Louis Bouffard năm nay 24 tuổi, mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne, một căn bệnh thoái hóa cơ gây tê liệt. Trong cuốn sách mới nhất tựa đề “Un Coeur Joyeux-Một tâm hồn vui tươi”, anh kể về cách mà khuyết tật, đau khổ đã dạy anh sống đức tin và yêu cuộc sống như thế nào.
Louis thường ở trong một căn phòng, ngồi trên một chiếc ghế bành màu đen, lưng và đầu rất thẳng. Anh hầu như không di chuyển, tuy nhiên những gì anh thể hiện lại cho thấy cuộc đời anh không chỉ bó chặt trên chiếc ghế. Anh đang sống một cuộc sống tràn đầy.
Khi mới lên 2 tuổi, Louis được chẩn đoán mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne. Căn bệnh đã làm cho các cơ yếu dần và sau đó tê liệt. Khi lớn lên, Louis mất khả năng sử dụng cánh tay, rồi đến chân cũng không thể cử động được. Thêm vào đó khả năng hô hấp giảm, vào ban đêm anh phải sử dụng máy trợ thở, và với tình hình như vậy, một số thời gian trong ngày anh cũng phải dùng đến nó. Khi được hỏi về sự bất tiện này, anh mỉm cười nói: “Thật khó khăn, nhưng khi có mục đích để sống, chúng ta sẽ tiến về phía trước”.
Căn bệnh có phải là một bất công? Anh trả lời: “Không. Đó là một bài kiểm tra. Trong cuộc sống, ở một thời điểm nào đó tất cả chúng ta đều đau khổ. Nhưng chúng ta phải đưa ra một chiều kích khác cho đau khổ. Chính đức tin làm điều này. Đức tin làm cho chúng ta nhớ đến mầu nhiệm nhập thể: tôi tin chắc rằng Chúa Kitô đã đến để chia sẻ đau khổ của tôi. Người không tránh xa nhưng lại gần. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn đau khổ, nhưng chiến đấu với nó. Và hơn thế nữa, Người đến cùng chiến đấu với chúng ta”.
Một câu hỏi khác được đưa ra trong khi phải chịu đau khổ: Vậy phẩm giá con người thì sao? Phẩm giá này không bị tổn thương, bị hạ thấp sao? Louis trả lời mạnh mẽ: “Chính xã hội ngày nay đang muốn bán rẻ nhân phẩm. Như thể đau khổ đã lấy đi phẩm giá của con người. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng nhân phẩm có thể bị mất đi. Chúng ta có nhân phẩm bởi vì chúng ta là con người. Nhân phẩm không thể thay đổi được. Điều chúng ta phải làm là đấu tranh chống lại sự cô đơn và loại trừ, điều giết chết nhân phẩm”.
Cuộc sống của Louis khi còn nhỏ với căn bệnh dưới ánh mắt của nhiều người là nỗi lo sợ hơn là ác ý. Về điều này anh viết: “Sự khác biệt nhắc nhở chúng ta về những yếu đuối của chúng ta, và điều này làm chúng ta lo sợ và cố gắng trốn thoát. Khi còn trẻ việc lẩn trốn này càng mạnh mẽ, và thế là càng bị chế nhạo”.
Chia sẻ về điều này, Louis nói anh không phải một mình đối diện với đau khổ. Anh được gia đình hỗ trợ rất nhiều. Anh viết: “Tôi không phải sống một mình với tình trạng khuyết tật, nhưng tôi được mọi người chia sẻ. Đây là một ân ban lớn lao”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Louis cũng nhận được từ gia đình những hỗ trợ, vì vào ngày 02/5, sau khi bị té ngã mẹ của anh đã ra đi. Anh cầu nguyện không ngừng xin Chúa chữa bà nhưng cũng sẵn sàng đón nhận ý Chúa. Anh mô tả kinh nghiệm này: “Thử thách quá lớn đối với tôi. Nhưng tôi may mắn có một gia đình cầu nguyện. Vì thế, một cách tự nhiên, để giữ cho tâm trí được vững vàng, tôi cầu nguyện. Cầu nguyện không lấy đi nỗi đau nơi tôi nhưng đó là tất cả niềm hy vọng mà Kitô giáo muốn hướng đến: hiểu rằng cuộc sống đời này chỉ là một chặng đường. Quê hương chúng ta ở trên trời. Tôi sống với khuyết tật của mình nhưng cái chết của mẹ tôi làm cho tôi ý thức hơn về cuộc sống vĩnh cửu. Vì thế, trên mặt đất này có những lúc mọi thứ bị rung chuyển thì vẫn có Chúa Giêsu là đá tảng hiện diện, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả mọi thứ”.
Sau những thử thách, giờ đây Louis khẳng định rằng khuyết tật là sức mạnh lớn nhất của anh. Anh nói: “Tôi có thể làm chứng rằng chúng ta có thể sống mặc dù đau khổ và chứng tỏ rằng Chúa Kitô vẫn sống trong tôi. Đó là cách tôi nghĩ rằng Chúa đang mời gọi tôi làm chứng bằng chiếc xe lăn này. Để làm được điều này, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận ân sủng Chúa. Giống như cửa kính, chúng ta được mời gọi để ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua. Hành động hoán cải hằng ngày là mỗi sáng nói lời xin vâng với Chúa, và điều chỉnh lại những gì không quy về Chúa”.
Louis kết luận: “Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta được tạo dựng cho cuộc sống đời đời. Mọi sự là phù vân, chúng ta chỉ đi qua cuộc đời này. Mọi sự ở đây được thiết kế để dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta phải sống cuộc đời này như một sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tuyệt vời với Thiên Chúa”.
Vatican News