Nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ làm gì? Để suy nghĩ một chút. Humm… Thật ra, câu hỏi này tôi đã tự đặt ra cho mình vài năm về trước khi được nghe bài hát: “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của nhạc sĩ Hoài An. Hơn nữa, cộng với việc đã được nghe từ trước dụ ngôn “Mười cô trinh nữ” (Mt 25,1-13), nên cuộc sống của tôi kể từ ngày đó cũng coi như trọn vẹn từng ngày.
Tôi không chọn công việc ở xa như những bạn bè đồng trang lứa, mặc dù ước mơ từ nhỏ của tôi là tiến thân lên Sài Gòn hoa lệ. Tôi chọn ở nhà bán hàng phụ mẹ để hai mẹ con có nhiều dịp gần gũi hơn, cùng nhau nấu nướng, cùng nhau mua bán, lại có thể tranh thủ ôm mẹ nhiều hơn. Cho đến giờ, dù nhìn bạn bè có vẻ thành công hơn mình rất nhiều nhưng tôi vẫn chưa từng hối hận về sự lựa chọn của mình.
Mẹ mất đi. Một nỗi trống vắng không thể lấp đầy. Tuy nhiên, nếu tôi cô đơn bơ vơ một thì cha tôi còn cô đơn bơ vơ hơn gấp vạn lần. Chính vì vậy, khi ông bảo ông nhớ quê, muốn trở về với anh em họ hàng, mặc dù trong lòng tôi lúc đó có khá nhiều lo lắng song tôi vẫn ủng hộ và đồng hành cùng ông. Tôi không muốn ông có bất kì điều gì trăn trở nữa khi sau trăm tuổi. Vì thế trước khi tạm biệt nơi tôi sinh ra và lớn lên hơn 30 năm, tôi đã làm những gì tôi có thể làm để từ giã nơi ấy rồi.
Về sống ở quê nội, cha con tôi đi thăm hầu hết họ hàng trong dịp Tết vừa qua, xin lễ cho những người đã khuất và cầu bình an cho những người còn sống. Tôi cũng tranh thủ xét mình xưng tội mỗi khi có Cha ngồi tòa để có thể sốt sắng tham dự Thánh lễ hơn.
Có thể bạn sẽ nghĩ tôi là người không có ước mơ, không có hoài bão nhưng điều tôi coi trọng nhất chính là gia đình của mình. Cho nên chỉ để nhìn thấy nụ cười của cha mẹ, được ở bên họ lúc họ cần tôi nhất, chăm sóc từng bữa cơm chén trà, những điều đơn giản nhỏ nhặt như thế thôi nhưng đối với tôi đó là mãn nguyện rồi.
Trở lại câu hỏi nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ làm gì? Câu trả lời còn tùy vào ngày đó đang ở thời điểm nào và tôi có biết được chính xác ngày tôi ra đi hay không.
+Trường hợp 1: Nếu tôi không biết ngày tôi sẽ ra đi, trong khi nhà tôi vẫn chưa xây xong thì chúng tôi vẫn bận bịu cho công việc này. Và điều đơn giản nhất tôi có thể làm là nấu cho cả nhà một bữa ăn ngon bằng tất cả tâm tình của mình.
+Trường hợp 2: Nếu tôi không biết ngày đó tôi sẽ ra đi, nhưng nhà tôi đã xây xong rồi thì hai cha con tôi sẽ lên kế hoạch đi thăm họ hàng, đồng thời tranh thủ ngắm nhìn quê hương xinh đẹp một lần nữa, nếm những đặc sản mà chúng tôi đã nghe nói trên tivi, báo đài hay những món ăn thơ ấu làm cha tôi mãi không quên.
+ Trường hợp 3: Nếu Chúa báo mộng cho tôi rằng tôi chỉ còn sống được một ngày trên thế gian này thì ngày hôm đó tôi sẽ dành phần lớn thời gian bên cạnh cha tôi, Tôi sẽ đi một vòng thăm hỏi bà con. Ai thân thiết tôi sẽ ôm một cái tạm biệt. Tôi sẽ pha trò và làm cho họ nhớ mãi về nụ cười của tôi. Chiều tối, tôi sẽ làm một bữa cơm nhẹ cho gia đình. Sau đó đi nhà thờ, sẽ cầu lễ lần cuối, xưng tội nếu có cơ hội. Tối về, tôi sẽ viết thư cho người tôi muốn nhắn nhủ, sẽ hôn người tôi muốn hôn lần cuối, quét dọn căn phòng của mình thật sạch sẽ ngăn nắp và đọc một vài kinh trước khi chìm vào giấc ngủ.
Tôi không muốn sự ra đi của tôi phải ầm ĩ, nên nếu được ra đi nhẹ nhàng như vậy là hoàn hảo. Cám ơn Chúa đã cho con được hiện hữu trên đời và đã trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Nếu Chúa vẫn muốn con làm thêm điều gì đó ở cuộc đời này thì xin tỏ rõ cho con biết. Còn nếu con đường của con đến đây là hết và Chúa muốn gọi con về thì con cũng noi gương Đức Mẹ mà nói hai tiếng “Xin vâng”.
“Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc” (Ngày về – Lm. Kim Long)
Tác giả: Ma-ri-a Trần Hồng Anh (tonggiaphanhanoi.org)