phải không, thưa quý vị!

Có Đức Giê-su đang-ở-sẵn-trong-thuyền, mỗi khi con thuyền cuộc đời của chúng ta gặp phong ba bão táp, với tất cả niềm tin, chúng ta hãy lớn tiếng cầu xin với Ngài rằng: “Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con.”

Petrus.tran