XEM
Thường thì trong đời sống hôn nhân, vợ chồng ít khi đối thoại, mà thay vào đó, họ cố gắng áp đặt mình lên người kia, đa phần là người chồng lấn át người vợ, và họ ngày càng trở nên xa cách. Khi còn hẹn hò, tình yêu khiến hai người không tranh cãi nhưng đồng ý với nhau về hầu hết mọi thứ, mặc dù điều này đơn giản vì mỗi người không muốn mất đối phương hơn là vì tình yêu trưởng thành. Chẳng hạn, cô gái đi dự Thánh lễ Chúa nhật và mời bạn trai, có thể người con trai sẵn sàng đi cùng cô ấy có lẽ không phải vì lòng sùng đạo mà chỉ vì muốn có mối tương quan tốt đẹp với cô ấy. Sau khi kết hôn, sự quan tâm này dần mờ nhạt, hoặc thậm chí mất đi, và đến lúc mỗi người cố gắng áp đặt lý trí, quan điểm, quyết định của mình lên mọi thứ và mọi người. Vợ chồng không còn đối thoại để tìm ra điều tốt nhất cho cả hai và cho gia đình, nhưng thay vào đó, họ cố gắng áp đặt và lấn át đối phương, đôi khi bằng bạo lực bằng lời nói, và thậm chí bằng những hành vi xúc phạm và ám chỉ tiêu cực đối với gia đình bên kia. Vì không biết đối thoại nên nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ, dù trên thực tế, họ không chia tay.
Điều tương tự cũng xảy ra trong các nhóm, trường học, tổ chức, kể cả các tổ chức giáo hội. Những vấn đề cùng quan tâm được thảo luận nhưng một số không biết cách đối thoại; Họ buộc mình phải đúng về mọi thứ và khoe khoang rằng họ biết mọi thứ. Ngay trên sân thể thao, có những cổ động viên không biết chấp nhận thất bại của đội mình, họ ném đủ loại đồ vật vào các cầu thủ đối phương trên sân, và bên ngoài sân vận động, thì họ muốn loại bỏ những người bảo vệ những màu áo khác nhau.
XÉT
Trong Tông huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến vấn đề đối thoại như một phương thế để bảo vệ tình yêu và hòa khí trong gia đình; Nhưng suy cho cùng, giáo huấn của ngài cũng có thể áp dụng cho các môi trường khác, lãnh vực khác.
Một cách cụ thể, trong các số 136-140 của Tông huấn, chúng ta học được rằng:
“Cần luôn luôn phát triển một số thái độ diễn tả tình yêu và thúc đẩy sự đối thoại đích thực.
Hãy dành thời gian, khoảng thời gian chất lượng để lắng nghe một cách kiên nhẫn và chú ý, cho tới khi người kia diễn tả hết mọi điều mà người ấy cần nói. Điều này đòi hỏi ta phải khổ chế bản thân để không lên tiếng khi chưa phải lúc. Thay vì đưa ra một ý kiến hay một lời khuyên, chúng ta cần bảo đảm rằng mình đã nghe mọi điều người kia muốn trình bày. Điều này bao hàm việc giữ thinh lặng nội tâm để lắng nghe người khác mà không bị tác động do tâm tưởng: đừng hấp tấp, hãy đặt qua một bên tất cả các nhu cầu và lo toan cấp thời riêng của bạn, và hãy dành chỗ để lắng nghe. Rất nhiều khi người bạn đời không cần một giải pháp cho vấn đề của người ấy, mà chỉ cần được lắng nghe. Người ấy cần cảm nhận rằng có người hiểu nỗi đau của mình, hiểu sự chán nản, nỗi sợ, cơn giận, những hi vọng và những ước mơ của mình.
Hãy phát triển thói quen trao tầm quan trọng thực sự cho người kia. Điều này có nghĩa là biết trân trọng họ, nhìn nhận quyền tồn tại của họ, quyền suy nghĩ theo cách riêng và quyền được hạnh phúc của họ. Đừng bao giờ chế giễu những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn cần diễn tả quan điểm riêng của mình. Chính ở đây hàm ẩn một xác tín đó là tất cả mọi người đều có cái gì đó để đóng góp, bởi vì mỗi người đều có một kinh nghiệm sống khác, mỗi người nhìn sự vật từ một quan điểm khác, mỗi người có những mối quan tâm ấp ủ khác, những khả năng và những trực giác khác. Chúng ta phải nhận ra được sự thật của người kia, tầm quan trọng của những mối bận tâm sâu xa nhất của người ấy, và những gì mà người ấy đang ngầm muốn nói, ngay cả thông điệp nằm đàng sau những ngôn từ gay gắt. Vì lí do đó ta phải cố đặt mình vào chỗ của người ấy, cố gắng nhìn vào trái tim của người ấy, hiểu ra những bận tâm sâu xa nhất của người ấy và lấy đó làm khởi điểm cho một cuộc đối thoại sâu xa hơn.
Hãy cởi mở trong suy nghĩ, đừng tự khép lại để mình mắc kẹt trong một vài ý kiến và quan điểm giới hạn của mình, nhưng hãy sẵn sàng để thay đổi hay bổ túc ý kiến của mình. Sự kết hợp cách nghĩ của tôi và cách nghĩ của người kia, khác nhau nhưng có thể dẫn đến một tổng hợp làm phong phú cho cả hai. Sự hợp nhất mà chúng ta cần tìm không phải là sự đồng dạng, nhưng là một sự “hợp nhất trong khác biệt”, hay “sự khác biệt được hòa giải”. Theo đường hướng này, sự hiệp thông huynh đệ được làm cho phong phú bằng sự kính trọng và trân trọng những khác biệt trong một nhãn giới bao quát giúp thăng tiến thiện ích chung. Chúng ta cần giải phóng chính mình khỏi cái cảm nghĩ rằng tất cả chúng ta đều phải giống như nhau. Điều quan trọng là khả năng nói lên những gì mình nghĩ mà không gây tổn thương cho người khác; cần phải lựa lời mà nói và lựa cách nói làm sao để được người kia chấp nhận cách dễ dàng hơn, nhất là khi thảo luận những vấn đề gay cấn; việc nêu những ý kiến phê bình của mình đừng bao giờ gắn với việc xả cơn giận như một hình thức trả thù, và tránh giọng điệu dạy đời chỉ cốt tấn công, châm chọc, tố cáo và gây tổn thương.
Nhiều sự bất đồng thực sự không phải là những chuyện quan trọng. Phần lớn chúng là những chuyện vặt vãnh, nhưng điều làm thay đổi bầu khí chính là cách nói hay thái độ của người nói… Điều quan trọng là đặt nền quan điểm của mình trên những lựa chọn, những niềm tin hay những giá trị vững chắc, chứ không đặt trên nhu cầu thắng một cuộc tranh cãi hay nhu cầu chứng minh rằng mình đúng.
LÀM
Trong bất cứ lãnh vực nào, chúng ta đều cần đối thoại, cởi mở để lắng nghe tiếng nói của người khác, cần sự khôn ngoan để tìm ra sự thật ở những người có lối suy nghĩ khác biệt. Càng là người có quyền lực, chúng ta càng dễ bị cám dỗ không muốn lắng nghe, nhất là đối với với người chúng ta không thích, hoặc những ý kiến trái chiều, nhưng thực tế cho thấy rằng, càng biết trân trọng, cân nhắc những quan điểm khác với mình, chúng ta càng có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và khôn ngoan.
Để được như vậy, chúng ta hãy học cách đối thoại, khởi đi từ gia đình, với tâm hồn rộng mở.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Lược dịch từ: exaudi.org (12.06.2024)
Đức Hồng y Felipe Arizmendi