Ngày 21/4/2024, Chúa Nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội cử hành ngày Thế giới cầu cho các ơn gọi lần thứ 61. Từ hàng chục năm nay, ơn gọi trong Giáo Hội tiếp tục sa sút, và hiện tượng này người ta thấy rõ qua con số các Linh Mục và tu sĩ nam nữ giảm sút, cũng như việc thực hành đạo của giáo dân ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, có những nơi có số ơn gọi gia tăng. Theo Giám mục giáo phận Columbus ở Hoa Kỳ, điều này là nhờ lời cầu nguyện của mọi người.
Lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha
“Ngày thế giới cầu cho ơn gọi được Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 thành lập năm 1964 trong Công đồng đồng chung Vatican II. Sáng kiến do Chúa Quan Phòng này soi sáng nhắm giúp các thành phần Dân Chúa, cá nhân và cộng đoàn, đáp lại tiếng gọi và sứ mạng Chúa ủy thác cho mỗi người trong thế giới ngày nay, với những vết thương và hy vọng, những thách đố cũng như những chinh phục đạt được” (Sứ điệp Ngày cầu cho ơn gọi năm 2023).
Năm nay, trong sứ điệp công bố nhân ngày này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu dấn thân trở thành “những người lữ hành hy vọng và xây dựng hòa bình”.
Đó cũng là đề tài ngài chọn cho ngày ơn gọi này. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “Ngày cầu nguyện này luôn là một cơ hội tốt để nhớ lại với lòng biết ơn Chúa vì sự dấn thân trung thành, hằng ngày, và thường là âm thầm, của những người đón nhận và sống ơn gọi liên hệ tới trọn cuộc sống của họ: các cha mẹ, những người dấn thân, trong nhiều lãnh vực, để xây dựng một thế giới công bằng hơn, một nền kinh tế liên đới hơn, một nền chính trị bình đẳng và một xã hội nhân bản hơn”.
Đức Thánh Cha cũng nghĩ đến những người thánh hiến dâng trọn cuộc sống cho Chúa trong âm thầm của kinh nguyện, cũng như trong hoạt động tông đồ; những người đã đón nhận ơn gọi làm linh mục và tận tụy loan báo Tin Mừng, chia sẻ cuộc sống cùng với bánh Thánh Thể cho anh chị em, gieo rắc hy vọng, tỏ cho mọi người thấy vẻ đẹp của Nước Thiên Chúa”.
Trong bối cảnh dân Chúa đang tiến đến Năm Thánh 2025 và năm nay là năm cầu nguyện để chuẩn bị Năm Thánh với chủ đề “Những người lữ hành hy vọng”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Mục đích của mỗi ơn gọi là trở thành những người hy vọng. Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trong các đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được kêu gọi thể hiện niềm hy vọng của Tin Mừng trong thế giới đang bị những thách đố to lớn: hiểm họa thế chiến thứ ba từng mảnh lan rộng, những đám đông di dân tị nạn khỏi quê hương của họ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn; số người nghèo liên tục gia tăng, nguy cơ sức khỏe của trái đất bị thương tổn không thể phục hồi lại được. Tất cả những điều đó, cộng thêm với những khó khăn chúng ta gặp hằng ngày, và nhiều khi làm cho chúng ta lâm vào thái độ cam chịu và chủ bại”.
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “điều quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta là vun trồng một cái nhìn đầy hy vọng, để có thể làm việc hiệu quả, đáp ứng ơn gọi được ủy thác cho chúng ta, phục vụ Nước Thiên Chúa, Nước tình thương, công lý và hòa bình” …
Đức Thánh Cha giải thích rằng “Trở thành những người lữ hành hy vọng và xây dựng hòa bình có nghĩa là xây dựng cuộc sống của mình trên đá tảng sự phục sinh của Chúa Kitô, ý thức rằng mọi dấn thân của chúng ta, trong ơn gọi mà chúng ta đón nhận và tiến hành, sẽ không vô ích. Mặc dù có những thất bại và bị ngưng lại, điều thiện mà chúng ta gieo vãi âm thầm tăng trưởng và không gì có thể tách chúng ta ra khỏi mục tiêu cuối cùng đó là gặp gỡ Chúa Kitô và niềm vui được sống trong tình huynh đệ giữa chúng ta đến đời đời. Ơn gọi chung kết này chúng ta phải sống trước mỗi ngày: tương quan tình thương với Thiên Chúa và với anh chị em bắt đầu ngay từ bây giờ để thực hiện giấc mơ của Thiên Chúa, giấc mơ hiệp nhất, hòa bình và huynh đệ. Ước gì không ai cảm thấy bị loại trừ khỏi ơn gọi này! Mỗi người trong chúng ta, trong sự bé nhỏ, trong bậc sống của mình, với ơn Chúa Thánh Linh giúp đỡ, đều có thể là người gieo vãi hy vọng và hòa bình”.
Thực trạng Giáo Hội
Tuy sứ điệp của Đức Thánh Cha không thu hẹp ngày cầu nguyện vào các linh mục và những người thánh hiến nam cũng như nữ, và nói chung đến ơn gọi của tất cả các tín hữu, và nói đến ơn gọi chung của các tín hữu tùy theo bậc sống của mình, nhưng người ta không thể không quan tâm đến hiện tượng ơn gọi linh mục và tu sĩ suy giảm nhiều trong Giáo Hội từ hàng chục năm nay.
Theo thống kê mới nhất, công bố hôm 4/4 vừa qua tại Vatican, số tín hữu Công Giáo trên thế giới trong năm 2022 tăng lên 1 tỷ 390 triệu người, tăng 1% so với năm 2021 trước đó, nhưng số Linh Mục và tu sĩ tiếp tục giảm sút.
