“Tinh thần nghèo khó” không phải là một trạng thái thiếu thốn vật chất. Nghèo khó vật chất là một tình trạng kinh tế, chứ không phải là một nhân đức. Nếu “nghèo”, tự nó là tốt, thì tại sao chúng ta lại giúp cho những người nghèo thoát cảnh bần cùng. Đáng lẽ, chúng ta cần phải phổ biến tình trạng nghèo đói rộng rãi hơn chứ. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương nhau, chứ không dạy chúng ta hãy làm nghèo lẫn nhau. Vì thế, trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy làm theo lời Chúa dạy: thực thi bác ái với tất cả mọi người, quan tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bé mọn nhất.
Nghèo khó bất đắc dĩ thường tàng ẩn một sự ham hố mãnh liệt về sự giàu sang, và sung sướng; càng không được hưởng thụ, chúng ta càng bị quyến rũ nhiều hơn. Chúng ta dễ dàng coi thường những gì mình đã có và đã biết, hơn là, những gì mà mình chưa có và chưa biết. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Có nghĩa là: phúc cho những ai chấp nhận để Chúa làm chủ cuộc đời mình, để mình bị vượt qua, bị xáo trộn; để cho những lập trường bị lung lay, những hệ thống tư tưởng bị sụp đổ, những nguyên tắc và tất cả những gì mình cho là phải như thế, thì bây giờ không còn là phải như thế nữa.
Phúc cho những ai bỗng nhiên nhận ra rằng không có gì là đương nhiên và ngộ ra rằng Thiên Chúa có quyền đòi hỏi tất cả. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường tự đúc cho mình một cái vỏ rất cứng: một mớ tập quán, tư tưởng, luân lý, tình cảm. Tất cả những thứ đó có một “ma lực” làm cho chúng ta xa Chúa một cách lạ lùng. Chúng ta bám víu tứ phía, bám víu vào mớ thói quen kia, và chỉ cần, tưởng mình phải lìa bỏ những thứ đó, đã làm cho chúng ta cảm thấy đau xót, không thể chịu được, đến nổi chúng ta chỉ theo Chúa, khi nào Người không đòi hỏi, không bắt chúng ta phải từ bỏ những thứ đó. Ước gì chúng ta dám buông bỏ mọi sự vì Chúa!
Sự nghèo khó đầu tiên mà Chúa đòi hỏi chúng ta là phải từ bỏ những quan niệm của mình về sự nghèo khó. Chúng ta thường nghĩ mình không bị ràng buộc gì cả: những gì chúng ta giữ lại chỉ là những thứ cần thiết thôi, hãy thử bỏ một vật gì đó, tức khắc chúng ta sẽ thấy sự dính bén của mình ngay; Cái này chị A có, ta không có; cái kia anh B thèm muốn, ta không quan tâm; điều mà bà C không dám hy sinh, thì ta lại dám. Thế là, ta tự cho rằng mình có quyền lên mặt với người khác. Nếu như thế, ta hãy đi mua ngay những thứ mà mình đã từ bỏ, đã hy sinh, để ta bỏ ngay cái thói: lên mặt và dạy đời người khác.
Tự hào vì mình sống nghèo khó thì cực kỳ nguy hiểm: Lời của ông Pharisêu: “con cám đội ơn Chúa vì con không như tên thu thế kia” sẽ rất dễ trở thành lời của chúng ta: “con cám đội ơn Chúa vì con không như tên Pharisêu kia”. Chúng ta có nhiều cách để trắc nghiệm xem mình có tinh thần nghèo khó không: khi Chúa đòi ta từ bỏ một điều gì đó: vật chất hoặc tinh thần, ta có thái độ như thế nào? Chúng ta có vì thế mà hát lên lời tán tạ Chúa không? Khi Người đòi ta phải thay đổi tận gốc rễ cái nhìn của mình về một người nào đó, ta cảm thấy thế nào? Đó là đích điểm của đức khó nghèo mà ta cần tiến đến trong Mùa Chay Thánh này.
Tinh thần khó nghèo là điều kiện tiên quyết để Chúa bước vào cuộc đời ta và thâm nhập vào nơi ẩn kín nhất của tâm hồn ta: người bệnh mới cần đến thầy thuốc. Tội xấu nhất mà chúng ta có thể lỗi phạm là khi ta nói với Chúa: Chúa hãy để con làm, con sẽ tự mình xoay sở được, con có đủ mọi thứ cần thiết, con cảm thấy mình đầy đủ lắm rồi, con không cần Chúa đâu. Người có tinh thần nghèo khó là người luôn biết tựa nương vào Chúa, biết mình không thể làm được bất cứ việc gì, nếu không có Chúa. Ước gì trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta tránh được cơn cám dỗ: tưởng mình toàn năng, nhất là, khi làm được các việc đạo đức và có được những tiến bộ trong đời sống thiêng liêng.
Người có tinh thần nghèo khó, sẽ chấp nhận sống “không yên ổn”, sẵn sàng để cho Lời Chúa đả phá, thúc bách, lôi kéo mình ra khỏi cái thế giới riêng tư, và sẵn sàng cất bước ra đi. Ápraham là người có tinh thần nghèo khó, khi ông trung thành bước theo tiếng nói của Thiên Chúa: Hãy ra đi! Hãy bỏ tất cả của cải, xứ sở, di sản, văn minh, tập quán, quá khứ của ngươi! Lúc đó, Ápraham không còn bé bỏng gì nữa, nhưng ông đã ra đi, mà không biết mình đi về đâu. Ước gì chúng ta cũng có được tinh thần nghèo khó như Ápraham, để tiếp nhận lời nói gây xáo trộn của Chúa trong Mùa Chay Thánh này. Ước gì được như thế!
Tác giả:Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB