Sáng thứ Hai, ngày 01 tháng Bảy tới đây, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ triệu tập Công nghị các Hồng y và Giám mục, về việc tôn phong hiển thánh cho mười ba vị chân phước.
Các vị đã được Đức Thánh cha chấp thuận, ngày 23 tháng Năm vừa qua, việc công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ hoặc ý kiến thuận của Hội đồng các Hồng y, Giám mục thành viên Bộ Phong thánh.
Trước hết, có chân phước linh mục Giuseppe Allamano, sáng lập Dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi, người Ý, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.
Chân phước thiếu niên Carlo Acutis, người Ý, qua đời tại Monza, bắc Ý, năm 2006, lúc mới 15 tuổi và được Đức Thánh cha Phanxicô phong chân phước cách đây gần bốn năm, ngày 10 tháng Mười năm 2020.
Tiếp đến là 11 vị tử đạo, gồm 8 tu sĩ Dòng Phanxicô và 3 anh em Massaki giáo dân thuộc Giáo hội Công giáo Maronite, bị sát hại hồi năm 1860 tại Damasco, Syria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo.
Đứng đầu danh sách là cha Emanuele Ruiz, người Tây Ban Nha, tiếp đến là 6 tu sĩ Phanxicô đồng hương và một vị người Áo. Họ sống tại khu khố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và sức ép của các cường quốc Âu châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của ông hoàng Metternich của Áo, chia miền núi Liban thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut, năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.
Trong đêm ngày 09 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1870, 8 tu sĩ Phanxicô và 3 giáo dân Công giáo Maronite chạy vào một tu viện, với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Thực vậy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả 11 người tị nạn.
Các vị tử đạo đã được Đức Thánh cha Piô XI tôn phong chân phước, năm 1926, và lễ kính các vị được ấn định vào ngày 10 tháng Bảy, tại nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco, nơi vẫn còn giữ di hài của các vị.
Đức Thánh cha phê chuẩn việc bỏ phiếu thuận của Hội đồng các Hồng y và Giám mục thành viên Bộ Phong thánh, về việc phong hiển thánh cho cha Emmanuele Ruiz và 10 vị tử đạo tại Damasco.
Cuộc tử đạo này cũng là một chứng tá về tinh thần đại kết của các vị tử đạo thuộc các cộng đoàn Kitô nghi lễ khác nhau, vốn bị chia rẽ vì nhiều lý do lịch sử, nhưng cùng hiệp nhau trong việc làm chứng tá đến độ đổ máu đào vì cùng niềm tin nơi Chúa Kitô.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA