Chúa Giêsu là người Do Thái, các môn đệ đầu tiên của Ngài là người Do Thái, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cũng là người Do Thái và trong giai đoạn đầu của Kitô giáo, cộng đoàn ấy vẫn đến đền thờ Do Thái cầu nguyện. Như thế có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Do thái giáo và Kitô giáo, và nhiều cử hành phụng vụ trong Hội Thánh Công giáo bắt nguồn từ những ngày lễ của Do thái giáo, cụ thể là việc cử hành Canh Thức Vượt Qua.
Theo truyền thống Do thái giáo, có bốn đêm quan trọng nhất trong hoạt động của Thiên Chúa đối với lịch sử thế giới: đêm Thiên Chúa tạo dựng trời và đất; đêm Abraham hiến người con duy nhất của ông là Isaac cho Thiên Chúa; đêm xuất hành khi Môsê đưa dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập; cuối cùng là đêm tận thế khi lịch sử thế giới chấm dứt.
Kitô giáo tiếp nối truyền thống của Do thái giáo nên trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, Hội Thánh cũng đọc lại các bài Kinh Thánh về tạo dựng, hiến tế Isaac, và về cuộc xuất hành. Duy chỉ có điều khác biệt và là điều rất quan trọng, đó là thay vì nói đến đêm tận thế thì Hội Thánh công bố Tin Mừng Chúa Kitô phục sinh; cũng vì thế, đêm nay còn được gọi là đêm Vọng Phục Sinh. Chính Tin Mừng Phục Sinh soi chiếu một luồng sáng mới vào các bài đọc Cựu Ước, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa phong phú của mầu nhiệm Phục Sinh.
Phục Sinh chính là công cuộc tạo dựng mới. Trong công trình tạo dựng cũ, Thiên Chúa đã tạo dựng con người và cho họ sống trong hạnh phúc, nhưng con người lại cho rằng sống theo thánh ý Thiên Chúa chỉ làm cho mình mất tự do và hạnh phúc, nên họ đã chọn hướng đi khác theo lời ngon ngọt của con rắn. Trong thực tế, hướng đi ấy chỉ dẫn con người đến đau khổ và sự chết. Phục Sinh là công trình tạo dựng mới vì Chúa Giêsu, đại diện cho nhân loại mới, đã dứt khoát chọn lựa con đường của Thiên Chúa, dù con đường ấy dẫn Ngài đến cuộc thương khó và tử nạn. Thế nhưng Phục Sinh minh chứng rằng đó chính là con đường sự sống. Phục Sinh thực sự là công trình tạo dựng mới, nên trong đêm Canh thức này, Hội Thánh cử hành nghi thức rửa tội cho các dự tòng, và sau khi được rửa tội, họ mặc tấm áo trắng mới tượng trưng cho con người mới, tạo thành mới.
Phục Sinh cũng là hiến tế mới. Tổ phụ Abraham ngày xưa đã chấp nhận hiến dâng người con duy nhất là Isaac để bày tỏ niềm tin và sự vâng phục tuyệt đối của ông với Thiên Chúa, và cuối cùng đã có bàn tay thiên thần ngăn ông lại. Còn trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã hiến dâng Người Con duy nhất của Ngài để bày tỏ tình yêu đi đến cùng đối với nhân loại. Đã không có bàn tay nào ngăn lại những nhát búa đóng đinh Con Thiên Chúa, hoặc ngăn lại lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn Người Con ấy! Người Con ấy là Con Chiên chịu sát tế, và cũng nhờ đó mà sự sống mới được ban tặng cho chúng ta. Cho nên đêm nay, khi chủ tế làm phép nước và rảy lên cộng đoàn, chúng ta hát lên rằng: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra”, nghĩa là từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thâu, “và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên: Alleluia! Alleluia!”
Phục Sinh còn là cuộc xuất hành mới. Cuộc xuất hành thời ông Môsê là ra khỏi miền đất nô lệ Ai Cập để đi đến Đất hứa, miền đất của tự do. Nhưng vào đất hứa rồi, Dân Chúa lại rơi vào cảnh nô lệ nhiều lần khác và vẫn phải chết. Còn trong mầu nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu dẫn chúng ta vào cuộc xuất hành mới vì giải thoát ta khỏi thứ nô lệ sâu xa nhất là nô lệ tội lỗi, và dẫn đến sự tự do đích thực là tự do nội tâm. Đêm Canh Thức Vươt Qua được mở đầu bằng nghi thức làm phép Nến phục sinh và rước Nến Phục sinh từ cuối nhà thờ lên. Giữa màn đêm tăm tối của thế giới bị sự dữ thống trị, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện như ánh sáng, và ánh sáng ấy tiến đến đâu thì xua tan bóng tối tới đó. Và mỗi người trong cộng đoàn cũng đón nhận ánh sáng ấy vào trong cuộc đời mình. Quả là hình ảnh tuyệt với về cuộc xuất hành sâu xa nhất cho những ai đặt niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Tóm lại, Phục Sinh là công trình tạo dựng mới, một hiến tế mới và cuộc xuất hành mới. Hiểu như thế, đêm nay là đêm trọng đại nhất trong mọi đêm. Khi người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua trong gia đình, một người con trong nhà cất tiếng hỏi: Tại sao đêm nay lại khác mọi đêm? Người cha sẽ dựa vào Kinh Thánh để giải thích cho cả gia đình hiểu tại sao đêm nay lại là đêm trọng đại, là đêm khác với mọi đêm. Lại chẳng phải là tấm gương đáng cho các gia đình Công giáo noi theo sao? Để đức tin Kitô giáo được chuyển giao cách trung thành và mạnh mẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên nền tảng cho cuộc sống và sức mạnh cho những dấn thân giữa lòng đời. Và ngọn nến Phục Sinh chúng ta thắp lên giữa bóng tối mịt mùng khi bắt đầu Đêm Canh Thức sẽ không chỉ còn là biểu tượng, nhưng là thực tế đầy thuyết phục trong cuộc sống hằng ngày.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net