1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây Phương, kể từ thế kỷ IX, người ta cũng mừng lễ thánh nhân vào ngày này.
Marcô (tiếng Hy-lạp: Marcos, và la ngữ: Marcus = búa) được gọi là “môn đệ và phát ngôn viên của Phêrô” đồng thời là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, theo như lời lưu truyền rất xưa, từ thời Trưởng lão Gioan (cuối thế kỷ I) được Papias (khoảng 150), giám mục thành Hierapolis (Phrygie) thuật lại. Người xưa thường đồng hóa tác giả sách Tin Mừng Marcô với Gioan Marcô, mà sách Công vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thường nhắc đến. Họ nói người xuất thân từ Giêrusalem (Cv 12,12), là bạn đồng hành với Phaolô và Banabé (Cv12,25; 13,5,13 …) sau đó với Phêrô tại “Babylon” (1 Pr 5,13) ngụ ý là Rôma.
Một truyền tụng khác từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô thiết lập giáo đoàn Alexandrie (Ai Cập), nơi đây ngài đã tử vì đạo. Thi hài của ngài ban đầu được tôn kính gần Alexandrie, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính ngài (thánh đường thánh Marcô).
Biểu hiện hình ảnh của thánh Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy giả như là tiếng hô trong sa mạc (1,3).
2. Thông điệp và tính thời sự
Phụng vụ tôn vinh Marcô trước tiên do chính công soạn sách Tin Mừng của ngài. Ngài là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, có lẽ tại Rôma, giữa các năm 40 và 75. Là phát ngôn viên của Tông Đồ Phêrô, ngài thuật lại bằng tiếng Hy Lạp – qua một câu chuyện sống động và cụ thể cuộc đời Đức Giêsu từ lúc chịu thanh tẩy cho đến khi sống lại. Đối với ngài, cuộc Khổ Nạn mang một tầm quan trọng đặc biệt.
a. Lời xướng đáp và lời nguyện đầu lễ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, cũng như Đức Giêsu công bố điều này trong chương cuối sách Tin Mừng của Marcô mà chúng ta đọc một trích đoạn trong Thánh lễ: Đức Giêsu nói với mười một Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” … còn họ (nhóm mười một) thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (16,15 … 20).
b. Lời tung hô Tin Mừng nhắc lại (1 Cr 1, 23 –24): Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Quả vậy trong sách Tin Mừng Marcô, mọi sự đều tập trung vào Giêsu, Đấng Kitô. Là Người thật và rất nhân ái, là Con Người (2,10…) nên Người chạnh lòng thương đám đông (8,2); Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (10,16); Người cảm thấy hãi hùng và xao xuyến (14,33). Nhưng Người cũng dần dần tự tỏ mình ra như Đấng Thánh của Thiên Chúa (9,24) hay Con Thiên Chúa (3,11…) biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của mình qua nhiều dấu lạ. Marcô mô tả chừng hai mươi dấu lạ. Các dấu lạ Người làm khiến mọi người hỏi nhau rằng: thế nghĩa là gì ? (1,27) hay: vậy người này là ai ? (4,41). Chính Đức Giêsu cũng hỏi các Tông Đồ: Anh em bảo Thầy là ai ? (8,29). Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô (= Đấng Mêssias), còn viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhân chứng cuộc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, đã thốt lên: Quả thật, người này là con Thiên Chúa ! (15,39).
c. Lời nguyện đầu lễ kết thúc với lời xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, nhờ lời giảng dạy của Marcô, được trung thành “bước theo Đức Kitô”.
Phần hai của sách Tin Mừng Marcô (9 –16) chỉ rõ cụ thể cách thế để theo Đức Giêsu. Cũng như con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại (8,31), cũng thế, Đức Giêsu phán: Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo. Nói cách khác, người môn đệ chân chính là người dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn nói: Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (8,35).