✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. (Mc 16,1-8)
Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
Gợi ý suy niệm
Từ chiều Thứ Sáu, khi Chúa Giêsu được táng xác trong mồ, một không khí đau thương và im lặng bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Sự im lặng như Thiên Chúa đã lặng tiếng bốn trăm năm, kể từ sau thời ngôn sứ Malakhi cho đến khi Gioan Tiền Hô xuất hiện. Suốt thời gian ấy Thiên Chúa đã không sai một ngôn sứ nào đến với dân Do Thái. Sự thinh lặng của Thiên Chúa cùng với những cuộc chiến và sự cai trị tàn bạo của những kẻ xâm lược đã làm dân Do Thái khốn khổ, họ khao khát trông đợi đến mỏi mòn Đấng Messia. Sự mòn mỏi đợi trông ấy thể hiện nơi Thánh vịnh 22 được đọc khi tù và rúc lên báo hiệu giờ sát tế chiên vào buổi chiều ngày áp lễ Vượt qua. Năm đó, giờ đó, cũng đúng vào lúc Chúa Giêsu đang chịu khổ hình và hấp hối trên Thập giá, Người đã đọc Thánh Vịnh cũng là nói lên cảm giác cô đơn trên thập giá của Ngài lúc đó :
Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ? (Tv 22,1).
Nhưng quân lính không hiểu nên đã chạy đi lấy dấm cho Người uống. Người đã kêu một tiếng lớn rồi tắt thở (Mc 15, 34-37).
Chúa Giêsu được những môn đệ trong bóng tối mai táng trong mộ đá. Một sự im lặng nặng nề bao trùm. Các môn đệ tản mác hoặc trốn kỹ trong nhà, cửa đóng kín.
Nhưng chưa bao giờ Thiên Chúa bất động. Chúa Giêsu đã nói : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 15,17). Bốn trăm năm Thiên Chúa không sai ngôn sứ nào đến với dân Do Thái nhưng chương trình cứu độ của Ngài vẫn được tiến hành, cho đến thời điểm Chúa Giêsu lặng thinh trong mộ đá để thực hiện cuộc Vượt Qua vĩ đại của Người.
Hàng năm Giáo Hội long trọng tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh, mà đỉnh điểm phụng vụ là Đêm Canh Thức Vượt Qua, đêm này là mẹ của các đêm canh thức. Trong phụng vụ Đêm Canh Thức, Hội Thánh sắp xếp các bài đọc để các Kitô hữu được ôn lại lịch sử sáng tạo vũ trụ muôn loài và công trình cứu độ loài người của Thiên Chúa, để cảm nhận được các chiều kích tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người bao la, cao sâu của đến nhường nào.
Các bài đọc là phần căn bản trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, với bảy bài thuộc Cựu ước và Hai bài thuộc Tân Ước, gồm đủ mọi cung bậc của Đức Tin và cảm súc. Nếu cảm nhận và thấm thía những bài đọc ấy thì người nghe phải ngỡ ngàng vì khám phá ra những điều mới mẻ kỳ diệu, hào hùng lẫn thiết tha êm ái mà Thiên Chúa đã dành cho mình.
Phần các bài đọc Cựu Ước tường thuật lại quá trình Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài, Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp.
Vì con người phản nghịch cùng Thiên Chúa nên bị luận phạt. Thiên Chúa là Đấng công minh, nhưng từ bi nhân hậu, nên ngay khi ra án phạt con người thì Thiên Chúa đã hứa và có ngay kế hoạch cứu độ con người. Ngài bắt đầu kế hoạch bằng việc gọi ông Abraham đi theo Chúa với lời hứa sẽ làm cho ông trở thành Cha của một dân tộc lớn, là cha của các dân tộc và ban cho ông một miền đất trù phú.
Thiên Chúa nuôi dưỡng để dòng dõi Abraham trở thành một dân đông đúc, tạo điều kiện để họ trưởng thành, đặc biệt là giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập bằng biến cố Vượt Qua thần kỳ. Thiên Chúa chăn dắt, bảo vệ, giáo dục họ thành một dân tộc, đưa họ đến miền đất Ngài đã hứa với Abraham.
Thông qua dân tộc mà Thiên Chúa đã nhận làm dân riêng là Israel, Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ loài người bằng cái chết khổ hình Thập giá và phục sinh của Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Đêm Canh Thức Vượt Qua là phụng vụ của Kitô giáo tiếp nối truyền thống của Do Thái giáo diễn tả biến cố Thiên Chúa giải thoát Israel khỏi ách nô nệ và đưa dân lên từ Ai Cập để đến miền đất hứa. Ý nghịa với Kitô giáo là được Phục Sinh với Đức Giêsu Kitô.
Nghi thức Canh Thức Vượt Qua không chỉ chứng minh sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, mà còn có ý nghĩa là sự khởi đầu của sáng tạo mới trong Đức Kitô, là cuộc xuất hành mới, là từ sự chết đến sự sống. Chúa Kitô chịu chết để giải thoát loài người khỏi tội lỗi, và phục sinh để mở đường vào cuộc sống mới, vì Chúa Kitô Phục Sinh là nguyên lý và nguồn mạch cho sự sống lại : “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…, như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại” (1Cr 15,20-22).
Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, một Tân Ước mãi tồn tại bởi sự Phục Sinh của Người để đời đời cứu chuộc loài người.
Tham dự cử hành Đêm Canh Thức Vượt Qua là tìm về cội nguồn Tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã chịu để mai táng trong mồ. Chúa thinh lặng để Phục Sinh mở đường cho loài người cùng bước vào sự sống đời đời với Chúa. Xin cho chúng con biết đóng đinh tính xác thịt của chúng con vào thánh giá, cho con người tội lỗi của chúng con được chết với Chúa để cùng được sống lại với Người trong cuộc sống mới. Amen.