Con số Linh Mục của Giáo Hội trong năm 2022 là 407.730 vị, tức là giảm 0,03%. Sự suy giảm này bắt đầu từ năm 2012: giảm sút nhiều nhất tại Âu Châu, với 1,7%, tuy rằng tính tổng số thì đại lục này vẫn còn nhiều Linh Mục nhất. Trái lại, tại Phi châu, số Linh Mục tăng 3,2% và tại Á châu tăng 1,6%. Tại Bắc và Nam Mỹ, số Linh Mục trong năm 2022 giống như năm trước đó.
Số chủng sinh cũng giảm sút: trong năm 2022 có 108.481 chủng sinh, tức là giảm 1,3% so với năm trước đó. Sự suy giảm này là 6% tại Âu Châu. Trái lại, tại Phi châu có 34.541 chủng sinh, chiếm 1 phần 3 tổng số chủng sinh trong Giáo Hội.
Số tu sĩ trong Giáo Hội tiếp tục suy giảm: năm 2022 có 599.228 tu sĩ nam nữ, tức là giảm 1,6%; tuy nhiên tại Phi châu tu sĩ tăng 1,7%, còn Âu Châu thì giảm 3,5%. Sự giảm bớt này cũng diễn ra tại Mỹ châu: Trung và Nam Mỹ giảm 2,5%, Bắc Mỹ giảm 3% và Úc châu giảm 3,6%. Tại Đông Nam Á, sự suy giảm ít nhất, với 0,1%. (Sala Stampa 04/04/2024)
Hoặc một tin cụ thể khác, tại Cộng hòa Tiệp (Séc), trong số gần 11 triệu dân, có 29% là tín hữu Công Giáo, tức là khoảng 3 triệu 500 ngàn người, thuộc 8 giáo phận, và trong năm nay sẽ có 12 phó tế được thụ phong linh mục và 5 chủng sinh sẽ thụ phong phó tế. Tổng giáo phận thủ đô Praha chỉ có thêm 1 Linh Mục và 1 phó tế. Có 2 giáo phận không có thêm tân Linh Mục và phó tế nào (ekai 19/4/2024)
Một dấu hiệu tích cực
Tuy nhiên, trong Giáo Hội, đây đó vẫn có những dấu hiệu tích cực, như tại giáo phận Columbus, bang Ohio ở Mỹ, trong gần 2 năm qua, số chủng sinh tăng gần gấp đôi: năm ngoái có 16 chủng sinh mới gia nhập chủng viện.
Đức Cha Earl Fernandes, Giám Mục giáo phận sở tại, nói với Đài Vatican rằng: “Khi tôi nhận chức Giám Mục tại giáo phận này cách đây gần 2 năm, không có lễ truyền chức nào trong giáo phận Columbus của chúng tôi. Cuối lễ truyền chức Giám Mục, tôi nói đùa với cộng đoàn rằng năm nay số Giám Mục được thụ phong nhiều hơn là linh mục!”
“Trong gần 2 năm qua, tình trạng hoàn toàn thay đổi hẳn: nhờ những cố gắng mục vụ và lời cầu nguyện: Năm ngoái đã có 16 người trẻ xin vào chủng viện và năm nay chúng tôi chờ đợi ít nhất là 12 chủng sinh mới. Giáo phận cũng hài lòng vì số tín hữu gia tăng”.
Đức Cha Fernandes nói thêm rằng: “Chúng tôi đã chọn các linh mục để gặp gỡ mỗi tháng những người trẻ trong vùng liên hệ để phân định với họ về ơn gọi linh mục và đời sống tu trì, để đọc cuốn sách của Cha Brett Brannan tựa đề “Để cứu một ngàn linh hồn: một chỉ nam để phân định ơn gọi giáo phận” (To Save a Thousand Souls: A Guide for Discerning to Diocesan Priesthood).
Ngoài ra, cũng có những cuộc tĩnh tâm với chủ đề “Quo vadis?” (Thầy đi đâu?) dành cho các học sinh các trường trung học cấp 3: “Những người trẻ trải qua 3 ngày cầu nguyện, lắng nghe các chứng từ, nói với các linh mục hiểu thế nào là đào tạo linh mục và cũng là dịp để những người trẻ được hưởng tình huynh đệ hầu cảm nghiệm rằng tình huynh đệ này bao gồm nhiều hơn kinh nguyện, việc học hành và công việc làm. Cả những hoạt động này đã mang lại nhiều thành quả”.
Đức Giám Mục giáo phận Columbus tái khẳng định tầm quan trọng của kinh nguyện của các giáo dân và tu sĩ trong giáo phận. Ngài nói: “Tôi liên lỉ khuyên mọi người hãy ăn chay cầu nguyện cho ơn gọi”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha Fernandes cũng đề cập đến Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 61 năm nay, công bố hôm 19/3 lễ Thánh Giuse, và nói rằng “Thánh Giuse là một người đơn sơ, một người chồng và người cha nuôi, đã đáp lại tiếng Chúa gọi. Cả chúng ta cũng có bao nhiêu Linh Mục thưa ‘xin vâng’ đối với Chúa, dâng cuộc đời để phục vụ, tận tụy hiến thân, mang lại hy vọng cho con người, niềm hy vọng đến từ Thánh Thể, từ sự tha thứ đã nhận lãnh”.
Và Đức Giám Mục giáo phận Columbus kết luận rằng: “Ý tưởng ở đây là các linh mục, giống như các Tông Đồ, phải công bố niềm vui của Tin Mừng. Chúng tôi thành thực hy vọng rằng các chủng sinh của chúng tôi có một động lực truyền giáo đích thực, để có thể là Giáo Hội mà Đức Thánh Cha kêu gọi trở thành: một Giáo Hội đi ra ngoài”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Vatican News